Nghị lực đáng khâm phục của người thầy khuyết tật

Ngày đăng: 17/11/2020 - 1210 lượt đọc

Con người nhỏ bé nhưng với mơ ước hoài bão to lớn và nghị lực phi thường tạo nên một người thầy giáo tuyệt vời. Anh Nguyễn Ngọc Lâm là một người thầy như vậy.

Nghe đến mảnh đất xứ Thanh chắc hẳn ai cũng đều rõ nơi đây là vùng đất hiếu học. Quanh năm người dân nơi này luôn phải vật lộn với nắng hạn, bão lũ, thiên tai luôn rình rập, tính mạng tài sản luôn có nguy cơ mất mát bất cứ khi nào. Từ những khó khăn, gian khổ ấy đã tạo nên con người xứ Thanh cần cù, chịu thương, chịu khó, có ý chí vươn lên trong mọi nghịch cảnh khó khăn.

Anh Nguyễn Ngọc Lâm, một người con của vùng đất miền Trung gian khổ ấy là một người như vậy. Anh sinh năm 1985, mọi người thường gọi anh bằng cái tên hết sức thân thương "Thầy giáo xe lăn". Năm 2004, khi còn là 1 cậu sinh viên năm nhất mới bước chân vào cánh cổng Trường CĐSP Bình Phước với nhiều ước mơ hoài bão thì bất ngờ tai nạn ập đến khiến anh bị liệt toàn thân.

Anh tâm sự “Lúc đầu anh không nghĩ mình bị nặng như thế, cho đến khi bệnh viện họ cũng không nhận mà trả anh về. Bố mẹ anh không thể chấp nhận nhìn đứa con trai mới 18, đôi mươi với ước mơ đầy hoài bão và khát vọng mà phải gánh chịu tật nguyền như vậy. Với lòng thương con họ lại quyết tâm đi chữa trị cho anh hết nơi này đến nơi khác, hết tây y lại sang đông y, cứ hễ nghe đâu có thầy chữa trị được là lại đưa con tới nhưng rồi may mắn không mĩm cười với anh, căn bệnh của anh không thể nào chữa trị khỏi”.

Anh nhớ lại "anh nằm viện đến 2 năm, đã phải trải qua bao nhiêu cơn đau giữa đêm, có những khi cảm giác trên người không còn sự sống. Nhưng nghĩ lại thương bố mẹ mình đã chạy vay khắp nơi để hỗ trợ anh được điều trị, nghĩ đến những hoài bão trở thành giáo viên còn dang dở của mình, nghĩ đến việc không thể trở thành người có ích cho xã hội lại khiến anh xốc lại tinh thần hơn bao giờ hết".

 

(Anh Nguyễn Ngọc Lâm)

 

Những ngày đầu tiên khi đi học trở lại ở trung tâm tin học, anh không bao giờ nghĩ mình làm được gì có ích, lấy được vợ, dạy được học sinh vì bản thân rất là yếu, tay yếu cầm cái gì cũng khó khăn. Nhưng anh luôn nghĩ mình còn sống thì vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khác, hạnh phúc hơn nhiều rồi.

Anh đã phải mất từ 8 - 10 năm  để rèn luyện sức khỏe và kiến thức chuyên sâu, nhà trường cảm động nên mời anh đến dạy. Anh là người khuyết tật nặng nhất trung tâm. Với cơ thể bị liệt của mình, anh tự hiểu rằng nếu không chăm chỉ luyện tập sẽ khiến sức khỏe của mình sa sút thêm nhiều hơn. Từ đó có thể thấy được rằng một con người nhỏ bé nhưng động lực trong anh mạnh mẽ đến nhường nào.

Qua thời gian bằng sự nỗ lực quyết tâm của bản thân và sự động viên giúp đỡ của người thân, đến hiện tại tay của anh cũng đã cử động được mặc dù chỉ có thể cầm được những vật nhẹ anh luôn cố gắng thực hiện ước mơ trở thành giáo viên của mình. Anh làm việc tại Trung tâm tin học, dạy học ở Trường từ thiện cộng đồng ở TP.HCM, dạy học sinh tiểu học, học sinh nghèo mồ côi cơ nhỡ. Các em vừa không nhận được sự giáo dục đầy đủ từ gia đình vừa thiếu kiến thức cơ bản rất lớn, thế nên anh vừa phải dạy kiến thức vừa dạy đạo đức, rèn rũa tính nết của các bé. Vì tay chân yếu nên anh chọn phương pháp dạy phù hợp nhất để các bé hiểu bài nhanh. Dạy được 5 năm, có thu nhập nuôi được bản thân vì trước kia anh nghĩ mình bị liệt tứ chi nên gần như không nghĩ mình có ích cho xã hội.

Không những thế, anh đã gặp được người anh yêu thương suốt cuộc đời, quen nhau 5 năm trải qua bao nhiêu thử thách hai bên gia đình ngăn cấm hiện tại anh chị đã kết hôn được 2 năm.

Khi hỏi về kỷ niệm anh nhớ nhất khi đi dạy, anh cảm động chia sẻ rằng ngày tháng đầu tiên đi dạy học sinh đều bỡ ngỡ với người thầy ngồi xe lăn. Các học sinh cứ ngồi chăm chăm nhìn thầy, vừa thấy lạ, vừa thấy hay. Anh kể lại anh chẳng thấy tự ti chút nào, có lẽ anh đã quá quen với những đôi mắt dòm ngó của xã hội. Anh nói rằng nhìn các bé như thế rất hay, chúng vẫn đang còn là những đứa trẻ nhỏ đầy sự ngây thơ và yêu đời nên anh nghĩ mình càng phải tạo động lực cho các em học sinh nhiều hơn.

Sau khi kể lại câu chuyện của mình các em mới hiểu rõ và cảm thông với thầy hơn. Xe lăn có dây thắt an toàn nhưng nhiều lần anh bị ngã, những lần như thế các em học sinh đều chạy lại đỡ anh.

Là giáo viên dạy tin học, phải gắn liền với máy tính nhiều nhưng lại có đôi tay yếu, nhiều lần đau mỏi. Học sinh của anh rất thương chạy đến hỏi han, và xoa bóp giúp thầy.

Không những gắn bó với công việc đi dạy của mình, hiện tại anh cùng vợ bán hàng online tại nhà: mirco thu âm, hạt điều, đặc sản Bình Phước, nhân sâm, yến sào đảm bảo chất lượng. Kết hợp làm kênh youtube với tên “Thầy giáo xe lăn”, anh làm được 1 tháng và đã có 1.2k người đăng ký. Kênh youtube anh chia sẻ về âm nhạc, về cuộc sống đời thường của anh, của người nghèo, khuyết tật đồng cảnh với mình.

Khi nghe anh kể tôi thấy vừa xót xa vừa khâm phục anh, đúng là khi gặp khó khăn mới thấy động lực của con người phi thường đến nhường nào. Tôi mong rằng anh và những người khuyết tật trên toàn xã hội này nhận được những điều tốt đẹp nhất.

Đồng hành việt rất vui vì khi liên hệ với anh, anh chia sẻ rằng anh cũng là một độc giả của Tạp chí. Anh muốn thông qua những người phóng viên nhắn nhủ với cộng đồng NKT rằng: Có rất nhiều công việc NKT có thể làm được, chỉ cần mình lạc quan yêu đời, vui vẻ thì đều có thể cống hiến được cho xã hội.

Nguồn: donghanhviet.vn

Sưu tầm: Ngọc Song