4 cách trị chóng mặt không dùng thuốc rất dễ thực hiện

Ngày đăng: 23/11/2021 - 756 lượt đọc

Chóng mặt là triệu chứng khá phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Để trị chóng mặt cần phối hợp nhiều phương pháp, trong đó có 4 phương pháp không dùng thuốc đơn giản mà hiệu quả rất dễ thực hiện...

Khi bị chóng mặt cần tìm đúng nguyên nhân gây chóng mặt để giải quyết dứt điểm, kịp thời, tránh để lâu gây nhiều hệ lụy xấu tới sức khỏe như ngã, rối loạn tiền đình...

Theo y học cổ truyền, chóng mặt phần nhiều là do đàm và hỏa nghịch lên. Nguyên nhân có liên quan đến chức năng nội tạng can, tỳ, thận vận hóa kém; do lạm dụng món ăn ngọt, béo, khó tiêu, lại ít vận động mà sinh nhiều đàm, khi đàm gặp hỏa đưa lên sinh chóng mặt. Sau đây là 4 phương pháp không dùng thuốc trị chóng mặt.

Vị trí huyệt ấn đường.

1. Day ấn huyệt trị chóng mặt

Hàng ngày dùng ngón tay trỏ hoặc giữa tự day ấn các huyệt như huyệt ấn đường, hợp cốc, thần đình, bách hội, nội quan, túc tam lý, phong trì, tam âm giao... Nên day ấn cả hai bên ngày một vài lần, mỗi huyệt 5 - 10 phút.

Tác dụng: Khai khiếu, định thần chí, kiện tỳ, thanh hỏa, hóa đàm...

Vị trí huyệt: 

  • Ấn đường nằm chính giữa trên đường nối lông mày.
  • Hợp cốc nằm ở vị trí khe chính ở giữa điểm kết nối của ngón tay cái và ngón tay trỏ.
  • Thần đình nằm ở sau chân tóc 0,5 thốn, lấy ở huyệt vị ấn đường thẳng lên 3,5 thốn (thốn là chiều dài của đốt giữa ngón tay giữa).
  • Bách hội nằm ở đỉnh đầu, là điểm gặp nhau của 2 đường vuông góc: một đường đi ngang qua đỉnh vành tai và một đường dọc qua giữa đầu.
  • Nội quan nằm trên cổ tay 2 thốn.
  • Túc tam lý: Cách xác định vị trí huyệt: Úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân từ đó hơi nhích ra phía ngoài một ít là huyệt.
  • Phong trì: Ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.
  • Tam âm giao: Nằm ở vết lõm sau của xương chày chỉ cách mắt cá chân khoảng 6.5cm (đó là đối với người trưởng thành, với trẻ nhỏ thì ngắn hơn một chút khoảng 5.5cm).

2. Tự xoa bóp

2.1 Xoa trán trị chóng mặt

 

Dùng 3 ngón tay trỏ giữa và áp út chụm lại xoa toàn bộ trán qua lại 20 - 30 lần, sau đó xoa miết, bóp dọc hai bên cung lông mày.

Công dụng: Điều hòa khí huyết thanh can giáng hỏa, định thần, trị chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn...

Xoa trán trị chóng mặt.

2.2 Xoa sau gáy

Dùng cả bàn tay úp lại xoa dọc lên xuống hai bên sau gáy 20 - 30 lần.

Công dụng: Thư cơ, thanh can, giáng hỏa, an thần, tăng cường máu lên não.

2.3 Xoa hai ổ mắt 

Úp hai bàn tay, lấy hai ngón tay trỏ và giữa xoa vòng quanh mắt theo chiều kim đồng hồ (không đè mạnh vào mắt), mỗi lần 20 - 30 vòng.


Công dụng: Làm cho mắt tinh, định thần, khai thông khí huyết, tăng cường máu lên não...

2.4 Xoa đỉnh đầu 

Dùng 3 ngón tay trỏ giữa kế út, úp lại ngón giữa để chính giữa đỉnh đầu (huyệt bách hội) hai ngón kế là huyệt tứ thần thông, day ấn ngang dọc như hình dấu cộng mà huyệt bách hội làm chính giữa. Ngày day ấn vài lần, mỗi lần 5 - 10 phút.

Tác dụng: Khai khiếu, bình can tức phong, thanh thần chí... Trị đau đầu, tai ù, mắt hoa, hồi hộp, mất ngủ...

3. Xoa và đánh trống mang tai

Dùng 2 ngón tay trỏ và giữa, ngón giữa để trước tai, ngón trỏ để sau tai xoa miết lên xuống ở các huyệt trước và sau tai 20 - 30 lần và sau xoa đều những huyệt xung quanh vành tai 20 - 30 lần. Tiếp đó, lấy 2 lòng bàn tay úp lên hai tai ấn 5 - 10 lần nghe như đánh trống trong tai, sau dùng 2 ngón tay trỏ và giữa bật mạnh nghe có tiếng bùm bùm sau tai 5 - 10 lần.

Công dụng: Trị ù tai, tai điếc, đau đầu, chóng mặt...

Vị trí huyệt hợp cốc.

4. Tập vẩy tay

Chọn nơi yên tĩnh, đứng thẳng người, hai bàn chân dang bằng vai, mười đầu ngón chân bấm chắc mặt nền nhà, ngậm kín miệng, lưỡi cong lên đụng nướu răng hàm trên, hai mắt nhìn trước, từ từ đưa hai tay ra phía trước hợp với thân mình một góc 30 độ, hai bàn tay song song với mặt nền, các ngón tay khép kín.

Vẩy mạnh hai tay ra sau hợp với thân mình một góc 60 độ, hai bàn tay vẩy lên trên và phải làm hết sức mình đồng thời nhíu hậu môn lại và thót lên được tính là một lần vẩy tay, ngày nên tập 2 lần và nên tập lúc bụng không no.

Mới đầu chỉ nên tập mỗi lần vài trăm cái, rồi từ tăng dần, đến lúc vẫy tay trong 30 phút mà được 1.800 - 2.000 cái càng tốt. Tác dụng giúp khí huyết lưu vận hành khắp cơ thể để nuôi dưỡng lục phủ ngũ tạng, đào thải lọc khí ra ngoài, chữa chóng mặt rất hiệu quả.


Nguồn: suckhoedoisong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận