Đừng để tử tế chỉ là… hiện tượng!

Ngày đăng: 14/12/2018 - 914 lượt đọc

“Đang là giáo viên dạy môn Thể dục trường THCS Cẩm Nhượng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy cùng vợ và hai con đang phải sống trong một ki-ốt tạm bợ…”.

Đây là những dòng tóm lược ngắn gọn về hoàn cảnh của thầy giáo Trần Quang Cường – giáo viên trường THCS Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, người đang “nổi tiếng” về hành động đẹp, đẹp đến mức ngỡ ngàng: Thuê xe ôm tìm trả 50 triệu đồng tiền mặt và 23 chỉ vàng cho người bỏ quên!

Câu chuyện này chỉ vừa mới diễn ra cách đây vài ngày, trưa 11/12. Theo tường thuật của phóng viên Dân trí, khi đang ngồi chờ xe buýt chuyến TP Hà Tĩnh – Cẩm Nhượng thì thầy Cường phát hiện 1 túi nhỏ chứa số tài sản lớn nói trên để quên của một thanh niên đã bắt chuyến xe TP Hà Tĩnh – Hương Sơn trước đó.

Trong tình huống đó, thầy Cường đã nhờ bạn bắt xe ôm đuổi theo, song không kịp. Sau đó, thầy bắt xe buýt lên huyện Hương Sơn để tìm người bỏ quên để trả lại toàn bộ số tài sản.

Việc “nhặt lại của rơi trả lại người bị mất” được thầy Cường thực hiện rất dứt khoát, nhiệt tình như một lẽ đương nhiên, phải làm và thậm chí là cần kíp. Bởi, theo suy nghĩ của thầy, với số tài sản lớn như vậy, “người bỏ quên sẽ rất lo lắng nên phải nhanh chóng tìm trả cho họ”, thầy Cương nói.

Và cuối cùng, một cái kết có hậu đã diễn ra: Nam thanh niên nhận được gói đồ bỏ quên còn thầy Cường thì nhất quyết không nhận 2 triệu đồng cảm ơn từ người để quên đồ.

Ai đó sẽ nói rằng, câu chuyện này cũng tựa như với rất nhiều câu chuyện mẫu mực khác mà chúng ta vẫn thường được thấy trong sách giáo khoa, nhưng thật chẳng dễ dàng để giữ được cốt truyện đấy khi mỗi người tự đặt mình vào hoàn cảnh tương tự. Liệu có bao nhiêu người có thể ứng xử vô tư, nhiệt tình được như người thầy giáo nghèo ấy?

Thật dễ dàng để phán xét, đánh giá về những người quanh ta, nhưng luôn hành động đúng đắn thì không phải ai cũng đều làm được. Chính bởi bức tranh đời thực đâu đó vẫn còn những mảng màu xám xịt cho nên những câu chuyện “nêu gương” như của thầy giáo Trần Quang Cường lại càng phải được nhắc đến nhiều hơn nữa.

Sự thiện lương, lòng tử tế ấy khiến một thầy giáo nghèo song xứng đáng được nể trọng hơn không ít vị chức quyền, địa vị nhưng lại bị khuất phục bởi lòng tham, bị chi phối bởi đồng tiền.

Dẫu không có camera theo dõi, không có công an, cảnh sát bên cạnh, không ai giám sát… thì vẫn còn đó là lòng tự trọng, là lương tâm của một con người.

Có câu “không phải ai cũng lựa chọn được hoàn cảnh sống, nhưng ai cũng đều có quyền lựa chọn cách sống cho riêng mình”. Chưa nói đến việc đứng lên dũng cảm tố cáo, phơi bày và đấu tranh với cái xấu, chỉ cần bất cứ ai ở trong hoàn cảnh nào cũng đều có thể ứng xử với lòng tự trọng và mang trong mình sự thiện lương thì xã hội sẽ đẹp lên biết bao nhiêu.

Bởi vượt lên tất thảy vật chất, tiền tài…, lòng tự trọng mới là tài sản quý nhất, mới tạo nên giá trị bền lâu của một con người.

Khi nền tảng xã hội được xây dựng với lòng tự trọng của từng cá nhân như thế thì lúc đó, những hành động đẹp mới không còn là “hiện tượng” và người ta sẽ tự cảm thấy xấu hổ với các hành vi không chuẩn mực của bản thân.

                                                                                                                                                                                        Theo Dân Trí

                                                                                                                                                                                     Nguyễn Triệu (st)