Công tác xã hội - nghề nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp đối với người khiếm thị

Ngày đăng: 29/11/2019 - 4689 lượt đọc

Đào tạo nghề công tác xã hội cho người khiếm thị sẽ nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động trợ giúp đối với cộng đồng người khiếm thị và từng bước phát triển tổ chức Hội trong giai đoạn mới hiện nay

Hội thảo “Nhu cầu đào tạo nghề công tác xã hội cho người khiếm thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội”. Ảnh PV

Công tác xã hội là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình, cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực, dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình, cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ở Việt Nam, công tác xã hội là một nghề mới phát triển nhưng đã phát huy được những thế mạnh trong lĩnh vực trợ giúp xã hội đối với cộng đồng người yếu thế. Chính vì vậy, ngày 25 tháng 3 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Đặt ra là đến năm 2020, mỗi năm nước ta đào tạo và đào tạo lại 3500 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cũng là một bước phát triển đối với ngành công tác xã hội ở Việt Nam.

Đối với người khiếm thị, công tác xã hội là một nghề tương đối phù hợp và thuận lợi trong quá trình tiếp thu cũng như trong quá trình thực hiện các hoạt động của nghề. Đặc biệt, khi đào tạo nghề công tác xã hội cho người khiếm thị là tạo ra những nhân viên công tác xã hội là chính đối tượng “thân chủ” của nghề. Khi người khiếm thị được đào tạo nghề công tác xã hội sẽ tạo ra giá trị kép những giá trị nhiều hơn là tạo việc làm hay tăng cường khả năng trong việc giải quyết các vấn đề cho bản thân người học. Người khiếm thị sau khi học xong nghề công tác xã hội sẽ có chương trình hoạt động và dịch vụ trợ giúp xã hội cho cộng đồng những người khiếm thị ngày càng phát triển.

 Trải qua hơn 50 năm thành lập và phát triển, Hội Người mù Việt Nam đã có đội ngũ cán bộ hội làm công tác hội nhiều năm, thực hiện nhiều chương trình hoạt động trợ giúp người khiếm thị đạt kết quả cao. Nhưng để có thể nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động trợ giúp đối với người khiếm thị và từng bước phát triển tổ chức Hội, thì việc đào tạo nghề công tác xã hội đối với cán bộ hội viên là rất cần thiết trong giai đoạn mới hiện nay.

Chính vì vậy, trong thời gian tới các cấp tổ chức Hội cần chú trọng hơn đến việc đưa chương trình đào tạo, tập huấn nghề công tác xã hội cho cán bộ, hội viên của mình. Khi được đào tạo nghề công tác xã hội, các cán bộ hội sẽ có được những kỹ năng trợ giúp, kỹ năng xây dựng các chương trình, hoạt động trợ giúp những đối tượng yếu thế một cách chuyên nghiệp nhất. Tổ chức những chương trình hoạt đọng phát triển cộng đồng yếu thế của mình và xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển. Đồng thời kiến nghị với nhà nước trong việc thúc đẩy môi trường chính sách an sinh xã hội một cách phù hợp cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng để họ có cơ hội phát huy khả năng của mình. Từ đó, cải thiện chất lượng dịch vụ trợ giúp đối với cộng đồng người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng góp phần vào xây dựng mạng lưới nghề công tác xã hội ở Việt Nam ngày càng phát triển. Vì thế có thể khẳng định rằng, khi người khiếm thị được đào tạo và có đủ năng lực của một nhân viên công tác xã hội họ sẽ phát huy những kiến thức, kỹ năng nghề góp phần vào nâng cao chất lượng trợ giúp đối với người khiếm thị.

Bùi Ngọc Song