Vợ chồng mù và 2 bằng thạc sĩ

Ngày đăng: 08/07/2014 - 967 lượt đọc

"Tôi mong nhiều người mù được nghe, biết về cuộc sống và nghị lực vượt khó của vợ chồng Phạm Xuân Trường - Đinh Việt Anh. Nước ta hiện có hàng ngàn thanh, thiếu niên mù đang học "hoà nhập" tại các trường phổ thông tới đại học. Tấm gương Trường - Anh sẽ là nguồn cổ vũ, động viên những người mù tự tin vươn lên..." - tiến sĩ Lê Tiếp - nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù Việt Nam - nhận xét về tấm gương của 2 con người đặc biệt mà tôi kể dưới đây...

Gia đình hạnh phúc

Những ngày cuối tháng 4.2014, nhà chị Đinh Việt Anh hầu như lúc nào cũng rộn tiếng cười. Khách ra vào, phần lớn là người mù. Họ đến chia vui với chị và chồng - anh Phạm Xuân Trường - cả hai vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ tại Học viện Hành chính Quốc gia. Gian phòng anh, chị đang ở nhờ cơ quan chồng (P.Yên Hoà, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), trở nên quá chật. Những bó hoa, những lời chúc mừng nồng nhiệt. Bé Hà Anh - con gái đầu - cũng vui cùng bố mẹ. Bé được mọi người chuyền nhau bế. Có người nói: “Cháu có đôi mắt sáng, ông trời bù lại cho bố mẹ đấy. Trời luôn có mắt...".

Nhìn căn phòng nhỏ được bố trí ngăn nắp, nhìn anh chị đi lại tiếp khách, ít ai nghĩ rằng cả hai đều là người mù. 5 năm trước, đám cưới thầy Phạm Xuân Trường - lúc đó là giáo viên Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù (TTĐT- PHCNCNM) - và chị Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh - được tổ chức tại Hà Nội. Mọi người chúc mừng hạnh phúc, song, cũng có người ái ngại, lo cho cuộc sống sắp tới của đôi vợ chồng trẻ mù. Khi con gái được 1 tuổi, để phục vụ công tác tốt hơn, Trường - Việt Anh bàn bạc, quyết định đăng ký và thi đỗ vào Học viện Hành chính Quốc gia, chương trình đào tạo thạc sĩ quản lý công.

Vợ chồng Phạm Xuân Trường - Đinh Việt Anh và con gái.

Vừa nuôi con nhỏ, vừa công tác, vừa theo học gian khổ vô cùng. Người ta nói, nam giới mù khó một, khổ một; phụ nữ mù khó ba, khổ ba. Nhớ lại ngày ấy, khi cho con ăn bột, uống sữa, anh, chị phải dùng tay sờ đúng miệng con, rồi mới nghiêng thìa, sợ sữa, bột chảy vào mũi con. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, anh, chị đã giành được những kết quả trong công tác. 15 năm gắn bó với Hội Người mù, do nỗ lực phấn đấu, cả hai đều được lãnh đạo, hội viên bầu và đề bạt vào các vị trí chủ chốt của hội.

Phạm Xuân Trường sinh năm 1975 ở Thanh Mai (Thanh Oai, Hà Nội). Trường tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (2001); tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế (2005); lấy bằng thạc sĩ Học viện Hành chính Quốc gia (2014). Hiện là Uỷ viên BCH Hội Người mù Việt Nam, Phó Giám đốc TTĐT- PHCNCNM, thành viên “Mạng lưới giáo viên dạy massage y học cho người mù khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” (AMIN).

Chị Đinh Việt Anh sinh năm 1978 ở Sơn Hoà (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Chị tốt nghiệp Đại học KHXH&NV (2004); tốt nghiệp Viện Đại học Mở, khoa Tiếng Anh (2007) và cùng lấy bằng thạc sĩ Học viện Hành chính Quốc gia (2014) với chồng. Đặc biệt, ngoài tiếng Anh, chị Việt Anh còn thông thạo tiếng Nhật, Pháp... Hiện chị Việt Anh là Uỷ viên BTV Hội Người mù Việt Nam, Trưởng ban Công tác phụ nữ và trẻ em T.Ư hội, Tổng Biên tập Tạp chí Đời Mới, thành viên Ban Công tác phụ nữ và trẻ em mù khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (WBUAP).

Vượt lên số phận

Năm 1965, ông Phạm Xuân Sang nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường miền Nam gần 10 năm. Hòa bình, ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Lợi và không hề biết là cơ thể mình đã “ngấm” chất độc da cam từ trước đó. Trong 5 người con của ông bà thì 2 con trai đầu Phạm Xuân Trường, Phạm Văn Sơn và con gái Phạm Thị Hồng đều bị mù từ nhỏ. Những cái tên Trường, Sơn, Hồng gợi nhớ lại kỷ niệm hào hùng của những ngày "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, song, cũng để lại trong ông bà sự tột cùng của buồn đau.

Ngày ấy, ông và các con chưa được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam như bây giờ. “Cần câu” mưu sinh duy nhất của ông bà cùng 5 người con, trong đó có 3 người bị mù, là mấy sào ruộng khoán, lại triền miên trong cảnh chồng ốm, vợ đau nên khó khăn chồng chất khó khăn.

Nhưng, với phẩm chất kiên cường của một “người lính cụ Hồ”, sự kiên nhẫn chịu đựng của bà, cả hai đã không đầu hàng số phận. Ông bà gồng mình “bới đất, lật cỏ” nuôi các con ăn học, trong đó, Trường, Sơn, Hồng học "hoà nhập" cùng các bạn sáng mắt. Điều khó tin là cả 5 anh em của Trường đều tốt nghiệp đại học, trong đó, Sơn đang theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành “Trợ giúp giáo dục đặc biệt” tại Nhật Bản; Hồng đang làm việc tại Hội Người mù Việt Nam...

Trường hợp Đinh Việt Anh lại khác. Chị bị mù khi mới 3 tuổi. Bố, mẹ chị đều là giáo viên. Với tư chất thông minh, có năng khiếu học ngoại ngữ, chị học "hoà nhập", cùng các bạn sáng mắt và năm nào cũng được khen thưởng về thành tích học tập.

Trở lại chuyện Trường - Việt Anh học cao học. Anh chị là những người mù Việt Nam đầu tiên học chương trình thạc sĩ ở Học viện Hành chính Quốc gia. Học viện cách nhà 6km, để tiết kiệm, anh chị chỉ nhờ một "xe ôm" đưa đi, đón về. Gần 3 năm, tối thứ sáu, ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, anh chị chưa bỏ học buổi nào. Cảm phục nghị lực của 2 vị khách "đặc biệt" này, người "xe ôm" chỉ lấy tiền công bằng nửa giá bình thường. Một lần, trên đường đi học, cảnh sát giao thông dừng xe định phạt, vì chở 3 người. Nghe anh chị trình bày, anh cảnh sát không phạt, lại còn nhắc người chở "xe ôm" đi cẩn thận.

Để tiếp thu bài giảng, Trường - Việt Anh đã rèn luyện thuần thục kỹ năng viết tắt chữ nổi và sử dụng máy tính. Mười đầu ngón tay của cả hai vợ chồng đều lướt trên bàn phím máy tính rất nhanh và chính xác. Họ phân công nhau: Hôm nay vợ dùng máy tính ghi bài, thì chồng dùng tay ghi bằng chữ nổi; ngày mai chồng dùng máy tính ghi bài, thì vợ lại dùng tay ghi bằng chữ nổi. Về nhà, nhờ phần mềm đọc màn hình, đọc lại bài trên máy tính và dùng tay sờ đọc lại bài bằng chữ nổi, anh chị đối chiếu và hoàn chỉnh bài học. Nhiều đêm, cơm nước xong, ru con ngủ, anh, chị mang bài ra học, nghiên cứu, trao đổi đến 1-2 giờ sáng. Khi nhận đề tài viết luận văn tốt nghiệp thì mỗi người thu thập tài liệu, số liệu riêng, góp ý cho nhau và sửa chữa theo hướng dẫn của thầy cô qua Internet.

Luận văn của Trường là "Quản lý nhà nước về việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay". Luận văn của Việt Anh là "Quản lý nhà nước về giáo dục cho người khiếm thị ở Việt Nam hiện nay". Bề ngoài, hai luận văn có vẻ gần giống nhau, song, thực tế nội dung, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề, cách trình bày, văn phong hoàn toàn khác nhau. Cả hai luận văn đều được Hội đồng Khoa học của học viện nhận xét tốt, đánh giá cao, có giá trị thực tiễn, có ý nghĩa nhân văn...

Có lần tôi hỏi Trường - Việt Anh: "Quan niệm của anh, chị về hạnh phúc?". Suy nghĩ giây lát, Việt Anh trả lời: "Hạnh phúc là yêu thương và sẻ chia với những người trong gia đình, với những người đồng tật và rộng hơn nữa là với cộng đồng. Mong sao, những cố gắng của Trường - Việt Anh được góp phần bé nhỏ, giảm bớt nỗi đau cho người mù...". Vâng, mong sao, cùng với sự nỗ lực tự vươn lên của người mù, mỗi người chúng ta, góp phần giúp họ bước qua rào cản đêm đen, để được cảm nhận và hoà nhập với thế giới muôn màu.

Sưu tầm: Thiều Kỳ

Theo: http://laodong.com.vn/


Bình luận

Viết bình luận