Doanh nghiệp ở Bình Dương mở “cánh cửa” việc làm cho người khuyết tật

Ngày đăng: 05/12/2019 - 1095 lượt đọc

Để thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đã tuyển dụng người khuyết tật vào làm với mức lương ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Cuộc sống khó khăn, chị Dương Thúy Kiều (30 tuổi, quê Bình Định) rời quê vào TPHCM, rồi sang Đồng Nai nhưng không xin được việc làm, bởi không tìm được việc phù hợp do bị khuyết tật ở chân, việc đi lại khó khăn. 3 năm trước, chị Kiều được bạn bè giới thiệu đến xin việc ở Công ty TNHH II-VI Việt Nam và được tuyển dụng. Với mức lương hàng tháng gần 6 triệu đồng, chị Kiều đã có thể tự lo cho bản thân để không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Không chỉ chị Kiều, mà tại Công ty TNHH II-VI Việt Nam hiện có khoảng 20 người khuyết tật được hưởng các chế độ tiền lương, phúc lợi giống như người lao động bình thường. Họ cũng được đào tạo tay nghề, ký hợp đồng lao động. Ngoài ra, công ty còn quan tâm tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật tham gia các hoạt động do đơn vị và công đoàn tổ chức như: hội thi văn nghệ, các môn thể thao…
Chị Kiều xúc động chia sẻ: “Khi công ty tạo việc làm, tôi có công việc làm ổn định nên rất vui. Tôi mong muốn công ty và mọi người giúp đỡ nhiều hơn nữa trong công việc”.  


Người khuyết tật tại Bình Dương được dạy nghề và giới thiệu việc làm.

Công ty TNHH Yazaki EDS có trụ sở tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đang là “ngôi nhà chung” của hơn 50 người khuyết tật. Tại đây, lao động khuyết tật được làm việc chung với những lao động bình thường. Theo ông Mai Phú Hùng, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty, để người khuyết tật hòa nhập vào môi trường làm việc công ty không đơn giản, những cán bộ ở đây đã cố gắng bằng cách “cầm tay chỉ việc”, rồi người khuyết tật cũ dạy nghề cho người mới. Để tránh sự kỳ thị, phân biệt giữa người khuyết tật và người bình thường, công ty không đặt ra cơ chế riêng.
Ông Mai Phú Hùng, cho biết: “Trong một dây chuyền có 50 người, công ty phân bổ 2 - 3 người khuyết tật làm rải rác các công đoạn. Làm việc chung với những người bình thường, người khuyết tật sẽ nỗ lực cố gắng hơn trong công việc. Bên cạnh đó, bản thân họ không cảm thấy tự ti, mặc cảm khi bị phân biệt”.
Ngoài 2 công ty trên, ở Bình Dương hiện còn một số doanh nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm cho người khuyết tật như: Công ty Minh Long, Cường Phát... Đó là việc làm ý nghĩa mở ra “trang sách mới” để người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng, từ bỏ tự ti, mặc cảm.
Theo thống kê trên địa bàn Bình Dương có trên 16.000 người khuyết tật, trong đó rất nhiều người ở độ tuổi lao động. Để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Bình Dương chú trọng dạy nghề phù hợp với khả năng của từng người, đồng thời cũng là nghề mà thị trường đang có nhu cầu như: May, điện, đồ họa... Hiện, mỗi năm trung tâm giới thiệu khoảng 30 người vào làm tại các công ty, cơ sở sản xuất lớn, nhỏ trong tỉnh.


Lao động khuyết tật tại Công ty II-VI vui vẻ nhận những phần quà ý nghĩa.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật-Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ với người khuyết tật. Bởi, họ cho rằng, người khuyết tật không có khả năng làm tốt công việc; không chịu được áp lực công việc, không thể đi công tác xa, sức khoẻ yếu. Ông Nam hy vọng, thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ có suy nghĩ thoáng hơn và “dang rộng đôi tay” đón những mảnh đời khiếm khuyết vào làm.
“Việc doanh nghiệp nhận những người khuyết tật vô làm còn hạn chế. Do đó, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp cố gắng thu hút nhiều lao động người khuyết tật để giúp họ có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng một cách tự tin, góp phần vào an sinh xã hội”, ông Nguyễn Văn Nam cho hay.
Được biết, Luật Người khuyết tật có hiệu lực từ năm 2011 với quy định doanh nghiệp nhận từ 30% người khuyết tật trở lên sẽ có những hỗ trợ. Chưa nhận được ưu đãi từ chính sách, doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động khuyết tật vẫn phải thực hiện chế độ ưu đãi về giờ làm, giờ nghỉ cho lao động khuyết tật theo quy định của pháp luật. Điều này gây trở ngại, khó khăn cho các doanh nghiệp nên không muốn tuyển dụng lao động khuyết tật vào làm việc. Để khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật cần có chính sách ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp sẽ cởi mở hơn trong việc tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc./.

Nguồn: vov.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song