Đừng biến trẻ thơ thành “hồng vệ binh”, “mật thám”

Ngày đăng: 07/12/2018 - 850 lượt đọc

Lỗi tại các em ư? Không! Một khi mà ngoài xã hội nhan nhản chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy lớp, tham nhũng, tham ô thì trách chi các em? Nói thẳng ra, các em chính là nạn nhân bi thương của nền giáo dục, của gia đình và của xã hội.

 

Xin nói ngay, nội dung bài viết này nói về hình thức tự quản ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở hiện nay mà cụ thể là vai trò, vị trí của lớp trưởng và đội viên đội Sao đỏ.

Có lẽ cũng cần phải khẳng định, việc để các em tự quản, tự giám sát lẫn nhau từng được áp dụng từ nhiều năm nay và cũng đã thu được những thành công nhất định.

Thông qua hình thức này, việc giám sát tình hình của lớp được chặt chẽ hơn, kỉ cương được duy trì, tinh thần tự giác được nâng lên và với các đội viên, các em có tinh thần trách nhiệm cao hơn khi được giao nhiệm vụ.

Tuy nhiên, nhìn ở mặt khác, nhất là gần đây, dưới tác động của đời sống xã hội, hình thức này đang có nguy cơ biến tướng.

Đã xuất hiện tư tưởng “hồng vệ binh”, “mật thám” trong việc quản lý giám sát và nghiêm trọng hơn, đã có sự rạn nứt giữa các em đội viên cờ đỏ với chúng bạn.

Đã xuất hiện hiện tượng “rình rập”, “bắt bớ” và nguy hại hơn, là “lợi dụng chức vụ và quyền hạn”.

Có lẽ vì vậy, đã có không ít thầy, cô giáo cho rằng mô hình này không còn phù hợp.

Trên báo Người Lao động, cô Phan Thị Hồng Loan - giáo viên Trường THCS Trung An (huyện Củ Chi, TP HCM) cho rằng “khi đặt các em vào đội "Sao đỏ" của trường thì một số em lại tự cho mình có địa vị và quyền lực cao hơn học sinh khác nên tỏ thái độ hung hăng, thích làm gì thì làm. Không trách HS được vì các em còn nhỏ tuổi. Tôi nghĩ ngành giáo dục nên xem xét lại hoạt động của "Sao đỏ" trong các trường tiểu học và THCS hiện nay. Có nhiều trường chỉ có giám thị, không có đội "Sao đỏ" nhưng HS vẫn học tốt, nền nếp, quy củ" - cô Loan nói.

ThS Bùi Việt Thành, Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) cũng cho rằng “bỏ "Sao đỏ" là bỏ đi các hệ lụy không cần thiết và để HS thoải mái trong học tập".

Nhớ lại cách đây 7 năm (10.2011), trong bài “Thưa Quốc hội!” đăng trên BLOG Dân trí, người viết bài này nhắc lại một câu chuyện do Đại biểu Quốc hội khóa X, Nhà thơ Vũ Quần Phương kể đại để rằng cạnh nhà ông có cậu bé đang học lớp 2 (tức là 7 – 8 tuổi). Mỗi buổi sáng, mẹ cậu thường cho cậu 5 ngàn đồng ăn quà.

Thế nhưng mấy bữa liền, cu cậu nằng nặc đòi xin 7 ngàn đồng. Người mẹ dỗ dành, tra hỏi mãi, cu cậu mới khai lý do xin thêm 2 ngàn đồng là để "biếu bạn lớp trưởng để khỏi bị mách cô giáo khi mắc lỗi".

Câu chuyện tưởng chừng như rất đơn giản nhưng đằng sau nó ẩn chứa một thông điệp hết sức đáng lo ngại.

Thứ nhất, việc làm của hai cậu bé tuy vô thức nhưng đã chứa đựng đầy đủ hành vi của một tội hình sự có tên là "hối lộ và nhận hối lộ" mà mức án cao nhất theo qui định của pháp luật hiện hành đối với tội danh này là… tử hình.

Thứ hai, thật là kinh hoàng nếu nhìn ở góc độ tuy mới 7 – 8 tuổi nhưng các em đã ý thức rằng kẻ làm quan (dù chỉ là lớp trưởng lớp 2) thì được quyền nhận biếu xén và kẻ là dân (học sinh) thì phải có trách nhiệm cống nạp.

Về cậu bé đưa tiền, em đã ý thức được thân phận “thần dân”, con sâu, cái kiến của mình nên phải có bổn phận “cống nạp”.

Về phía em bé lớp trưởng, tuy còn rất nhỏ nhưng em đã ý thức được “vị thế’ quan lại của mình. Nhận cống nạp và bao che cho tội lỗi.

Điều rất đáng lo ngại, cái tư duy cống nạp và nhận cống nạp đã hình thành như một bản năng từ thủa ấu thơ chính là nguy cơ tiềm tàng, hủy hoại nền tảng đạo đức thế hệ mai sau.

Lỗi tại các em ư? Không! Một khi mà ngoài xã hội nhan nhản chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy lớp, tham nhũng, tham ô thì trách chi các em? Nói thẳng ra, các em chính là nạn nhân bi thương của nền giáo dục, của gia đình và của xã hội.

Trở lại với chuyện Sao đỏ, có lẽ đã đến lúc phải xem xét nghiêm túc việc này. Nếu thấy hình thức này còn có tác dụng thì để, song phải chấn chỉnh nghiêm túc, tránh lệch lạc, biến tướng... Còn nếu không, hãy bỏ.

Tâm hồn trẻ thơ còn trong trắng. Xin đừng biến các em thành “hồng vệ binh”, “mật thám” và đừng để các em cờ đỏ “xa lạ, cô đơn” trong mắt bạn bè mình.

Thành thật, không biết các bạn thì sao chứ nếu cô giáo cử con tôi làm đội viên cờ đỏ, tôi sẽ khuyên cháu cảm ơn và… từ chối?

                                                                                                                                                                                        Theo Dân Trí

                                                                                                                                                                                     Nguyễn Triệu (st)