6 cách tự nhiên giúp giảm đau lưng hiệu quả

Ngày đăng: 27/10/2021 - 797 lượt đọc

Đau lưng là triệu chứng rất thường gặp. Vậy ứng phó thế nào? Hãy cùng tham khảo lời khuyên của chuyên gia xương khớp Adrien Ezine người Pháp, để tránh và làm giảm cơn đau lưng hiệu quả.

Một số cơn đau lưng thường gặp

Đau thắt lưng

Đau thắt lưng có thể dữ dội hoặc âm ỉ, thường tập trung ở vùng thắt lưng, 5 đốt sống cuối cùng của cột sống. Những cơn đau này không phải là hiếm, chúng là nguyên nhân của 80% đến 90% các cuộc thăm khám xương khớp.

Ngoài một số bệnh lý cụ thể (viêm xương khớp, hội chứng tiền kinh nguyệt ...), các cơn đau thắt lưng nói chung có nguồn gốc cơ học.

Đau thần kinh tọa

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh lớn nhất và dài nhất trong cơ thể. Người bệnh có cảm giác cơn đau buốt chạy dọc theo các vị trí do dây thần kinh này đảm nhận, bắt đầu từ lưng dưới xuống dọc mông, đùi, bắp chân và đôi khi đến bàn chân. Thông thường, cơn đau xuất phát từ thoát vị đĩa đệm, chèn ép một trong những rễ của dây thần kinh tọa.

Đau cổ vai gáy

Biểu hiện cơn đau (dữ dội hoặc âm ỉ) khu trú ở cổ, gáy và/hoặc vai. Ngoài một số bệnh cụ thể (bệnh thoái hóa cột sống cổ, viêm cột sống dính khớp...), nguồn gốc các cơn đau cổ cũng chủ yếu là do cơ học: Đặc biệt là những người phải cúi đầu xuống cả ngày - trên điện thoại thông minh hoặc máy tính. Bác sĩ Adrien Ezine khẳng định. Trong tư thế xấu này kéo dài, sẽ dẫn đến các cơ của lưng trên (cơ thang, cơ bậc thang, cơ ức-đòn-chũm…), bị "kéo" trên 7 đốt sống đầu tiên của cột sốn... gây ra các cơn đau.

Đau do xẹp đốt sống

Một hoặc nhiều đốt sống bị xẹp xuống, kích thước của chúng giảm đi. Thủ phạm chính là bệnh loãng xương, nó từ từ, ngấm ngầm "gặm nhấm" và làm suy yếu các đốt sống. Rối loạn này có thể tiến triển âm thầm trong một thời gian dài, gây ra những cơn đau.

Một số cách giúp giảm đau lưng

1. Xoa bóp với tinh dầu

Để xoa dịu cơn đau thắt lưng, hãy chuẩn bị dầu xoa bóp bằng cách trộn 1 giọt tinh dầu vào 4 giọt dầu thực vật (dầu hạnh nhân, dầu argan ... ). Nhẹ nhàng xoa bóp 4 lần một ngày cho đến khi cải thiện.

Cảnh báo: Tinh dầu không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi cũng như phụ nữ mang thai và cho con bú, những người bị bệnh chàm, hen suyễn.

2. Kéo giãn thắt lưng

Hai chân đứng rộng bằng vai, đưa hai tay lên trên đầu như thể đang cố gắng với lên trần. Sau đó nghiêng người về phía trước trong khi để cánh tay "buông thõng" và thả lỏng bàn tay.

Lưu ý: Giữ thẳng chân, khuỵu nhẹ gối, chống hai tay lên đầu gối và từ từ dựng thẳng người lên.

Lời khuyên của chuyên gia: Nên thực hiện động tác kéo giãn này vào mỗi buổi sáng để ngăn ngừa tình trạng đau nhói ở lưng dưới. Nếu cơn đau (dù chỉ nhẹ) xuất hiện, hãy dừng lại.

Động tác kéo giãn thắt lưng.

3. Tư thế yoga cho thắt lưng

Nằm ngửa, uốn cong đầu gối và bắt chéo đầu gối phải qua đầu gối trái. Dang rộng cánh tay sang hai bên. Khi thở ra, nhẹ nhàng xoay đầu gối sang trái cho đến khi chạm sàn; quay đầu sang phải, cố gắng giữ vai trên mặt đất. Hít vào, thở ra chậm trong vài giây. Thực hiện 3 lần cho mỗi bên.

Tư thế yoga này phải được thực hiện ngay khi cơn đau lưng (ở vùng thắt lưng) xuất hiện, kết hợp với hít thở đúng cách.

4. Kéo giãn cổ

Đứng thẳng lưng, dùng cằm để vẽ số "8" nằm ngang (trong 20 giây), sau đó nghiêng đầu hết cỡ từ bên này sang bên kia. Tiếp theo, cúi đầu về phía trước, đặt tay lên phía sau gáy và tạo áp lực nhẹ nhàng sao cho cằm chạm vào xương ức (trong 20 giây).

Nên thực hiện động tác này vào mỗi buổi sáng (ngay khi ngủ dậy) để không bị đau mỏi cổ.

5. Chườm nóng

Nhiệt là "đồng minh" số 1 chống đau cổ, gáy hay vai.

Có thể sử dụng một chiếc khăn bọc đá chườm đã được làm nóng trong lò vi sóng, hoặc làm thuốc đắp bằng đất sét xanh để chườm nóng lên vùng bị đau, hoặc có thể sử dụng ngải cứu chườm lên vùng bị đau bằng khăn.

6. Tư thế yoga cho cổ

Ngồi trên sàn, duỗi thẳng chân trái và gập chân phải để đưa gót chân về phía mông. Đặt tay phải ra phía sau. Hít vào và nâng cao cánh tay trái của bạn. Thở ra và xoay thân sang phải: Vòng cánh tay trái ra bên ngoài đầu gối. Hít thở sâu vài lần và sau đó lặp lại ở phía bên kia.

Một tư thế yoga nên làm vào mỗi buổi tối để giảm căng cổ.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận