Chuyện về thầy giáo mù Lê Trọng Tuấn

Ngày đăng: 06/12/2019 - 991 lượt đọc

Lớp học không phấn trắng, mực đen, không bút viết, vở ô ly, mỗi học sinh là một mảnh đời, người “chèo đò” chở những mảnh đời bé bỏng nhưng số phận không may mắn đến tương lai cũng là một người đặc biệt. Đó là lớp học của thầy giáo mù Lê Trọng Tuấn, ở Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề cho người mù Thanh Hóa.


Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác ở xã Đông Hoàng (Đông Sơn), thế nhưng, lên 3 tháng tuổi, căn bệnh sởi quái ác đã cướp đi nguồn sáng thiêng liêng nhất của cuộc đời Lê Trọng Tuấn. Từ ấy, Tuấn sống âm thầm trong bóng tối. Tưởng chừng như vô vọng trước số phận, nhưng năm 2000, Tuấn được Hội Người mù huyện Đông Sơn giới thiệu xuống Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề cho người mù Thanh Hóa để học lớp tiền hòa nhập. Và rồi, cuộc đời Tuấn đã bước sang một trang mới. “Lúc xuống trung tâm học tôi đã 12 tuổi, lần đầu tiên được biết tới trường, tới lớp, biết tới thầy, cô và có cả những người bạn đồng cảnh chia sẻ khó khăn, tôi thấy rất vui và háo hức. Cũng từ đây trong tôi có niềm tin, động lực và khát khao về một cuộc sống ý nghĩa hơn” – Tuấn chia sẻ.

Bắt đầu làm quen với chữ nổi Braille và sau một năm học với sự kiên trì, nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ Tuấn đạt kết quả tốt, được trung tâm giới thiệu ra Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội để học. Nhưng, vì điều kiện gia đình khó khăn nên Tuấn trở về địa phương học hòa nhập cùng với các bạn mắt sáng. Những ngày đầu học hòa nhập, Tuấn gặp muôn vàn khó khăn. Trong đó khó khăn nhất là tài liệu học tập, cách học và cả việc bị bạn bè trêu chọc. Tuấn tâm sự: “Trong trường phổ thông không có sách giáo khoa và tài liệu học cho người khiếm thị, chính vì vậy, tôi phải nhờ bạn bè đọc từng bài học trong sách giáo khoa để chép sang chữ nổi Braille lấy tài liệu học. Có những quyển sách tôi phải chép ròng rã mấy tháng trời mới xong...

Sau rất nhiều cố gắng, Tuấn dần thích nghi với môi trường học của những người mắt sáng. Đặc biệt, để có thể theo học với những bạn bình thường, Tuấn không ngừng tìm tòi, sáng tạo và xây dựng riêng cho mình một phương pháp học. Anh học bằng ý chí để khẳng định rằng “sống để thấy mình không vô nghĩa”. Rồi những năm học ở cấp tiểu học, THCS, THPT cũng nhanh chóng đi qua. Năm 2012, tốt nghiệp THPT với tấm bằng loại ưu cùng với giải Nhất cuộc thi viết văn Onkyo Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Lê Trọng Tuấn được tuyển thẳng vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Trong trường đại học có rất nhiều ngành học, nhưng Tuấn quyết định lựa chọn ngành công tác xã hội để theo học. Theo Tuấn, ngành học này phù hợp với mình, gần gũi với người khuyết tật và sau này ra trường có thể giúp những người yếu thế trong xã hội. Những năm tháng học đại học Tuấn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng anh đều vượt qua tất cả bằng chính nghị lực của mình. Và ở đấy Tuấn thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Những kiến thức anh nhận được thực sự hữu ích, giúp anh hiểu sâu sắc hơn về người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội.

Sau khi tốt nghiệp ra trường Tuấn đi gõ cửa nhiều cơ quan để xin việc, nhưng đều “bất thành” vì không có vị trí làm việc cho người khiếm thị. Rồi cơ duyên đã đưa Tuấn trở lại mái trường xưa – Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề cho người mù Thanh Hóa với cương vị là giáo viên dạy chữ nổi Braille cho các em khiếm thị. Đây thực sự là niềm mong ước cháy bỏng của Tuấn, bởi những năm tháng miệt mài học tập, anh luôn ấp ủ một ước mơ, sẽ có một ngày được làm thầy giáo, được đứng trên bục giảng dạy các em nhỏ có chung hoàn cảnh như mình. Lê Trọng Tuấn cho hay: “Mái trường xưa một lần nữa lại giang tay đón tôi. Tôi thấy rất hạnh phúc khi được trở về với mái trường xưa với các em nhỏ đồng tật thân yêu. Giờ đây tôi đã là một giáo viên dạy chữ Braille, tôi biết mình phải làm thế nào để có thể giúp các em vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống”. Những người mù trong độ tuổi lao động, học tập, nhất thiết phải được học chữ Braille. Bởi chữ Braille chính là phương tiện, điều kiện hữu ích nhất giúp người mù học tập, lao động và trở thành những người thực sự có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, vì vậy, trong mỗi tiết học thầy Tuấn luôn cố gắng giảng giải, động viên các em học sinh phấn đấu học tập. Mỗi khóa học qua đi, thầy lại rút ra được nhiều kinh nghiệm, thu được những kết quả tốt hơn. Hiện, thầy Lê Trọng Tuấn đang phụ trách giảng dạy môn Tiếng Việt cho 4 em khiếm thị lớp 2. Năm học trước thầy phụ trách dạy Tiếng Việt cho 6 em lớp 1; đồng thời, tham gia dạy lớp tin học cho người khiếm thị với 8 học viên theo học và dạy chữ nổi Braille tắt cho 15 học viên... Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Phạm Ngọc Quyết cho hay: Thầy giáo Tuấn là một giáo viên có nghị lực và ý chí tuyệt vời mà rất ít người khiếm thị có được. Anh rất yêu nghề và thực sự muốn gắn bó với nghề, gắn bó với các em nhỏ đồng tật. Những gì mà anh đã trải qua cùng với lòng hăng say lao động, cảm thông, chia sẻ với người đồng tật cho thấy anh thực sự là một tấm gương nhà giáo dạy chữ Braille tiêu biểu.

Quả thật, Lê Trọng Tuấn chính là tấm gương tiêu biểu cho những người giàu nghị lực, không chịu khuất phục trước số phận, một tấm gương dám nghĩ, dám làm, phấn đấu không ngừng nghỉ. Người ta vẫn bảo “giàu hai con mắt”, nhưng ở người thầy khiếm thị Lê Trọng Tuấn, sự “giàu có” nằm ở chính niềm tin, ở nghị lực phi thường.

Nguồn: tuoitrethanhhoa.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song