10 chính sách pháp luật mới có lợi cho dân

Ngày đăng: 11/02/2020 - 881 lượt đọc

Năm 2020 có nhiều chính sách pháp luật mới gắn liền sát sườn đến quyền lợi của người dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

1 Bảo vệ tối đa quyền lợi  người lao động

Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người lao động không có quan hệ lao động. Nếu người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. So với hiện nay, quy định mới này khiến người lao động không còn bị doanh nghiệp phủi trách nhiệm, vắt chanh bỏ vỏ khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp cũng hết thời không ký hợp đồng để trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Luật mới quy định những trường hợp quyền lợi người lao động bị xâm hại thì được nghỉ việc mà không cần báo trước. Luật bỏ hẳn loại hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng, công việc của người lao động được duy trì ổn định hơn.

Luật mới bổ sung quy định cụ thể hơn về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động. Luật điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động…

Theo đánh giá chung, người lao động Việt Nam có ít ngày nghỉ hơn người lao động các nước khác trong khu vực và thế giới. Luật mới bổ sung một ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh 2-9, nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong năm lên 11 ngày. Quy định mới cho phép người lao động được nghỉ ba ngày khi cha nuôi, mẹ nuôi qua đời.

Đặc biệt, luật mới thêm nhiều điều khoản để bảo vệ lao động nữ. Khi hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng mới.

Lao động nữ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, hoặc đang mang thai cần nghỉ theo chỉ định thì có quyền nghỉ việc mà không cần báo trước. Người quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị sa thải ngay. Quy định mới này nhằm tạo cho người lao động có môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh.


Người lao động được bảo vệ nhiều quyền lợi hơn khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành. Trong ảnh: Sản xuất vải tại khu công nghiệp Bình Dương. Ảnh: HTD

2 Hết thời quan chức “hạ cánh an toàn”

Luật sửa đổi một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 có hiệu lực từ 1-7-2020. Bộ Nội vụ cho rằng thông qua việc định nghĩa lại về công chức trong luật thì 580.000 người không còn là công chức nữa, sẽ tiết kiệm cho ngân sách 290 tỉ đồng chi phí đào tạo mỗi năm, chưa kể các chi phí vô hình khác.

Đặc biệt, luật quy định cán bộ, công chức dù đã nghỉ hưu vẫn bị kỷ luật nếu có sai phạm. Khái niệm hạ cánh an toàn không còn nữa. Luật sửa đổi quy định rõ ràng rằng: Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác đều bị xử lý theo quy định.

Ngoài ra, hình thức kỷ luật xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm của cán bộ nghỉ hưu là hình thức kỷ luật mới được đưa vào luật để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng. Thực tế vừa qua nhiều cán bộ đã “hạ cánh” không thành công, buộc phải trả lại cho ngân sách những khoản tiền lớn. Ngoài ra, quy định mới này của luật còn có hiệu quả răn đe và phòng ngừa, tránh thất thoát tiền bạc và tránh gây xói mòn niềm tin của dân vào nhà nước.

Luật sửa đổi quy định thêm trường hợp cán bộ bị kết án tham nhũng cũng đương nhiên bị buộc thôi việc (thay vì bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo mới bị buộc thôi việc).

3 Đã uống rượu, bia thì đừng cầm lái

Khoản 6 Điều 5 Luật Phòng chống tác hại rượu, bia 2019 (có hiệu lực từ 1-1-2020) đã thống nhất nội dung trước đây còn nhiều ý khác nhau là: Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Tức là luật quy định rất rõ đã uống rượu bia thì không được lái xe.

Trước đây, người đi xe máy uống rượu, bia có nồng độ cồn dưới 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở; người đi xe đạp, xe xích lô... mà uống rượu, bia thì không bị coi là vi phạm pháp luật và không bị xử phạt.

Từ đây, hễ cầm lái thì cấm uống rượu, bia. Chỉ có người đi bộ hoặc nhờ người khác chở thì mới được tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia. Quy định mới ra đời với kỳ vọng có thể giảm sự mất mát và nỗi ám ảnh các vụ tai nạn luôn rình rập do người tham gia giao thông sau khi uống bia rượu gây ra.


Nghị định 75/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ 1-12-2019 đã bảo vệ  quyền cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các doanh nhân trẻ tiêu biểu ngày 18-12-2019 tại Hà Nội. Ảnh: HTD

4 Lá chắn thép bảo vệ chủ quyền trên biển

Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 (có hiệu lực từ 1-7-2019) cho phép cảnh sát biển được quyền hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam và truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.

Cảnh sát biển được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng chống tội phạm. Cảnh sát biển được truy đuổi tàu thuyền vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia hay khi thực hiện hợp tác quốc tế trong việc truy đuổi.

Pháp lệnh Cảnh sát biển 2008 đã áp dụng 20 năm qua được xem là có nhiều bất cập khi không quy định chức năng bảo vệ chủ quyền cho lực lượng cảnh sát biển. Pháp lệnh cũng không có quy định phối hợp giữa lực lượng này với lực lượng khác khi cần thiết và cũng không có quy định về phạm vi hoạt động của cảnh sát biển bên ngoài vùng biển Việt Nam.

Trong bối cảnh chủ quyền luôn bị nhòm ngó thì Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của những lá chắn thép vững chãi nhằm giữ gìn vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

5 Mức lương tối thiểu tăng nhiều nhất

Lần tăng lương tối thiểu này là tăng cao nhất trong các lần tăng: 110.000 đồng/tháng. Nghị định 90/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động làm việc ở doanh nghiệp tăng cao nhất đến 240.000 đồng/tháng. Nghị quyết 86/2019 của Quốc hội đã quyết tăng lư?ng c? s? l?n 1,6 tri?u ??ng/th?ng, k?o theo ?? l? l??ng h?u, tr? c?p b?o hi?m x? h?i, tr? c?p ơng cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng, kéo theo đó là lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng… cũng đồng loạt tăng.

Ngoài chuyện tăng lương cho phù hợp tốc độ tăng giá thì nhiều người hy vọng với lần tăng lương cao nhất này, người lao động sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và có động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của công việc.

6 Doanh nghiệp không lo bị cạnh tranh bẩn

Để thống nhất với quy định về mức phạt tiền tối đa của hành vi vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2019, có hiệu lực từ 1-12-2019. Nghị định này nâng mức phạt cạnh tranh không lành mạnh lên gấp 10 lần, phạt đến 2 tỷ đồng so với quy định cũ.

Trước đó, Luật Cạnh tranh 2004 không quy định cụ thể khung phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Còn Nghị định 71/2014 quy định mức phạt tiền tối đa với hành vi này chỉ là 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức.

Bên cạnh quy định về xử phạt, Luật Cạnh tranh 2018 cũng quy định chính sách khoan hồng đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh quốc gia phát hiện, điều tra, xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng. Chính sách khoan hồng là một nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận trong Luật Cạnh tranh, được xem như công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm phá vỡ các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trên thị trường.

7 Người nghèo xuất khẩu lao động được vay 100% vốn

Người nghèo mong đổi đời, cần một công việc chân tay ở nước ngoài nhưng không có tiền đi xuất khẩu lao động thì nay đã được hỗ trợ tối đa. Đó là Quyết định 27/2019 của Thủ tướng về chính sách đưa người lao động ở huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 25-10-2019).

Theo đó, người lao động có hộ khẩu thường trú từ 12 tháng trở lên tại các huyện nghèo, có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc và đã ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp… thì được vay ưu đãi.

Mức vốn vay tối đa bằng 100% chi phí người lao động đóng theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã ký, được vay vốn mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Lãi suất cho vay đối với người lao động đi xuất khẩu lao động bằng 50% vay vốn đối với hộ nghèo. Riêng người lao động khác tại huyện nghèo được vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo.

8 Điểm son trong cải cách hành chính

Thông tư 48/2019 của Bộ Công an về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2016 quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân như một điểm son trong cải cách hành chính.

Theo đó, từ ngày 1-12-2019, người dân được quyền kê khai trực tuyến khi đề nghị cấp căn cước công dân (CCCD). Khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD, người dân sẽ được đồng thời điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu.Việc điều chỉnh này thuộc thẩm quyền của công an cấp huyện.

Khi công dân xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo luật cư trú thì công an tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu của công dân, đồng thời với việc tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD. Cạnh đó, khoản 2 Điều 1 thông tư cũng bổ sung quy định hủy chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét…

9 Luật sư thoải mái thăm gặp thân chủ

Thông tư số 46/2019 của Bộ Công an (có hiệu lực ngày 2-12-2019 và thay thế Thông tư 70/2011) quy định trách nhiệm của công an liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ, bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, đương sự, người bị tố giác.

Đáng chú ý là cơ quan điều tra không còn làm khó luật sư bởi nhiều quy định đảm bảo quyền bào chữa của các thân chủ. Chẳng hạn, ngay từ khi tiếp nhận người bị bắt, bị tạm giam, giao nhận các quyết định tố tụng, điều tra viên phải lập biên bản ghi rõ ý kiến của người bị buộc tội về việc có nhờ người bào chữa hay không.

Luật sư có thể có mặt, ở bên cạnh người bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi được triệu tập lần đầu tiên đến làm việc.

Nhằm bãi bỏ quy định bất hợp lý, hạn chế thời gian gặp, làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong vòng một giờ, Thông tư 46 lần đầu tiên quy định việc gặp người bị tạm giữ, tạm giam của người bào chữa được thực hiện trong giờ làm việc của cơ sở giam giữ. Cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.

10 Tội phạm dâm ô hết đường chối cãi

Nghị quyết số 06/2019 hướng dẫn áp dụng các tội xâm hại tình dục của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, có hiệu lực từ 5-11-2019, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong việc xét xử tội xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi.

Nghị quyết giải thích rõ một số từ ngữ như “bộ phận khác trên cơ thể” là bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể không phải là bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm, ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi, mũi, gáy, cổ, bụng. Ngoài ra, một số hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục có thể là hôn vào miệng, cổ, vai, gáy... của người dưới 16 tuổi cũng là căn cứ để xử lý hành vi dâm ô.

Nghị quyết xuất phát và cũng mở đường cho việc xử lý vụ cựu viện phó VKSND TP Đà Nẵng dâm ô với bé gái trong thang máy tại quận 4, TP.HCM. Nghị quyết cũng gỡ vướng cho nhiều vụ án dâm ô người dưới 16 tuổi từng bị bế tắc trong việc đánh giá chứng cứ, xác định hành vi phạm tội trước đây.

Nguồn: plo.vn
Sưu tầm: Ngọc Song