Vì sao nước sông Đà đạt 107/107 chỉ tiêu nhưng chưa được ăn uống?

Ngày đăng: 18/10/2019 - 1069 lượt đọc

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, kết quả xét nghiệm các mẫu nước của công ty Nước sạch sông Đà lấy chiều ngày 14/10 cho thấy 107/107 chỉ tiêu đều đạt tiêu chuẩn nhưng chưa thể ăn uống.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, từ khi có thông tin về sự cố nguồn nước sạch của công ty Nước sạch sông Đà (Viwasupco) nhiễm dầu thải, trung tâm đã lấy 22 mẫu để xét nghiệm.

Trong đó, kết quả xét nghiệm mẫu chiều ngày 14/10 cho thấy 107/107 chỉ tiêu xét nghiệm đánh giá chất lượng nước theo quy định của Bộ Y tế đều nằm trong giới hạn cho phép nên ngày 17/10, công ty Nước sạch Sông Đà mới cấp nước trở lại cho người dân.

Tuy nhiên TS Cảm cho biết, tại thời điểm này, nước do công ty Nước sạch sông Đà cung cấp chỉ phục vụ mục đích sinh hoạt như tắm rửa, chưa dùng cho ăn uống.

Vì sao nước sông Đà đạt 107/107 chỉ tiêu nhưng chưa được ăn uống?

Người dân phường Mộ Lao, Hà Đông xếp hàng 1h sáng chờ lấy nước sạch. 

Nguyên do, đường ống nước đã sạch nhưng bể khu dân cư, bể nhà dân có thể còn dính nước cũ, nếu chưa được thau rửa thì nguy cơ nhiễm độc vẫn còn.

Trong những ngày tới, Hà Nội sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm nước hằng ngày tại đường ống và tại khu dân cư cho đến khi nguồn nước đảm bảo an toàn cho ăn uống. Các kết quả xét nghiệm sẽ được công bố công khai.

Trong đó, các mẫu nước của nhà máy sẽ được lấy tại 4 điểm: Bể chứa nước thành phẩm, bể chứa nước trung gian tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, trạm điều tiết tại Tây Mỗ và tại họng nước kiểm soát - nơi đấu nối vào hệ thống nước của thành phố.

Để phục vụ nhu cầu nước ăn uống cho người dân, trước mắt thành phố sẽ cung cấp nguồn nước sạch khác để thay thế.

Trước đó trong các ngày từ 15-16/10, Viwasupco thông báo thau rửa bể chứa, súc xả toàn bộ tuyến ống truyền tải nước sạch Sông Đà. Tối 16/10, công ty này bắt đầu cung cấp nước trở lại.

Được biết, Viwasupco đang cung cấp nước sạch sông Đà cho khoảng 150.000 khách hàng tại các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì… Trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100.000 m3 nước sạch sông Đà.

Trước đó công ty Nước sạch sông Đà đã phát hiện nguồn nước bị nhiễm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo, không ngăn chặn, đến ngày 10/10, lãnh đạo thành phố mới biết tin từ tin nhắn của người dân và báo chí.

Dầu thải là hỗn hợp chứa hàng trăm chất, bao gồm các vòng thơm, kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen... Các chất này có khả năng phân hủy sinh học thấp và độc tính cao.

Sở dĩ người dân phát hiện ra hệ thống nước sinh hoạt có bất thường do có mùi. Chất này được xác định là styren, là hợp chất hữu cơ gốc benzen, được chứng minh có liên quan đến gây ung thư ở người.

Khi tiếp xúc trong thời gian ngắn, styren gây dị ứng (mắt và hệ tiêu hóa). Phơi nhiễm styren thời gian dài sẽ dẫn đến những tổn thương hệ thần kinh, bao gồm từ nhẹ như đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể đến nặng hơn như điếc, rối loạn các hoạt động thần kinh, thần kinh ngoại biên, ung thư máu (lymphoma), gây tổn thương các bộ phận tối quan trọng trong cơ thể như gan và thận.

Ngoài ra, đã có nghiên cứu cho thấy có sự tương quan giữa việc phơi nhiễm styren và nguy cơ sảy thai, giảm khả năng có con ở phụ nữ mang thai.

Nguồn: Vietnamnet
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song