Đưa CMND cho nhà hảo tâm 'làm hồ sơ nhận tiền' rồi bàng hoàng bị... đòi 80 triệu

Ngày đăng: 05/11/2019 - 840 lượt đọc

Cho nhà hảo tâm 'dỏm' mượn CMND, người dân tá hỏa vì sau đó bị đòi 80 triệu đồng 'đã vay'. Công an cảnh báo đây là chiêu lừa đảo, người dân cần cảnh giác.


Gia đình bà Mum bị tổ chức tín dụng đòi nợ sau khi tin tưởng đưa CMND cho nhà hảo tâm “dỏm” - Ảnh: N.TÀI

Một người tự xưng là nhà hảo tâm cần tìm những gia đình nghèo, khuyết tật để cho tiền, phát quà. Sau đó, người này dụ dỗ mượn giấy chứng minh nhân dân để làm "hồ sơ" nhận quà từ thiện, nhưng vài tháng sau tiền tài trợ đâu chẳng thấy, người dân tá hỏa vì bị nhân viên tín dụng đến tận nhà đòi nợ vay.
Đó là chiêu lừa đảo nhắm vào người nghèo, người khuyết tật xảy ra trên địa bàn huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) đang được Công an huyện cảnh báo.

Hứa cho tiền lại bị...đòi nợ!
Bà Trần Thị Mum (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) có một người con tên Đức bị bệnh nằm một chỗ. Cách đây vài tháng, một người hàng xóm của bà Mum dẫn đến nhà một người đàn ông tự xưng là nhà hảo tâm muốn tìm hiểu hoàn cảnh của con bà để tặng quà, cho tiền chữa bệnh.
Bà Mum mừng rỡ cung cấp thông tin, cho chụp ảnh gia đình, chụp ảnh con bà. Sau đó, người này gợi ý muốn xem chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu gia đình, bà Mum cũng tin tưởng đưa. 
Không lâu sau, người đàn ông này tiếp tục quay lại đề nghị bà cho mượn CMND của con bà để làm hồ sơ nhận tiền. Bà đồng ý đưa CMND cho người đàn ông này.
"Tin tưởng, tôi đưa hết giấy tờ, CMND cho họ làm hồ sơ. Hi vọng được nhận tiền tài trợ thì bất ngờ một thời gian sau có hai nhóm người đến nhà tôi tìm thằng Đức con tôi, họ nói nó vay tiền mỗi chỗ 40 triệu đồng, tổng cộng là 80 triệu đồng. 
Họ hỏi sao tháng đầu có đóng tiền ngon đúng hạn mà tháng này không đóng. Mà họ còn nói vợ thằng Đức đứng ra vay trong khi nó nằm một chỗ có vợ hồi nào đâu. Tôi nghe mà muốn xỉu luôn" - bà Mum cho biết.
Gia đình bà Mum phân trần với nhân viên thu hồi nợ, dẫn họ đến tận giường bệnh xem. Lúc đó, nhân viên tín dụng mới tin là gia đình bà Mum bị lừa, hồ sơ vay tiền là giả mạo. 
"Chú nhân viên đó kêu tôi báo công an liền. Mấy bữa nay, nhà tôi ai cũng rầu lo. Đã nghèo khổ, con bệnh tật mà giờ lòi ra cục nợ 80 triệu không phải mình vay" - bà Mum than.
Gần nhà bà Mum, gia đình anh Trần Văn Bình cũng "sập bẫy" tương tự khi bỗng dưng anh bị nhân viên tín dụng đến đòi nợ vay 40 triệu đồng. Anh Bình liền lục tìm giấy tờ tùy thân thì phát hiện trước đây có đưa CMND cho một "nhà hảo tâm" đến tìm hiểu hoàn cảnh gia đình anh. Họ cũng yêu cầu nộp CMND, sổ hộ khẩu để làm hồ sơ xin tài trợ cho gia đình nghèo, tin lời nên anh đã đưa.
"Họ nói sẽ tranh thủ giúp gia đình tôi sớm vì hoàn cảnh khổ quá. Mình có biết đâu vì mình nghèo, ai cho được gì thì mình biết ơn, chứ có nghi ngờ gì đâu" - anh Bình kể.

Hợp đồng vay không có giá trị
Hiện tại, vụ việc đang được Công an huyện Tam Nông điều tra. Ngoài ra, Công an huyện đã gửi bản tin cảnh giác đến Đài truyền thanh huyện để thông báo cho người dân biết, phòng ngừa. Phòng xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Đồng Tháp cũng đã phát đi thông tin cảnh giác đến người dân.
Ông Nguyễn Văn Xăng - bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Phú Cường - cho biết hầu hết nhà tài trợ, nhà hảo tâm tặng quà, hỗ trợ người dân khó khăn đều thông qua UBND xã. Sau đó, UBND xã giao cho Mặt trận Tổ quốc thông tin đến các ấp để xét chọn những trường hợp khó khăn thực sự. 
"Người dân phải hết sức cảnh giác, không có nhà tài trợ, nhà hảo tâm nào đòi lấy hộ khẩu, CMND cả" - ông Xăng nói.
Liên quan đến món nợ mà người dân không vay, ông Xăng cho biết: "Các tổ chức tín dụng tự dưng nói người dân vay nhưng hồ sơ không phải người dân ký thì không thể đòi người dân trả được. Mà sao cho vay đâu dễ dàng dữ, cũng phải xem xét lại tổ chức tín dụng có phối hợp với những người lừa đảo đó không. Còn nếu là "tín dụng đen" đến hù dọa, bắt ép người dân trả trợ thì chính quyền địa phương sẽ làm việc với những người đó".
Về mặt pháp lý liên quan đến các khoản vay trên, luật sư Trương Xuân Tám (chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết trường hợp này hợp đồng vay vốn bị vô hiệu, không có giá trị. Hành vi của nhóm người "mượn" CMND người khác rồi làm hợp đồng vay của tổ chức tín dụng đã có dấu hiệu của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
"Có thể người dân không ký hoặc có ký vào một loại giấy tờ gì đó nhưng sơ ý không xem kỹ, sau đó bị các đối tượng lừa đảo thêm vào những nội dung bất lợi như ủy quyền vay vốn, cam kết vay vốn. Những hợp đồng đó bị vô hiệu, không có giá trị. Vì các hợp đồng dân sự vay mượn trên nguyên tắc phải tự nguyện, bình đẳng. Nếu người dân không biết việc này thì rõ ràng họ đã bị lừa dối" - luật sư Tám phân tích.
Về phía người dân, theo luật sư Tám, nếu gặp phải trường hợp này thì phải bình tĩnh không trả tiền cho tổ chức tín dụng. Đồng thời tố giác ngay đến cơ quan công an để làm rõ các vấn đề như căn cứ nào để họ đòi tiền, hợp đồng, giao kết ở đâu, giấy tờ thật hay giả, chữ ký có đúng không...

Chưa xác định được "tổ chức tín dụng" nào cho vay
Ông Nguyễn Văn Xăng - bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Phú Cường - cho biết công an xã đã tiếp nhận thông tin vụ việc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định cụ thể tổ chức tín dụng nào đã cho vay hay đó là "tín dụng đen", cho vay nặng lãi. Về phía người dân cũng không xác định được đó là tổ chức nào cho vay.

Nhiều hồ sơ vay giả mạo
Chị H., nhân viên một tổ chức tín dụng, cho biết theo quy định hồ sơ vay tiền phải qua ba bước: nhân viên nhận hồ sơ (trực tiếp từ người vay làm hồ sơ, không được làm thay), thẩm định qua điện thoại, thẩm định tại nhà.
Việc giải ngân tiền là giải ngân cho người vay qua thẻ ATM hoặc nhận tiền tại bưu điện bằng CMND. Tuy nhiên, chị H. cũng thừa nhận do chạy theo doanh số nên nhiều nhân viên làm hồ sơ "dễ dãi", nhận hồ sơ "phà phà". Thậm chí còn phát hiện người vay xài CMND giả (thay ảnh).
"Những trường hợp hồ sơ giả này nếu nhân viên thu hồi nợ hù dọa được người dân để họ đóng tiền thì tốt, không thì thôi luôn vì bản thân tổ chức tín dụng lợi nhuận rất cao, 10 hồ sơ đòi được 6-7 hồ sơ là đạt rồi" - chị H. chia sẻ.

Nguồn: tuoitre.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song