Nghị lực của chàng trai khiếm thị

Ngày đăng: 19/09/2019 - 933 lượt đọc

Bị khiếm thị từ nhỏ nhưng anh Nguyễn Năng Bính (xã Long Châu, huyện Yên Phong) chưa từng buông xuôi, luôn nỗ lực vươn lên với khát khao đi tìm ánh sáng cho tương lai của mình.

Gặp Nguyễn Năng Bính tại hội nghị biểu dương người khuyết tật tiêu biểu của Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, ai nấy đều cảm phục khi được nghe câu chuyện về chặng đường học tập, phấn đấu của anh. Mắc chứng suy giảm thị lực, tuổi thơ cắp sách tới trường gắn liền với thứ ánh sáng lờ mờ, không nhìn rõ bảng đen. Ấy vậy mà cậu học trò Nguyễn Năng Bính vẫn kiên trì ngày ngày đến lớp. Không nhìn thấy chữ viết trên bảng, anh chọn cách chăm chú nghe thầy cô giảng bài, ghi nhớ để về nhà mày mò ôn tập, ghi chép lại bằng nét chữ nguệch ngoạc. Anh tâm sự: “Không may mất đi thị lực nhưng ông trời lại bù đắp cho tôi một trí nhớ tốt. Chỗ nào chưa hiểu tôi nhờ bạn bè giảng giải lại. Đôi lúc cũng thấy nản nhưng nghĩ được bạn bè, thầy cô giúp đỡ nếu không cố gắng học thì cũng chẳng thể làm được gì. Học để đạt được ước mơ của mình”.
Khiếm khuyết về cơ thể được anh nỗ lực bù đắp bằng sự miệt mài, chăm chỉ. Trong khi bạn bè cùng trang lứa say mê với đủ trò vui chơi thì cậu học trò Nguyễn Năng Bính lại dành phần lớn thời gian bên trang sách và bàn học. Ngay cả khi thị lực sa sút nghiêm trọng, bác sĩ khuyên nên nghỉ học sớm để tránh bị mù vĩnh viễn, anh vẫn quyết tâm theo đuổi việc học đến cùng. Trong 12 năm học phổ thông, bằng nghị lực và tinh thần ham học, Bính  luôn đạt thành tích Khá, Giỏi. Ước mơ lớn nhất của anh là  được tiếp tục học ở giảng đường Đại học.
Thế nhưng thời điểm tốt nghiệp phổ thông cũng là lúc anh cảm nhận đôi mắt mình mất hẳn thị lực. Cánh cổng trường Đại học tưởng chừng đã vĩnh viễn đóng lại cho đến khi anh trở thành hội viên sinh hoạt tại Hội Người mù huyện Yên Phong. Tại đây anh được học chữ nổi, học đánh máy vi tính với các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị. Quyết tâm học Đại học một lần nữa thắp sáng trong anh. Vốn yêu thích học theo khối A (Toán - Lý - Hóa) nhưng để phù hợp với hoàn cảnh của người khiếm thị (không thể vẽ hình học), anh quyết định chuyển sang ôn tập khối C (Văn - Sử - Địa) và đăng ký thi vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Năm 2017, với hành trang đi thi là một máy tính, anh thi đỗ và trở thành sinh viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng.
Ra Hà Nội ở trọ với cậu em họ, anh rèn cho mình phải tự lập mọi việc. Không phụ thuộc em đưa đón, anh dùng gậy dò đường đi bộ tới trường và tập sử dụng phương tiện xe bus. Ở nhà trọ, anh tự nấu ăn, dọn dẹp, vệ sinh cá nhân. Dần dần hầu như mọi sinh hoạt thường ngày đều có thể làm được như người bình thường. Ở trường, bên cạnh học tập, anh không khép mình mà tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ để rèn luyện kỹ năng giao tiếp và sự tự tin trước đám đông…

Anh Bính dạy Tin học cho các cán bộ hội viên ở địa phương


 Năm 2011, chàng trai Nguyễn Năng Bính tốt nghiệp Cử nhân loại Giỏi trở về quê hương. Anh tiếp tục làm việc tại Hội Người mù huyện Yên Phong với tâm nguyện giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ được tiếp cận tri thức và trang bị những kỹ năng cần thiết cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Từ đó đến nay, anh tham gia giảng dạy nhiều lớp Tin học miễn phí cho người khiếm thị, trong đó có 9 lớp Tin học văn phòng cho cán bộ trẻ và hội viên Hội Người mù tỉnh. Nhờ đó cán bộ các huyện, thị, thành hội trong tỉnh sử dụng được máy tính phục vụ công việc. Năm 2014, anh được cử đi thi và đạt giải Nhất “Liên hoan công nghệ thông tin toàn quốc” do Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Đó là bước đệm để anh tiếp tục nỗ lực trong công việc, được bầu là Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Yên Phong và vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Gia đình hạnh phúc của anh Bính


Nhìn lại quãng thời gian đáng nhớ đã qua, anh  Nguyễn Năng Bính ít nói về nỗ lực của bản thân mà nhắc nhiều về sự ủng hộ, cổ vũ, động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè. Đặc biệt là người bạn đời - cô sinh viên Y khoa Vũ Hương Dịu. Vượt qua định kiến, chị Dịu cùng anh xây dựng tổ ấm, trở thành điểm tựa tinh thần để anh phấn đấu vươn lên. Cậu con trai kháu khỉnh 22 tháng tuổi là kết tinh mối tình đẹp, đánh dấu hạnh phúc vẹn đầy của hai anh chị-“Đôi lúc tôi quên mất anh là một người khuyết tật bởi anh có thể làm mọi thứ như một người bình thường. Hết công việc trở về, anh dành phần lớn thời gian trông con, cùng vợ làm việc nhà, cho tôi nhiều lời khuyên hữu ích trong công việc. Anh là chỗ dựa vững chắc, niềm tự hào của hai mẹ con”, chị Dịu tâm sự.
Không may rơi vào hoàn cảnh bất hạnh nhưng nếu nỗ lực, quyết tâm thì hoàn toàn có thể có cuộc sống hạnh phúc như bao người - đó là thông điệp mà anh Nguyễn Năng Bính luôn muốn truyền đến người khuyết tật xung quanh mình. Từ câu chuyện bản thân, anh cố gắng động viên những người đồng cảnh hãy học tập, mở mang tri thức - đó là cánh cửa để người khuyết tật được xã hội tôn trọng và hòa nhập bình đẳng với cộng đồng.

Nguồn: baobacninh.com.vn
Sưu tầm: Phạm Mai