Người 'gieo' chữ bằng miệng

Ngày đăng: 25/11/2019 - 737 lượt đọc

Phùng Văn Trường từng muốn chết đi cho bố mẹ đỡ khổ vì chân tay co cứng, phải ngồi xe lăn. Bực vì không viết được, Trường rèn cầm bút bằng miệng rồi trở thành thầy giáo.

16h30 hàng ngày, căn nhà của vợ chồng anh Trường ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, lại đón các em nhỏ trong xóm đến học. Trong gian nhà nhỏ, anh Trường ngồi xe lăn, vây quanh là nhóm học sinh ngồi kín các dãy bàn kê hình chữ U. Lớp học của anh Trường không có bảng đen, phấn trắng, chỉ có một chiếc sọt nhựa đựng sách giáo khoa và vở viết. Lớp có sĩ số khoảng 20 cháu, từ lớp 1 đến lớp 5.
"Ông Trường ơi", "bác Trường ơi chỉ cho cháu với", nghe tiếng học sinh réo gọi, anh Trường điều khiển xe lăn quay qua, quay các dãy bàn, lúc nhận xét bài tập viết, khi hướng dẫn các phép toán. Lớp của anh nhiều năm nay không chỉ luyện chữ, học tính, mà còn là nơi phụ huynh gửi gắm con em tới học ý chí của người thầy ngồi xe lăn. 

Nét chữ từ đôi môi rớm máu
Năm 2 tuổi, tay chân anh Trường yếu dần, đi không vững phải vịn tường mới có thể đứng được. Ở tuổi cắp sách đến trường, muốn con biết mặt chữ, tính toán, bố anh cho con trai đi học. Con không cầm bút được, ông kẹp bàn tay anh lại tập viết.
Năm 1985, gia đình cho anh ra Hà Nội mổ. Sau lần ấy, anh Trường có thể tập tễnh, chống nạng tự đi học. Ngày nào không đi được, anh nhờ người thân hay bạn bè chở giúp. Hết lớp 8, anh Trường buộc phải thôi học vì hai tay co cứng không thể cầm bút; đôi chân cũng không cất nổi dù có nạng gỗ. Nghỉ học, anh sống tách biệt với mọi người và nhiều khi muốn chấm dứt cuộc sống để bố mẹ đỡ khổ. 
"Con đường ngày xưa vào nhà tôi toàn đá sỏi, rất đau chân, nhưng vì thương con ở nhà một mình, ngày nào bố cũng cõng tôi ra đầu làng chơi với mọi người", anh Trường chia sẻ.
Khi trưởng thành, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, anh xin bố mẹ làm nhà ngoài mặt đường bán hàng kiếm sống. Khách mua hàng chịu nhưng anh không ghi chép được vào sổ nợ. Anh nghĩ thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký có chân để quặp bút viết, còn anh đến cả chân cũng không đứng được, giờ muốn viết chỉ có cách dùng miệng. Anh Trường bắt đầu cắn bút tập viết.


Những ngày đầu luyện chữ, có lần bút đâm vào miệng đến bật máu, nhưng anh không hề bỏ cuộc. Ảnh: Nguyễn Ngoan

Mới đầu chưa quen, cán bút chọc vào họng anh liên tục đến bật máu. Phải cúi cả người và lưng xuống mặt bàn để viết khiến anh thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt; lưng và cổ mỏi. Chịu đau đớn nhưng chữ không ra hình thù gì, có lúc anh Trường quẳng bút, giấy đi không tập nữa. Ròng rã hơn tháng trời, anh bắt đầu viết được, dần dần có thể làm chủ được cây bút.
Anh Trường tâm sự nghề dạy học đến với anh như một cơ duyên. Trước đây anh chỉ dạy kèm cho con nhà em gái. Sau khi được anh dạy, các cháu học hành tiến bộ. Dần dần, gia đình trong các thôn xung quanh cũng đưa con đến nhờ anh giúp.
"Các cháu học bị hổng kiến thức nhiều, lại ở các khối lớp khác nhau nên mỗi trường hợp phải soạn một giáo án riêng, làm sao dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất", anh Trường nói.
Ban đầu anh Trường dạy miễn phí, sau đó, khâm phục nỗ lực và thương hoàn cảnh của thầy, phụ huynh rủ nhau đóng góp 100.000 đồng mỗi tháng để anh có tiền trang trải cuộc sống.
Gần 10 năm dạy chữ cho học trò, giờ anh được nhiều người trìu mến gọi là thầy Trường, điều anh chưa bao giờ dám nhận. Với anh, mỗi ngày trôi qua được truyền đạt kiến thức, những nét chữ cho các em nhỏ là niềm hạnh phúc lớn.
Anh Trường nhớ mãi một cháu bé bị tự kỷ, gia đình khó khăn, đưa đến nhờ anh dạy. Không biết đọc, biết viết nhưng sau khi được anh chỉ bảo, cháu bé đã tiến bộ, có thể hòa nhập với các bạn ở trường.
Gần đây, sức khỏe của anh ngày một yếu dần, không thể tự lên xuống xe lăn dạy học. Có những hôm anh Trường phải lết dưới sàn, học sinh đến rồi phải về khiến nhiều đêm anh trăn trở.
"Có lần tôi xếp cả bàn ghế lại rồi nhưng các cháu đứng ngoài cửa gọi. Tôi thấy thương lắm nên gọi vào, ngồi dưới đất chỉ cho chúng. Tôi nghĩ ngày nào còn tỉnh táo, còn giúp được các cháu thì tôi vẫn tiếp tục dạy, kể cả một đứa tôi cũng dạy", anh Trường cho biết.


Nhắc đến lớp học của mình, anh Trường luôn tự hào vì có thể góp một phần sức lực để giúp các cháu học tốt hơn. Ảnh: Nguyễn Ngoan.

Ngoài dạy học, thầy Trường cùng một số người đã vận động được hơn 3.000 đầu sách, từ sách giáo khoa đến sách khoa học, kỹ năng sống, truyện tranh... và mở thư viện Hallo World (Xin chào thế giới) miễn phí cho các em tại nhà.
"Nhà tôi như nhà cộng đồng. Nhìn các em vui vẻ bên những cuốn sách, tôi thấy hạnh phúc và cảm nhận cuộc đời mình ý nghĩa hơn", thầy Trường nói, hướng mắt về phía người phụ nữ đang tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều.

Nhắc đến người vợ hơn mình 4 tuổi, đôi mắt anh Trường bừng sáng, ánh lên vui vẻ. Trong mắt anh, chị Hường là người vợ chịu khó, biết chia sẻ và yêu thương chồng con. Hai người biết nhau qua mai mối của người chị gái. Hồi đấy anh Trường không bao giờ nghĩ tới chuyện lập gia đình vì sợ làm người khác khổ. Đến khi dạy học cho các cháu, niềm vui sống, tình yêu con trẻ và tinh thần lạc quan dần trỗi dậy, khiến anh muốn có một gia đình nhỏ.
Tại cuộc gặp đầu tiên, anh Trường thẳng thắn đưa ra ba điều kiện với chị Hường, đó là yêu thương anh, trở thành tay chân cho anh và nếu không may mắn, không thể có con cũng phải vui vẻ sống. Cảm phục ý chí của người đàn ông tật nguyền, chị Hường nguyện gắn bó cuộc đời với anh, chẳng màng chuyện thiệt thòi hay vất vả.
"Tôi muốn bù đắp những bất hạnh anh ấy đã trải qua", chị Hường nói, với tay ôm cậu con trai của hai người vào lòng, rồi mỉm cười.
Con trai đầu lòng của anh chị đã vào lớp 1, khỏe mạnh và hoạt bát. Mỗi chiều đi học về, bé giúp bố mở cửa đón các bạn tới nhà học. Khi được hỏi về mong ước, anh Trường tâm sự nếu sức khỏe yếu, không thể dạy học hay tiếp tục sống, anh muốn được hiến giác mạc để mang lại ánh sáng cho ai đó, để đôi mắt mình tiếp tục nhìn ngắm cuộc đời tươi đẹp.


May mắn lớn nhất của cuộc đời anh là lấy được một người vợ thấu hiểu và có một gia đình trọn vẹn. Ảnh: Nguyễn Ngoan

Nguồn: ngoisao.net
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song