Chàng sinh viên khiếm thị nhiều nghị lực

Ngày đăng: 14/12/2018 - 1160 lượt đọc

KHPTO - “Tôi là người cực kỳ hiếu kỳ. Ngày còn bé, tôi khiến người lớn đau đầu vì vô số câu hỏi mà họ không có thời gian trả lời hết”, chia sẻ của Nguyễn Thành Vinh, cử nhân ngành truyền thông (truyền thông chuyên nghiệp), vừa tốt nghiệp tại RMIT Việt Nam.
“Nhưng câu hỏi luôn đau đáu trong tôi chính là màu sắc là gì?”, Vinh không bị khiếm thị bẩm sinh, bạn vẫn nhìn được trong 18 tháng đầu đời. Như hầu hết những người trưởng thành, bạn không nhớ nhiều về khoảng thời gian đó. Nhưng Vinh thực sự vẫn nhớ về khao khát cháy bỏng được học hỏi, trải nghiệm, duy trì sự tự lập và phá bỏ định kiến của xã hội về khiếm khuyết của mình.
Vinh chia sẻ: “Ngay khi còn nhỏ, tôi đã luôn tự lập. Tôi không bao giờ muốn ở nhà vì rất chán. Nên tôi bò, men theo tường, cảm nhận bề mặt đồ vật, ghi nhớ các mốc ranh giới và ghi nhận âm thanh để di chuyển. Tôi từng ra ngoài khám phá rất nhiều”.
Khi lớn hơn, Vinh vượt qua mọi chướng ngại cả về thể chất và phân biệt đối xử do bị khuyết tật, đặc biệt trong khoảng thời gian đi tìm nơi để học đại học. “Tôi không được nhận vào một số trường đại học vì bị khiếm thị. Điều này khiến tôi cảm thấy tức giận và nản lòng. Họ không quan tâm xem tôi có khả năng gì, chỉ cần nghe về khiếm khuyết của tôi họ lập tức nghĩ ngay đến chướng ngại và tính bất khả thi”, Vinh chia sẻ.
Chính khao khát không ngừng nhằm thách thức thực tại cộng với quyết tâm không lay chuyển để thành công đã dẫn đến việc Vinh ứng tuyển cho học bổng chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT. Đây là học bổng đầu tiên dạng này ở Việt Nam ra đời nhằm hỗ trợ sinh viên như Vinh, những người mà nếu không có học bổng này có thể không có cơ hội tiếp cận với giáo dục bậc cao tại RMIT Việt Nam.
Cô Carol Witney, quản lý dịch vụ bình đẳng giáo dục (ELS) - bộ phận hỗ trợ sinh viên có nhu cầu học tập khác biệt tại RMIT Việt Nam, gặp Vinh lần đầu tiên khi bạn đang ứng tuyển học bổng. Cô nhận thấy Vinh là “ứng viên nổi bật” vì “trí tuệ, thái độ, nhiệt huyết, động lực, sự hòa nhã và tầm nhìn rõ ràng về điều bạn muốn làm và lý do tại sao”.
Sau khi được RMIT trao học bổng, Vinh đã chọn học ngành truyền thông chuyên nghiệp. Bạn muốn học cách dùng kỹ năng và các mối quan hệ để tạo ra thay đổi.
Cô Witney nhanh chóng nhận ra Vinh không phải là một sinh viên tầm thường: “Vinh vào trường với tâm thế hiểu rõ tình trạng của bản thân và cách bạn có thể là tiếng nói cho người khác như thế nào. Vinh có công trong việc giúp RMIT tiến đến việc trở thành trường đại học dành cho mọi sinh viên. Đây là bước tiến cực lớn và đóng góp của Vinh là vô giá”.
Tuy nhiên, Vinh không chỉ trực tiếp tác động đến việc giúp RMIT thành trường đại học dành cho mọi sinh viên. Trong thời gian học tại RMIT Việt Nam, Vinh còn nói chuyện tại chương trình TED Talk về phân biệt đối xử với người khuyết tật, thuyết trình về RMIT Access – sáng kiến của RMIT nhằm đảm bảo tài liệu học được thể hiện theo cách mà mọi sinh viên đều có thể sử dụng được – đến toàn thể giảng viên trường tại cơ sở Nam Sài Gòn, đồng thời tư vấn cho trường trong quá trình thiết lập bộ phận hỗ trợ người khuyết tật.
Cô Witney chia sẻ: “Mọi người đều có quyền được đi học và với Vinh là có dũng khí đứng lên và trở thành tiếng nói cho người khác – đây không phải là điều dễ thực hiện – RMIT “thân thiện” với mọi sinh viên dù các bạn bị khuyết tật, có bệnh trạng hay có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Vinh sẵn sàng chào đón mọi cơ hội; bạn thật sự giúp giáo dục tốt hơn cho mọi người”.

Từ khi tốt nghiệp vào năm nay, Vinh đã nhận vị trí truyền thông tại IvyPrep Education, cơ sở giáo dục chuyên chuẩn bị cho sinh viên Việt Nam vào học tại các trường Ivy League ở Mỹ. Vinh còn muốn mở một ngôi trường cho sinh viên khuyết tật, để dạy và giúp các bạn không “đánh mất tự trọng”.    
“Tôi thường nghe người ta nói về người khuyết tật một cách thương hại. Tôi muốn làm việc ở một ngôi trường theo đuổi ý ngược lại. Nếu bạn nghĩ bạn yếu đuối, đó là vì bạn thật sự yếu đuối, hoặc vì cách nghĩ của người khác áp lên suy nghĩ của chính bản thân bạn”, Vinh tự hỏi.
“Thỉnh thoảng, có người đọc về những gì tôi làm được và nghĩ tôi là siêu nhân. Nhưng không phải vậy… tôi cũng có những khiếm khuyết riêng. Tôi là người biết thấu cảm nhưng tôi cũng cần được thấu cảm vào những lúc khó khăn. Đó là toàn bộ hành trình. Thời học tại RMIT, tôi đã tiến bộ lên, và nhờ khả năng cũng như may mắn, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn cho những ai theo con đường này. Nhưng khi bạn tiến bộ, sẽ luôn có điểm khởi đầu. Và nếu bạn bắt đầu ngay bây giờ, vài năm nữa bạn sẽ thấy một phần của tôi trong bản thân bạn. Bạn sẽ không cần xem tôi là người mà bạn hy vọng sẽ trở thành nữa”.

Nguồn: khoahocphothong

Sưu tầm: Hoàng Hạnh