Day huyệt trị nhức mỏi mắt

Ngày đăng: 17/03/2022 - 715 lượt đọc

Trong đại dịch COVID-19, chúng ta phải làm việc, học tập trực tuyến nhiều. Thời lượng tiếp xúc với các thiết bị điện tử tăng lên gây nhức mỏi mắt.

Bên cạnh việc tìm kiếm các phương pháp điều trị như dùng thuốc, tập luyện, nghỉ ngơi… bạn có thể tiến hành một thao tác trị liệu có công dụng giảm nhức mỏi mắt, phục hồi thị lực của y học cổ truyền, đó là: Day bấm huyệt toản trúc.

1. Ý nghĩa và công dụng của huyệt toản trúc
Toản trúc, còn được gọi là dạ quang, minh quang, quang minh... là một huyệt nằm trên đường kinh Túc thái dương Bàng quang, được ghi lại sớm nhất trong y thư cổ Châm cứu giáp ất kinh.

"Toản" có nghĩa là tập hợp lại với nhau, ý nói đến sự chuyển động của lông mày trong quá trình cau mày.

"Trúc" có nghĩa là cây tre, lá tre, ý muốn nói khi người ta cau mày thì lông mày trông giống như một cái lá tre.

Huyệt nằm ở đầu của hai lông mày do đó mà có tên là toản trúc (nhăn mày).

Tác động vào huyệt toản trúc trị liệu nhiều bệnh.

Sách Hội nguyên thì lại cho giải nghĩa là: "Toản trúc, khí của các kinh dương tụ ở đầu chân mày. Ở đầu chân mày như sự phồn thịnh của cây trúc mới mọc, lại có hình dáng tựa như chữ trúc nên gọi là toản trúc".

Theo y học cổ truyền, huyệt vị này có công dụng làm sáng mắt, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đau mắt đỏ, hoa mắt, chảy nước mắt, mờ mắt, giật mắt, đau đầu, liệt dây thần kinh mặt...

Sách Ngọc long ca viết "đau nhức ở giữa hai lông mày châm dưới da huyệt toản trúc". Sách Bách chứng phú thì ghi rằng "Lờ mờ trong mắt, châm toản trúc, tam gian". Y thư cổ Châm cứu giáp ất kinh (quyển thứ 7) viết: "Đau nhức đầu, chảy máu cam, viêm mũi dị ứng, nhức đầu ở trên mắt, hắt hơi, mắt như muốn ra ngoài, sốt lạnh toát mồ hôi, mặt đỏ, đau trong má, cột sống cổ khó quay qua lại, đau trong mắt, co giật, dùng toản trúc làm chủ".

Nghiên cứu lâm sàng hiện đại đã chứng minh:

- Bằng các thủ pháp thích hợp tác động vào độc huyệt toản trúc có thể trị liệu hữu hiệu các bệnh lý như tăng huyết áp, nấc, đau đầu do thần kinh, đau lưng cấp tính, đau dây thần kinh tam thoa...;

- Phối hợp châm với huyệt thái dương có thể chữa được viêm kết mạc cấp tính, viêm mắt do tia tử ngoại...;

- Phối hợp với các huyệt tình minh, túc tam lý, quang minh để chữa đục thủy tinh thể;

- Phối hợp với một số huyệt vùng mặt để điều trị cận thị, liệt dây thần kinh số VII...

 

Huyệt toản trúc phối hợp với một số huyệt vùng mặt.

2. Cách day bấm huyệt toản trúc trị nhức mỏi mắt
Vị trí huyệt toản trúc: Ở chỗ lõm đầu trong lông mày.

Thao tác cụ thể gồm các bước như sau:

- Chọn tư thế thoải mái, tốt nhất là nằm ngửa hoặc nửa nằm ngửa, nửa ngồi trên ghế tựa, toàn thân thư giãn.

- Tâm trí hoàn toàn tập trung vào việc tiến hành thủ thuật, hai mắt khép hờ.

- Dùng hai ngón tay trỏ hoặc ngón tay giữa đồng thời day bấm cả hai huyệt toản trúc với một lực vừa phải sao cho đạt cảm giác tê tức là được, trong khoảng 2 phút.

- Tiếp tục thư giãn trong vài phút rồi lại tiến hành dạy bấm lần thứ hai với cách thức như trên.

Ngoài công dụng giải tỏa tình trạng nhức mỏi mắt, biện pháp day bấm huyệt nói trên nếu được tiến hành kiên trì và đều đặn còn có tác dụng cải thiện thị lực và dự phòng các bệnh lý về mắt.

Nguồn: Sức khỏe & Đời sống

Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận