Công tác ở ĐH quốc tế, người đàn ông khiếm thị chạnh lòng khi bị hỏi 'làm massage ở đâu?'

Ngày đăng: 02/06/2022 - 1405 lượt đọc

Mặc quần áo chỉnh tề, cầm cây gậy chỉ đường dành cho người khiếm thị, không ít người nghĩ anh Nguyễn Tuấn Tú (29 tuổi) là nhân viên massage của cơ sở nào đó.

Bình thường hóa khiếm khuyết

Hồi học tiểu học, anh Tú cũng như nhiều học sinh khác, có thể cầm bút viết chữ. Song càng lớn, mắt anh càng yếu dần do nhiều chẩn đoán bị thoái hóa thần kinh thị giác, rung giật nhãn cầu, viêm võng mạc sắc tố,... Đến nay, anh Tú chỉ có thể quan sát xung quanh bằng cách dựa vào sự tương phản của các màu sáng tối và suy đoán chúng là gì trong từng bối cảnh.

Đi khám, bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp ít thấy, đôi mắt sẽ yếu dần theo thời gian và có ngày sẽ mất hoàn toàn thị lực. Kể từ khi bị bệnh, anh trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Nhưng thay vì trốn tránh và ỉ lại, anh Tú tìm cách thích nghi, học cách sử dụng các giác quan khác và tập các kỹ năng thích nghi để đảm bảo cuộc sống không quá xáo trộn.

"Khi học cấp 3, thị lực đã bị suy giảm khá nhiều. Bạn bè và người thân thường nói tôi thiệt thòi vì không có đôi mắt sáng, nhưng tôi thường nghĩ theo chiều ngược lại: Nếu mắt khỏe mà dính vào tệ nạn đua xe, hút chích thì sao? Thôi thì cứ coi việc khiếm thị là một điều may mắn, ít nhất cũng không cho mình cơ hội để dính vào tệ nạn.

Tôi vẫn nghĩ mình cũng như bao người khác, không bi quan và chăm chỉ tìm tòi mọi thứ trên Youtube. Tôi tìm cách học tiếng Anh, mong được vào đại học để học công nghệ thông tin. Nhưng việc vào đại học không đơn giản vì có rất ít trường nhận người khiếm thị, dù kết quả học bạ rất tốt", anh Tú kể.


Anh Nguyễn Tuấn Tú luôn mặc đồ chỉnh tề dù đôi mắt không thấy rõ.

Vài tháng chờ đợi kết quả vào đại học, Tuấn Tú như ngồi trên đống lửa song vẫn bị nhiều trường từ chối. May mắn, anh được người quen giới thiệu vào một trường quốc tế ở TP. HCM.

“Hai năm đầu tôi phải tự “bơi” vì trường chưa có bộ phận hỗ trợ người khuyết tật. Tôi và giáo viên sau đó cùng tìm cách để thích nghi, làm sao có thể dùng các công cụ hỗ trợ giúp sử dụng thuần thục máy tính, điện thoại để học các kiến thức chuyên ngành”, anh Tú cho hay.

Việc một người khuyết tật đi học đại học không phải hiếm, thậm chí ngày càng đông. Nhưng đa số đều lo lắng liệu sau khi ra trường có thể tìm được việc làm hay không. Anh Tú cũng đặt ra câu hỏi này và chuẩn bị tâm thế “chiến đấu”.

“Thời điểm ra trường, “trò chơi” giống như lặp lại từ đầu. Tôi phải kiếm chỗ nhận mình, đồng thời mình cũng phải cho họ thấy khả năng làm việc và hòa nhập được với môi trường đó. Người ta nói đôi mắt của tôi là rào cản, nhưng tôi nói mình sẽ đi đường vòng”, anh tự tin.

Cuộc phỏng vấn chưa đến 3 phút

Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Tuấn Tú nắm trong tay năng lực và sự tự tin nhưng không ít lần bị từ chối cơ hội làm việc vì tình trạng thị lực của mình.

“Nếu trong hồ sơ ghi tình trạng khiếm thị thì công ty nào cũng lập tức từ chối, không cho phỏng vấn nữa. Nếu không ghi thì hầu hết họ hẹn lịch gặp. Nhưng khi đến, họ biết mình bị khiếm thị thì thay đổi không khí luôn. Thậm chí có một cuộc phỏng vấn kết thúc luôn trong vòng 3 phút mà chưa cần hỏi gì, chưa cần biết tôi có khả năng hay không. Họ nói thẳng: Có vẻ em không phù hợp với công việc.

Nhiều công ty cũng chia sẻ lịch sự rằng nếu nhận tôi thì phải phần nào đó thay đổi môi trường, phạm vi công việc, và có thể sẽ ảnh hưởng đến công việc của những đồng nghiệp khác. Chưa tính tới chuyện còn phải xin ý kiến các sếp nên sẽ rất rườm rà và mất thời gian”, anh Tú kể.

Sau khoảng thời gian dài kiên trì, Tuấn Tú được một công ty nhận làm kỹ sư tin học, sau đó chuyển vị trí giám sát đa dạng và hòa nhập để có nhiều cơ hội làm việc với người khuyết tật.

Dù một ngày đi làm mất hơn 4 tiếng để di chuyển (từ TP.HCM đến Biên Hòa) nhưng anh không bỏ cuộc vì công việc này giúp anh nhiều về mặt tương tác với các tổ chức xã hội và hòa nhập cộng đồng.


Anh Tú dùng các công cụ trên máy tính và điện thoại để làm việc trong căn phòng tối.

Cuối năm 2021, thấy trường Đại học quốc tế RMIT cơ sở Hà Nội tuyển vị trí phù hợp, anh ứng tuyển rồi ra ngoài Bắc làm việc tư vấn và hỗ trợ sinh viên. Đến nay, nhiều đồng nghiệp và sinh viên vẫn không giấu nổi sự ngạc nhiên vì trường có nhân viên là người khiếm thị.

“Dù bị khiếm thị nhưng tôi có thể dùng các phần mềm hỗ trợ để đọc email, nhắn tin, xử lý công việc như người bình thường. Tôi cố gắng để mọi người nhìn nhận đúng vào khả năng làm việc thay vì chú ý vào tình trạng thị lực của mình. Hầu hết mọi việc đều được xử lý tốt”, Tuấn Tú chia sẻ.

Thoát khỏi tư duy cũ về người khuyết tật

Dù đã cố gắng bình thường hóa khiếm khuyết của mình nhưng không ít lần anh Tú gặp phải tình huống dở khóc dở cười vì mọi người xung quanh nghĩ mình là người yếu thế.

Nhiều lần mặc quần áo chỉnh tề và mang theo gậy dẫn đường, anh Tú vẫn bị mọi người hỏi: “Em làm massage ở đâu?”.

“Có thể nhiều người rập khuôn chuyện người khiếm thị làm massage hoặc làm những công việc ít sáng tạo. Tuy nhiên, mình cũng không trách vì đó là điều mà họ thấy rất nhiều xung quanh. Mình cũng không buồn bã mà sẽ cho mọi người thấy mình làm được gì”, chàng trai 29 tuổi chia sẻ.


Anh Tú cố gắng để mọi người có góc nhìn khác về người khuyết tật.

Càng gặp những tình huống đó, anh Tú càng muốn mọi người thoát khỏi tư duy rập khuôn. Từ khi làm trong môi trường giáo dục, anh không chỉ giúp các bạn sinh viên khuyết tật hòa nhập với môi trường đại học mà còn hướng đến xây dựng các hoạt động mở, tăng tương tác giữa sinh viên khuyết tật với các tổ chức bên ngoài.

“Khi thấy người khuyết tật, hầu hết ai cũng nghĩ họ đáng thương, họ bị hạn chế nên không thể tiếp thu kiến thức, không làm được việc. Nhưng không phải ai cũng biết người khuyết tật có nhiều công cụ để giúp họ học hỏi và làm việc bình thường. Có nhiều người trong cộng đồng khuyết tật chỉ đơn giản là có khiếm khuyết về mặt thể chất (chân, tay, tai, mắt,..) nhưng trí não thì phát triển bình thường. Nếu không nhìn nhận vào khả năng của họ thì cơ hội làm việc và đóng góp cho xã hội của người khuyết tật sẽ bị mất đi rất nhiều.

Đó là lý do tại sao tôi muốn thay đổi nhận thức trong cộng đồng, đặc biệt là khối doanh nghiệp về khả năng của người khuyết tật. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp có sự hiện diện của người khuyết tật có thể khó nhưng các nước phát triển đã làm được. Hy vọng một ngày không xa, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ làm được điều này để người khuyết tật có cơ hội được phát huy năng lực”, anh Tú chia sẻ.

Để làm được điều đó, anh Tú cũng hỗ trợ phía sinh viên khuyết tật để họ hiểu mình cần tự tin để đứng vững mà không cần sự chống đỡ, hiểu mình cần nỗ lực thế nào để có thể cạnh tranh với các nhân lực khác. Có như vậy, thì xã hội nói chung và các doanh nghiệp nói riêng mới có cái nhìn tích cực hơn về nhóm người yếu thế, xã hội cũng không nghĩ người khuyết tật là gánh nặng.

Nguồn: Báo mới

Sưu tầm: Bùi Ngọc Song

 


Bình luận

Viết bình luận