20 năm phấn đấu vì sự nghiệp trồng người của Hội

Ngày đăng: 15/11/2017 - 1332 lượt đọc

Ngày 15/11/2017, Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù thuộc Hội Người mù Việt Nam kỉ niệm 20 năm hoạt động (1997-2017).

Đến dự có lãnh đạo Trung ương Hội; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐTB&XH; Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam; Học viện Phụ nữ Việt Nam; lãnh đạo Đảng ủy phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy; đại diện các tổ chức phi Chính phủ trong nước, quốc tế; đại diện lãnh đạo 25 đơn vị Tỉnh, Thành hội và các học viên khóa 74 đang học tập tại Trung tâm.
Được thành lập ngày 23/02/1994, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp duy nhất của Hội Người mù Việt Nam với chức năng đào tạo cán bộ các cấp Hội, giáo viên dạy chữ nổi, phục hồi chức năng, dạy vi tính, xoa bóp bấm huyệt cho người mù, tiếng anh, công tác báo chí và âm nhạc,… Với kinh phí hỗ trợ xây trụ sở từ Hội Người mù và kém mắt Na uy Trung tâm đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/1997. Những ngày đầu, Trung tâm đối diện với vô vàn những khó khăn, thử thách như: là Trung tâm đầu tiên, duy nhất của Trung ương Hội Người mù Việt Nam nên không có mô hình tương tự trong nước để học hỏi; kinh nghiệm tổ chức các khóa học của Trung tâm, kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên còn nhiều hạn chế, sự thiếu thốn về trang thiết bị, giáo trình, tài liệu và kinh phí… Tuy nhiên với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tất cả vì mục tiêu đem lại kiến thức, kĩ năng giúp người mù Việt Nam vươn lên hòa nhập cộng đồng, hàng năm, trên cơ sở sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các ban chuyên môn và căn cứ vào tình hình thực tế ở các địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với nhu cầu đào tạo, cũng như sự phát triển của Hội và người mù nói chung.

Lớp tin học tại trung tâm

Sau 20 năm hoạt động, nội dung và các loại hình đào tạo tại Trung tâm không ngừng được mở rộng và nâng cao.Tính đến hết tháng 10/2017, Trung tâm đã tổ chức 74 khóa đào tạo cho 5086 học viên thuộc 22 loại hình lớp. Để nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với nhu cầu thực tế, Trung tâm đã đưa thêm vào nội dung giảng dạy các khóa học: Kĩ năng sống và làm việc, xoa bóp chân và xoa bóp Nhật Bản, xử lí âm thanh, công tác xã hội, các ứng dụng mới trên internet,.. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song các khóa học đều thực hiện đúng chương trình, kế hoạch đề ra với kết quả đạt 95,5% học viên thi đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ, trong đó có 70,14% học viên đạt loại khá, giỏi.
Trong số học viên tại Trung tâm, tỉ lệ người mù, mờ chiếm 95 %, nhiều người từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, chưa từng tham gia sinh hoạt, học tập trong môi trường tập thể. Các cán bộ, công nhân viên của Trung tâm đã cố gắng trong việc chăm lo đời sống, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho các học viên. Các giáo viên thật sự kiên trì, nhiệt tình, giảng giải, hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện tốt để anh chị em lĩnh hội các kiến thức, kĩ năng của các khóa học.
Sau khóa học, hầu hết các học viên trở về địa phương đều đã phát huy kết quả học tập trong công tác quản lí, giảng dạy hoặc làm việc tại các cơ sở sản xuất, dịch vụ của Hội hay các cơ sở tư nhân. Nhiều học viên đã áp dụng các kiến thức, kĩ năng tại Trung tâm để thi vào các trường đại học hoặc tiếp tục tham gia học phổ thông đạt kết quả tốt.
Trong suốt quá trình hoạt động, Trung tâm đã thiết lập mối quan hệ với nhiều tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hoạt động như: Đại sứ quán và hội đồng văn hóa, giáo dục - Vương quốc Anh, Tổ chức Jica - Nhật Bản, Tổ chức SIDA - Thụy Điển, Tổ chức Abilis - Phần Lan, Tổ chức Maryknoll - Hoa Kì, tổ chức đoàn kết quốc tế FMFI  và nhiều tổ chức, cá nhân khác.
Bên cạnh việc mở rộng mối quan hệ với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm học hỏi kinh nghiệm, từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, Trung tâm đã không ngừng tạo điều kiện nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Đến nay, 100% anh chị em đã tốt nghiệp đại học , có văn bằng/ chứng chỉ sư phạm giáo dục phổ thông, sư phạm nghề; trong đó 30% có trình độ thạc sĩ, nhiều người vẫn đang tiếp tục học tập để nâng cao trình độ. Các cán bộ, giáo viên còn được tham gia các cuộc tập huấn, đào tạo, các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước, đặc biệt là trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Từ đó, vừa góp phần từng bước nâng cao chất lượng, mở rộng các loại hình đào tạo tại Trung tâm, đồng thời, làm tốt công tác hỗ trợ đào tạo tại các Tỉnh, Thành Hội như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội…

Thừa ủy quyền của Bộ LĐTB&XH Ông Cao Văn Thành trao bằng khen của Bộ cho cán bộ, giáo viên Trung tâm

Phát huy nhưng kết quả đạt được, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế nâng cao chất lượng, đa dạng hóa loại hình đào tạo với mục tiêu đào tạo hàng năm từ 250-270 học viên. Đẩy mạnh công tác đào tạo cho Tỉnh hội mới thành lập, các Tỉnh, Thành hội khu vực miền Trung – Tây Nguyên và phía Nam; đồng thời tiếp tục hoàn thiện giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập.
Với những nỗ lực vượt khó và không ngừng cố gắng vì chất lượng đào tạo trong 20 năm qua, Trung tâm đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2009, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ lần thứ nhất năm 2007, lần thứ hai năm 2012; bằng khen của Bộ LĐTB&XH, của Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam. Và năm 2017, nhân kỉ niệm 20 năm hoạt động Trung tâm cũng vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai, bằng khen của Bộ LĐTB&XH vì đã hoàn thành tốt chương trình dạy nghề cho người khuyết tật và 3 cá nhân vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra Trung ương Hội đã tặng 21 Kỉ niệm chương Vì hạnh phúc người mù cho 15 cá nhân thuộc nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước và 6 cá nhân là cán bộ, giáo viên công tác tại Trung tâm vì đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Trung tâm và người mù.
Qua những bước trưởng thành, nhận thức rõ trách nhiệm trên chặng đường sắp tới, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Hội Người mù Việt Nam, sự phối hợp của các phòng ban chuyên môn và các Tỉnh, Thành hội, các cơ sở đào tạo, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, toàn thể cán bộ công nhân viên, giáo viên của Trung tâm sẽ đoàn kết, phấn đấu đạt những thành quả cao hơn, từng bước đưa Trung tâm trở thành một mô hình đào tạo có quy mô và chất lượng ngang tầm khu vực, góp phần cùng tổ chức Hội giúp người mù Việt Nam phát huy hết tiềm năng, vươn lên, chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng, kinh nghiệm, vững tin hòa nhịp với sự phát triển chung của cộng đồng.

Theo Đời mới
 


Các tin khác