Ý tưởng sáng tạo của ba "nhà thiết kế trẻ"

Ngày đăng: 06/07/2021 - 1801 lượt đọc

Sản phẩm mô hình đồng hồ đeo tay đặc biệt dành cho người già và người khuyết tật do ba học sinh trung học cơ sở của TP Hà Nội vừa nhận được Huy chương vàng trong cuộc thi Đổi mới và sáng tạo châu Âu lần thứ 13 năm 2021.

Đó là các em: Hứa Gia Vũ, học sinh lớp 9A2, Trường THCS - THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm), em Lương Thiệp Bằng, lớp 8A1, Trường THCS Thăng Long (quận Ba Ðình) và em Brian Lam Pak Lai, lớp 7M2 Trường THCS - THPT Marie Curie (quận Nam Từ Liêm). Thay mặt nhóm tác giả, em Bằng chia sẻ: "Người cao tuổi bị giảm thị lực và thính lực, cho nên rất cần các phương tiện hỗ trợ. Trên thị trường có nhiều sản phẩm hỗ trợ người già, nhưng là sản phẩm có tính năng đơn lẻ và giá cao so với mức thu nhập của người dân nước ta, cho nên chúng em mong muốn làm ra một sản phẩm tích hợp được đủ tính năng, giá thành hợp lý để phục vụ người già và người khuyết tật, nhất là có thể điều khiển và phát tín hiệu cảnh báo bằng tiếng Việt. Ðược sự gợi ý của cô giáo Lê Thị Sinh, giáo viên Trường THCS - THPT Lômônôxốp, chúng em quyết định sáng chế mô hình chiếc đồng hồ đặc biệt dành cho người già và người khuyết tật".

Từ tháng 1 đến tháng 3/2021, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Sinh và thầy Phan Quốc Nguyên - giảng viên Ðại học Quốc gia Hà Nội, ba bạn nhỏ bắt tay vào quá trình nghiên cứu và chế tạo đồng hồ. Sau ba tháng lao động miệt mài, sản phẩm mô hình đồng hồ đã hoàn thành. Mô hình đồng hồ được thiết kế có hai vòng tròn số nổi: Một để đếm giờ và một để đếm phút. Mọi người chỉ cần chạm vào mặt chiếc đồng hồ là biết được mấy giờ, rất hữu ích cho người khiếm thị hoặc người có thị lực kém, ngoài ra còn được hỗ trợ đọc giờ bằng giọng nói khi bấm nút ở bên sườn. Ðồng hồ còn có định vị GPS có thể xác định vị trí người dùng, giúp người nhà có thể biết được vị trí người già và người khuyết tật di chuyển, có chuông cảnh báo khi ở gần vật cản,… để người dùng có thể tránh tai nạn. Dây đeo được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường, giảm tác dụng phụ, tránh gây dị ứng da, nhất là da của người cao tuổi. Ðồng hồ được thiết kế để sử dụng năng lượng mặt trời và giảm nguy cơ nguy hiểm, cũng như phiền phức cho người già và người khuyết tật khi phải sử dụng nguồn điện.

Ngày 17/4, nhóm mạnh dạn gửi hồ sơ đăng ký dự thi Cuộc thi đổi mới và sáng tạo châu Âu được tổ chức tại Iasi - Romania - (Ru-ma-ni). Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban tổ chức đã chuyển sang hình thức thi trực tuyến. Cuộc thi đã thu hút hơn 280 phát minh và dự án nghiên cứu tham gia trực tuyến, với các tác giả đến từ hơn 30 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngày 23/4, nhóm nhận được thư của Ban tổ chức cuộc thi với nội dung là sáng chế của nhóm được chấp thuận cho trình bày tại triển lãm. Kết quả, sản phẩm của nhóm đã xuất sắc vượt qua 280 đề tài đến từ 31 quốc gia, giành Huy chương vàng của cuộc thi.

"Khi biết tin được giải, cả ba chúng em đều bất ngờ và rất vui vì chúng em cũng không nghĩ là lại giành được giải cao như vậy. Có lẽ do đây là cuộc thi sáng tạo và đổi mới, cho nên Ban tổ chức đánh giá cao những ý tưởng sáng tạo có tính ứng dụng và giá trị nhân văn với xã hội và cộng đồng. Thời gian tới, chúng em tiếp tục học tập tốt để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Gia Vũ mơ ước được học một trường đại học về công nghệ thông tin, Brian thích công nghệ nghe nhìn, còn em thì hiện tại đang quan tâm công nghệ hàng không vũ trụ", em Lương Thiệp Bằng chia sẻ.

Hiện nay, sản phẩm mô hình đồng hồ cho người già và người khuyết tật của nhóm đã làm hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để đăng ký bản quyền. Nếu sản phẩm mô hình này được đầu tư sản xuất sẽ trở thành vật dụng hữu ích của người cao tuổi và người khiếm thị như mục tiêu dự án đặt ra.

                                                                                                                                                                          Nguồn: Nhân dân

                                                                                                                                                                    Sưu tầm: Bùi Ngọc Song