Đời không nằm yên trên chiếc xe lăn

Ngày đăng: 28/12/2021 - 1332 lượt đọc

Đang là cỗ máy kiếm tiền thì Nguyễn Chánh Tín gặp tai nạn liên tiếp. Cuộc sống chồng chất khó khăn, nhưng chàng trai trẻ ấy đã vượt qua để trở thành diễn giả truyền cảm hứng và nghị lực cho cộng đồng.

Nguyễn Chánh Tín, chàng trai có nghị lực phi thường trở thành diễn giả truyền cảm hứng cho những mảnh đời kém may mắn. Ảnh: NVCC

Đời đã… tắt thở vài lần

Nguyễn Chánh Tín sinh năm 1987 tại Bình Định. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2005, anh vào Sài Gòn với ước mơ thay đổi cuộc sống nghèo khó. Ôn thi và đỗ vào trường đại học, gánh nặng tài chính buộc anh phải đi làm thêm để có tiền thuê nhà trọ và sinh hoạt cá nhân.

Theo học ngành xây dựng nhưng lại thích kinh doanh, vậy là Tín tìm đến những khóa học về kinh doanh và marketing. Năm 2009 là lúc chàng trai trẻ thật sự bứt phá trong thu nhập nhờ nhiều công việc khác nhau.

“Tôi quyết định theo sự nghiệp kinh doanh và nhận lời gây dựng lại một doanh nghiệp phá sản. Với sức trẻ, tôi làm việc như một cỗ máy. Khi lũ bạn còn đang thực hành ở lớp thì tôi đã đi kiếm tiền cho mình và tạo thu nhập cho người khác” - Tín nhớ lại.

Năm 2010, công ty của Tín bắt đầu có nhiều dự án và có lợi nhuận. Nhưng tai nạn giao thông bất ngờ ập đến. Tín bị chấn thương tủy sống cổ và bị liệt tứ chi. Đối với chàng trai trẻ, mọi thứ sụp đổ từ khoảnh khắc ấy.

“Tôi điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, lúc đó không thở được phải dùng máy thở và bóp bóng. Phòng tôi nằm 10 người vào thì 5 người tắt thở đưa ra. Tôi cũng đã tắt thở vài lần nhưng may mắn sống sót.

Tôi cảm nhận được những cơn đau, tôi tự hỏi: Sao lại là tôi và sao lại là lúc này? Nhìn sang tôi thấy mẹ đang gục trên giường, tôi lại hỏi mình đang làm gì ở đây”, Nguyễn Chánh Tín nhớ lại những ngày tháng ám ảnh đã qua.

Thời gian đó, chàng trai trẻ nằm bất động, thức ăn được đưa trực tiếp vào dạ dày, miệng mồm đầy ống với dây. Anh chỉ cử động được đôi mắt và chẳng ai biết anh đã muốn gì. Sau 20 ngày, Tín được rút hết ống trên mặt nhưng lúc này không thể nói được. Chàng trai trẻ bắt đầu thấy sợ nhưng lại chẳng dám khóc vì thương những người xung quanh.

Qua cơn nguy kịch, Tín được chuyển sang Bệnh viện Phục hồi chức năng. Bác sĩ nói: Bệnh này sẽ không tính bằng ngày, bằng tháng mà bằng năm.

“Tôi như chết lặng, nó đau còn hơn lúc tôi không thở được. Tôi muốn được về nhà. Tôi nhớ nhà! Trong tôi lẫn lộn nhiều suy nghĩ: Nên dừng lại hay đi tiếp. Tôi phải mất một thời gian để có câu trả lời cho mình. Tôi bắt đầu chấp nhận mình là người khuyết tật”, anh Tín nói.

Cuộc sống dường như đã thay đổi từ ngày đó. Lao vào tập luyện phục hồi chức năng suốt 2 tháng, Tín được xuất viện nhưng vì không có tiến triển thêm. Cái Tết đầu tiên bằng xe lăn cũng mang lại cho chàng trai này cảm giác tồi tệ. Nhưng cuối cùng, sự lạc quan chấp nhận sự thật để đối diện và vượt qua khiến chàng trai trẻ dũng cảm hòa mình vào đám đông.

Một ngày mới lại bắt đầu không phải ở Sài Gòn nhộn nhịp mà ở quê nhà. Lúc này tài chính đã cạn kiệt. Ngồi xe lăn tay chân có mà như không. Tín tận dụng kiến thức và kinh nghiệm sống sau nhiều năm ở Sài Gòn và bắt đầu với công việc mua bán điện thoại. Chàng trai trẻ liên hệ với đầu mối nhờ họ bỏ hàng, rồi chuyển sang cho người bán lẻ rồi cứ thế phát triển dần.

Số phận trêu ngươi

Năm 2012, ngoài việc kinh doanh điện thoại, Tín lên mạng bán thêm đặc sản Bình Định. Kết nối với bạn bè đang học tập và làm việc ở Sài Gòn, Tín cung cấp nguồn hàng để có thu nhập.

Đường đời vẫn cứ gập ghềnh khi một đêm sốt cao ngủ li bì khiến anh bị mất trộm sạch sẽ. Thế nhưng, đó lại là thời gian Tín nhận ra, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua được quan trọng là còn được sống bởi “còn người là còn của”.

Tổng tài sản bị mất khoảng 50 triệu đồng, với nhiều người đó chỉ là một khoản tiền nhỏ. Nhưng với chàng trai khuyết tật này, để kiếm được là một nỗ lực không ngừng nghỉ. Hàng xóm thấy thương nên quyên góp, mua tặng Tín cái máy tính khác để kinh doanh trở lại. Những tưởng chỉ cần chăm chỉ, cuộc sống yên bình cũng sẽ trôi qua.

Thế rồi, một lần nữa, số phận trớ trêu, khi năm 2014, trong lúc đang ngủ tự dưng thấy mệt, Tín cất tiếng gọi mẹ nhưng không được, cũng may có điện thoại kế bên. Lúc này khoảng 1 giờ sáng, khi cả nhà chạy ra bật đèn và thấy máu chảy khắp người, ướt cả cái nệm.

“Tôi bị hoại tử ở vùng mông vì ngồi làm việc quá nhiều. Bác sĩ phải cắt bỏ hết phần hoại tử, để cứu tôi khỏi tay tử thần một lần nữa. Tôi điều trị ở bệnh viện khoảng 2 tháng và mất thêm 2 năm nữa để mông tôi lành hẳn. Lúc bấy giờ, tôi hầu như không ngồi được nữa, phải nằm là chủ yếu. Việc kinh doanh bị gián đoạn một thời gian” - Tín nhớ lại.

Ngần ấy tai họa đổ xuống, nếu không có ý chí và nghị lực phi thường, hẳn không còn sức để nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan. Thế nhưng, năm 2015, Tín chuyển sang bán thêm tạp hóa.

Mới đầu ai cũng phản đối và không ai tin chàng trai này sẽ làm được. Công việc bán lẻ đòi hỏi phải nhanh nhẹn, mà với người chỉ ngồi và nằm thì thực sự khó khăn.

Tín chia sẻ: “Tôi liên hệ với bạn bè hỏi thăm về việc nhập hàng, giá cả và tìm một nhà cung cấp duy nhất có thể bỏ hầu hết các mặt hàng tại nhà. Việc còn lại tôi tự tính toán!

Sau một tuần tôi đã có cửa hàng tạp hóa. Nó hoạt động không giống ai, tất cả đều tự phục vụ. Người mua chọn thứ mình cần, sau đó tôi tính tiền, rồi mọi người tự bỏ tiền vào rổ và tự lấy tiền thừa cho mình”.

Tạo cơ hội sống tiếp và sống tốt

Sau 10 năm kể từ ngày định mệnh ấy, Nguyễn Chánh Tín đã nếm trải đủ mùi vị trong cuộc sống có đắng cay, có hạnh phúc. Anh tự động viên mình phải thích nghi với mọi thứ, chấp nhận mọi rào cản, vượt qua nó, vượt lên trên những nỗi đau, những nỗi sợ hãi. Nhìn về phía trước, nhìn vào những thứ tích cực, đâu đó sẽ có giải pháp và mở ra con đường mới.

Năm 2020, Nguyễn Chánh Tín trở lại Sài Gòn và viết tiếp cuộc hành trình của mình. Năm 2021, anh xuất bản cuốn sách TÔI CHỌN SỐNG với mục đích truyền động lực sống và đã được cộng đồng đón nhân.

Từ một người bình thường bỗng chốc trở thành người khuyết tật với việc phải nằm tại chỗ và di chuyển bằng xe lăn chỉ sau một vụ tai nạn, nhưng bằng nghị lực phi thường, anh đã không ngừng cố gắng, vươn lên, vượt qua nghịch cảnh để trở thành một diễn giả, người truyền cảm hứng cho cộng đồng người khuyết tật.

Anh đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên báo đài với vai trò tham gia chia sẻ kinh nghiệm sống cho các bạn trẻ và cộng đồng phát triển bản thân.

Anh cũng trích 50% lợi nhuận tiền bán sách giúp đỡ người khuyết tật và những hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra anh còn dành tặng 500 cuốn sách TÔI CHỌN SỐNG cho các tủ sách cộng đồng trên khắp cả nước.

Tháng 4 năm 2021, anh quyết định giao lại tiệm tạp hóa cho mẹ để vào TPHCM vì tin đây là mảnh đất vàng để thay đổi. Tín duy trì cuộc sống bằng công việc bán hàng qua mạng. Hàng ngày, dù phải gõ bàn phím bằng những khớp ngón tay, anh vẫn xây dựng một trang blog, viết chuyện đời mình là bài học sống cho mọi người.

“Tôi muốn nghiên cứu về chứng khoán, rèn luyện để trở thành một diễn giả và hoàn thiện một cuốn sách bán lấy tiền ủng hộ người kém may mắn. Tôi muốn những người có số phận như tôi hãy lạc quan, tạo cho mình cơ hội sống tiếp, sống tốt

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận