Chuyện người lính được giao nhiệm vụ san tìm "cô vy"

Ngày đăng: 18/03/2020 - 758 lượt đọc

29 Tết âm lịch, Việt Nam công bố hai trường hợp đầu tiên dương tính với chủng virus Corona mới. Đó cũng là thời điểm "biệt đội" lính Quân y nhận nhiệm vụ săn tìm bằng được con virus đang hoành hành ngang dọc

1. Thủ lĩnh "Biệt đội săn Covid-19"

Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự về đêm.

Phòng thí nghiệm nơi nhóm nghiên cứu của anh Sử làm việc vẫn sáng đèn. Xen lẫn giữa những ánh sáng trắng của đèn điện là ánh tím của đèn UV khử khuẩn.

2h30’ sáng. Anh Sử và các đồng nghiệp rời phòng thí nghiệm sau khi hoàn thành công việc. Cởi bỏ nào kính bảo hộ, nào khẩu trang, quần áo chống dịch… anh Sử cười: “Về nghỉ ngơi một chút thôi, 6h30 chúng tôi lại bắt đầu công việc.”.

Cường độ làm việc liên tục nhiều ngày nay không khiến nhóm nghiên cứu bớt đi nhiệt huyết. Họ vẫn luôn giữ những nụ cười rạng rỡ trên môi sau mỗi buổi tan làm. Anh Sử bảo, bởi lẽ, họ đang làm một nhiệm vụ đặc biệt, góp sức cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở nước ta. Đó là nhiệm vụ săn tìm virus gây bệnh.

Covid-19 là tên gọi căn bệnh bắt nguồn từ chủng virus Corona mới. Căn bệnh này gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng và có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. 

Dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi và reo rắc nỗi sợ hãi trên toàn cầu với hàng trăm ngàn người nhiễm virus. Thế nhưng ít ai ngờ được rằng, tại Việt Nam lại có một nhóm các nhà khoa học trẻ thành công trong việc “săn tìm” ra dấu vết của virus gây bệnh. 

Thành công này có được là nhờ kết quả của một nhóm các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y mà Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Xuân Sử (Trưởng phòng vi sinh và các mầm bệnh sinh học, Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự) là thành viên đóng vai trò chủ chốt.

Nhờ vậy, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới phát triển được các bộ KIT xét nghiệm phát hiện Covid-19. 

Tiến sĩ Sử là một trong số những nhà khoa học trẻ nổi bật của Học viện Quân y. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Pháp tại Viện Nghiên cứu sức khỏe Quốc gia Pháp (INSERM-U823, Grenoble, France), anh từng tham gia phát triển và đánh giá một số bộ KIT phát hiện viêm gan virus B và C.

Sau khi tốt nghiệp, anh trở về Học viện Quân y công tác và tham gia các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Tiến sĩ Sử cũng góp công lớn trong việc xây dựng quy trình phát hiện các tác nhân nguy hiểm như virus Ebola, virus viêm gan B, C, virus sốt xuất huyết,...

Nhờ những kinh nghiệm đó, vị thiếu tá quân đội này rất tự tin trong việc nghiên cứu bộ KIT test để xét nghiệm phát hiện Covid-19. Đó cũng là lý do mà anh được đơn vị lựa chọn tham gia từ đầu và trở thành thủ lĩnh của “biệt đội săn Covid-19” Việt Nam.

Ngay từ những ngày dịch bệnh mới khởi phát, Tiến sĩ Sử đã sớm đăng ký làm thành viên của cơ sở chia sẻ dữ liệu cúm toàn cầu (GISAID: Global Initiative on Sharing All Influenza Data). Nhờ vậy, anh có thể tiếp cận được với nguồn dữ liệu của thế giới, trong đó có nhiều trình tự gene của chủng virus corona mới mà các nhà khoa học đã giải mã được.

Đến ngày 13/1, Tiến sĩ Hoàng Xuân Sử lần đầu được tiếp cận với trình tự gene của Covid-19 thông qua mối quan hệ với các nhà khoa học Đức. Đây là manh mối đầu tiên mà anh có được trong quá trình tìm hiểu quy trình để phát triển bộ xét nghiệm phát hiện chủng virus corona mới này. 

2. Mất ăn mất ngủ làm xuyên Tết để săn tìm covid-19

Ngày 23/1/2020 (29 Tết âm lịch), Việt Nam công bố hai trường hợp đầu tiên dương tính với chủng virus Corona mới.

Một cuộc họp gấp được triệu tập tại Học viện Quân y.

Ban giám đốc Học viện chính thức giao nhiệm vụ nghiên cứu bộ test KIT phát hiện chủng virus corona mới cho Tiến sĩ Hoàng Xuân Sử cùng PGS.TS Hồ Anh Sơn và các cộng sự.

Nhóm nghiên cứu được tập hợp với hơn 30 người, bao gồm các chuyên gia đầu ngành về vi sinh, miễn dịch, sinh học phân tử, kiểm soát nhiễm khuẩn, truyền nhiễm, y học dự phòng...  cùng với đó là các học viên đại học và sau đại học thuộc Học viện Quân y và sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH QG Hà Nội đang thực tập và làm khóa luận, luận văn tốt nghiệp.

Mỗi người phụ trách một nhiệm vụ, người thiết kế mồi và mẫu dò (thành phần chính của KIT), người tham gia nhân bản gene và tổng hợp mẫu chứng dương, người chuẩn bị vật liệu hóa chất, người tối ưu các qui trình kỹ thuật, người xây dựng phương pháp đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu và chất lượng bộ test KIT…

Bên cạnh đó, nhóm cũng phối hợp với các nhà nghiên cứu của công ty Công nghệ Việt Á – đơn vị chuyên sản xuất các bộ KIT để chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài sản xuất qui mô lượng lớn test KIT.

Tiến sĩ Sử là người được giao trực tiếp việc thiết kế quy trình xét nghiệm cũng như xây dựng các phương pháp đánh giá bộ test KIT. Về quê nghỉ Tết từ 29 Tết âm lịch thì đến đêm 30 (ngày 24/1), anh đã phải vội vã lên Hà Nội để tiếp tục công việc còn dang dở.

Anh nhớ lại “tôi đã dành cả buổi chiều ngày mùng một tết Canh Tý để phân tích và so sánh trình tự gen thu được từ GISAID”

Cường độ làm việc của nhóm nghiên cứu được đẩy lên cao độ kể từ ngày 4/2, thời điểm Bộ Khoa học & Công nghệ chính thức thông qua thuyết minh đề tài nghiên cứu do nhóm nghiên cứu của TS Hoàng Xuân Sử đề xuất.

“Chúng tôi gặp nhiều khá áp lực khi phải chạy đua với thời gian vì Bộ KH&CN giao trong vòng 2 tuần phải có sản phẩm bộ test KIT để thử nghiệm và sau 1 tháng có thể đưa vào sử dụng”.

Nếu tính trung bình, cứ mỗi ngày, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Sử lại thực hiện 5-10 thí nghiệm. Mỗi thí nghiệm kéo dài 2 tiếng, chưa kể công đoạn chuẩn bị cũng mất rất nhiều thời gian.

“Thời điểm ấy, có những hôm, chúng tôi phải làm việc xuyên đêm. Cũng có hôm 2 đến 3h sáng mới bắt đầu từ viện trở về nhưng 7h sáng hôm sau lại phải có mặt ở cơ quan để tiếp tục làm thí nghiệm. Ngủ trên bàn làm việc là chuyện rất bình thường”, anh Sử kể.

Tiến sĩ Sử tâm sự, vợ anh làm việc tại khoa Gây mê - hồi sức- Bệnh viện Quân y 103 nên công việc cũng rất bận rộn.  Dường như đã quen, những hôm bố mẹ vắng nhà, con anh Sử đứa lớn lớp 6, đứa nhỏ lớp 1 lại tự chăm lấy nhau, bảo ban nhau học hành.

Ngoài việc phải tạm gác lại các mối quan hệ gia đình, khó khăn lớn hơn mà các nhà nghiên cứu như anh Sử phải đối mặt là sự nguy hiểm từ chính các tác nhân gây bệnh. Trong khi, Covid-19 lại được xếp vào dạng bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đây là nhóm các loại bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. 

Chỉ một chút sơ suất, những người trực tiếp làm việc trong phòng thí nghiệm là những người dễ bị nhiễm bệnh hơn cả. Chính vì vậy, các thành viên nhóm nghiên cứu luôn phải trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ như quần áo bảo hộ, kính, giày, găng tay, khẩu trang và tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng tránh lây nhiễm, bảo đảm an toàn sinh học và an ninh sinh học.

Bên cạnh đó, thời gian đầu, nhóm nghiên cứu cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt vật tư do các đơn vị cung ứng đều nghỉ Tết. Các mẫu chứng dương (vật liệu di truyền của virus) để tiến hành xây dựng và tối ưu các qui trình nghiên cứu thời gian đầu cũng cực kỳ khó kiếm.

Nhờ các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là sự giúp đỡ từ các nhà khoa học uy tín của Đức và Pháp, Tiến sĩ Sử và các đồng nghiệp đã xin được quy trình và mẫu chứng dương. Đây là cơ sở để nhóm nhanh chóng tiến hành tổng hợp chứng dương, nhân lên số lượng nhiều hơn nhằm phục vụ cho các thí nghiệm.

3. Từ căng thẳng tột độ đến vỡ òa hạnh phúc

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Xuân Sử kể lại, mỗi khi tiến hành các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đều rất căng thẳng và phải tập trung cao độ. Bởi lẽ, chỉ một sai sót nhỏ trong một công đoạn cũng có thể ảnh hưởng đến sự thành công của thí nghiệm.

Một vấn đề nảy sinh trong quá trình tối ưu sản phẩm, đó là độ nhạy quá cao có thể làm lây chéo giữa các mẫu, gây nên hiện tượng dương tính giả.

Bởi vậy, các nhà nghiên cứu luôn phải rất tập trung và kiểm soát các bước thực hiện cũng như các tiêu chí để sản phẩm đạt hiệu quả và an toàn nhất.

Ngày 7/2, khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới, nhóm đã chủ động liên hệ, từ đó lấy được mẫu ARN để thực hiện thí nghiệm và thu được kết quả rất tốt.

"Tuy vậy, kết quả thực hiện trên mẫu tổng hợp, mẫu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đạt được các tiêu chí đề ra như mục tiêu của đề tài là một chuyện. Kết quả đánh giá trên mẫu bệnh phẩm thực tế của bệnh nhân lại là chuyện khác”, anh Sử nói.

Thời điểm căng thẳng nhất là khi nhóm gửi bộ test KIT sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm thực tế. Hôm ấy, ngày 27/2, anh Sử và các đồng nghiệp như “ngồi trên đống lửa”.

Kết quả sau đó từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, các mẫu thử đều thành công khiến cả nhóm như vỡ òa hạnh phúc.

“Sau mọi nỗ lực, chúng tôi cuối cùng cũng được thở phào”, anh Sử mỉm cười nhớ lại. 

4. Niềm hy vọng Việt trong cuộc chiến với virus "Cô vy"

Giới khoa học mỗi nước lại có những cách tiếp cận khác nhau trong việc nghiên cứu và sản xuất ra bộ test KIT phát hiện nhanh Covid-19. 

WHO và CDC của Mỹ đưa ra quy trình gồm 3 phản ứng để phát hiện virus Sars-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân. Trong khi đó, CDC Trung Quốc và Hồng Kông đưa ra một quy trình khác với 2 phản ứng trong đó mỗi phản ứng nhắm vào một vùng gen đặc trưng của virus.

Chia sẻ về thành quả của mình, Tiến sĩ Sử thành thật kể lại rằng, do đi sau và tận dụng được kết quả của các phương pháp nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã lựa chọn giải pháp tích hợp 2 gene vào cùng một phản ứng để tối ưu bộ KIT. 

Nhờ vậy, bộ test KIT do Học viện Quân y phát triển có khả năng phát hiện người dương tính với Covid-19 chỉ sau 1 phản ứng. Kết quả được trả về sau khoảng 2 tiếng đồng hồ, không tính thời gian lấy mẫu, tách mẫu và xử lý bất hoạt mẫu.

Theo Tiến sĩ Sử, việc tối ưu chỉ còn một phản ứng giúp rút ngắn được thời gian và lượng sinh phẩm hoá chất, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai và sử dụng nhằm chống lại sự lây lan của Covid-19.

Sau khi được kiểm định về độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại, kết quả cho thấy, bộ test KIT phát hiện Covid-19 của Việt Nam có chất lượng tương đương với các bộ sinh phẩm do CDC Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sản xuất. 

"Đó cũng là lý do chúng tôi đã liên hệ với WHO để trao đổi và phía WHO cũng đã có đề nghị Việt Nam cung cấp quy trình nghiên cứu bộ test KIT nhằm chia sẻ cho các phòng thí nghiệm trên toàn cầu".

Ngày 4/3/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BTY về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất.

Khác với các công trình nghiên cứu trước đó, bộ test KIT do Học viện Quân y phát triển là bộ test KIT phát hiện Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Trước thời điểm bộ test KIT phát hiện Covid-19 của Học viện Quân y ra đời, việc xét nghiệm chẩn đoán các ca nghi nhiễm Covid-19 tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn test KIT của Tổ chức Y tế y thế giới, đặc biệt trong giai đoạn đầu của vụ dịch số lượng test KIT ở Việt Nam có số lượng rất hạn chế. 

Việc tự sản xuất được bộ test KIT phát hiện Covid-19 giúp Việt Nam nắm trong tay một công cụ đắc lực và hữu hiệu trong việc chủ động chẩn đoán sớm và sàng lọc người nghi nhiễm khi các KIT thương mại không sẵn có trên thị trường Việt Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát và trở thành đại dịch trên toàn cầu. 

Nguồn: vietnamnet.vn
Sưu tầm: Ngọc Song