Louis Braille - Người thắp sáng thế giới bóng đêm

Ngày đăng: 28/12/2013 - 1279 lượt đọc

Đầu năm 2009, hàng trăm thành phố và địa phương trên thế giới đã tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Louis Braille, người khai sinh hệ thống chữ nổi Braille. Phát minh của ông đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của hàng chục triệu người khiếm thị trên thế giới. Ông đã được toàn thế giới vinh danh là “Người thắp sáng thế giới bóng đêm” hay “Người đem lại ánh sáng cho bóng tối”.

Louis Braille sinh ngày 04/01/1809 tại Coupvray, một làng nhỏ cách Paris khoảng 30 cây số về phía Đông. Cha ông là một thợ làm đồ da và Braille là con út trong một gia đình có 4 người con. Năm 1812, khi mới lên 3, Braille đã bị một vật nhọn trong xưởng làm việc của cha đâm vào mắt làm hỏng mắt trái. Lúc bấy giờ người ta chưa có nhiều hiểu biết về sơ cứu và vệ sinh vết thương nên ít lâu sau, con mắt còn lại của ông cũng bị nhiễm trùng và phải múc bỏ. Từ đó, ông sống trong thế giới tối tăm, hai mắt không còn ánh sáng.

Nhưng Louis Braille tỏ ra là một cậu bé khéo tay, có óc sáng tạo. Cha mẹ của Braille đã cho ông vào học ở trường dành cho người khuyết tật. Năm 1819, khi Braille được 10 tuổi, cha mẹ ông đã xin được học bổng cho ông vào Trường Hoàng gia dành cho người khiếm thị trẻ tại Paris, một trong những trường đầu tiên trên thế giới dành cho người khiếm thị. Trong trường, ông và các bạn đồng học được dạy các kỹ năng cơ bản của người khiếm thị và còn được học nhạc, học làm một số vật dụng thủ công. Braille đã tỏ ra là một học sinh thông minh và có năng khiếu. Ông cũng là một tay đàn cello và piano nổi tiếng ở trường, đã đi trình diễn tại nhiều nhà thờ ở Pháp.
Các học sinh khiếm thị được thầy giáo là bác sĩ Guillié dạy đọc. Lúc bấy giờ, người ta vẫn dùng mẫu tự viết nổi để dạy cho những người khiếm thị. Trường của Braille chỉ có 14 quyển sách và Braille đã đọc hết trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên mẫu tự viết nổi rất khó đọc đối với người khiếm thị và đặc biệt là rất khó viết. Người ta nói rằng ở Paris chỉ có 3 hay 4 người khiếm thị có thể đọc thông thạo các mẫu tự viết nổi.

Năm 1821, khi mới 12 tuổi, Braille bắt đầu nghĩ đến việc sáng tạo ra một loại chữ viết mới cho người khiếm thị nhờ ý tưởng qua cuộc viếng thăm của ông Đại úy về hưu Charles Barbier, người đã phát triển một hệ thống chữ viết cho phép người ta trao đổi mệnh lệnh quân đội trong đêm tối. Braille đã hoàn thiện loại chữ mới này vào năm 1824, khi vừa tròn 15 tuổi, đó là chữ nổi Braille. Năm 1828, Braille làm trợ giảng rồi sau đó được bổ nhiệm làm giáo viên thực thụ của trường. Ông dạy đủ các môn như văn phạm, lịch sử, địa lý, đại số, hình học, nhạc, nhanh chóng trở thành một thầy giáo giỏi như đã từng là một học sinh giỏi được bạn bè kính trọng.

Từ năm 1830, ông bắt đầu có những triệu chứng của bệnh lao phổi nên bớt dần giờ lên lớp. Đến năm 1840, ông chỉ còn dạy nhạc. Đầu tháng 12.1851, ông bị thổ huyết, sức khỏe yếu dần và qua đời ngày 6.1.1852, khi mới 43 tuổi. Ông được chôn cất ngày 10.1.1852 tại Coupvray theo yêu cầu của gia đình. Năm 1952, đúng một thế kỷ sau, thi hài ông được cải táng ở điện Panthéon tại Paris (tính đến nay chỉ có 65 danh nhân của nước Pháp được vinh dự an táng ở nơi này). Đó là sự ghi nhận những đóng góp của ông đã làm rạng danh nước Pháp.
Ở Việt Nam, hệ thống chữ Braille đã được người Pháp đưa vào từ cuối thế kỷ 19. Mẫu chữ Braille nguyên thủy là các chữ cái Latin, không có các chữ cái như Â, Ă, Ê, Ơ nên các trường khiếm thị ở Việt Nam đã sáng tạo những chữ cái đó theo cách riêng của mình. Hệ quả là hệ thống chữ Braille sử dụng cho người khiếm thị ở nước ta trước đây không thống nhất. Người khiếm thị ở các địa phương khác nhau có thể gặp nhiều khó khăn khi đọc chữ viết nên sự giao tiếp bị hạn chế. Hơn nữa, càng học lên cao, các học sinh khiếm thị càng gặp nhiều khó khăn vì hệ thống chữ Braille ở Việt Nam chưa có đủ các ký tự đặc biệt của các môn học có nhiều ký hiệu phức tạp như hóa học, toán học...
Trước tình hình đó, năm 2003, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật thuộc Viện Khoa học giáo dục với sự hỗ trợ của CRS (Tổ chức Cứu trợ và phát triển) đã tổ chức hội thảo, tiến hành việc thống nhất hệ thống ký hiệu Braille cho người khiếm thị Việt Nam.
Trong những cơ sở có nhiều thành tựu trong việc giáo dục người khiếm thị, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu ở Sài Gòn được thành lập từ năm 1926, với tên gọi đầu tiên là Trường Mù Sài Gòn, là một trong những trường nổi tiếng nhất. Vừa qua, trường đã tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Braille và 20 năm ngày ra đời bậc giáo dục trung học dành cho người khiếm thị (1989- 2009). Trong dịp này, nhà trường đã giới thiệu bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 bằng chữ Braille đầu tiên ở Việt Nam dành cho học sinh khiếm thị.

Nguồn: vietstamp.net

Sưu tầm: Thanh Mai