Khởi nghiệp từ những lớp học đặc biệt

Ngày đăng: 12/11/2019 - 813 lượt đọc

Vào Chung kết SDG Challenge 2019 - cuộc thi khởi nghiệp đầu tiên về giải pháp cho người khuyết tật Việt Nam, hay Chương trình Én Xanh 2019 là sự khích lệ đầy ý nghĩa dành cho Lớp học Cánh diều cũng như Trung tâm Giáo dục và Hướng nghiệp True Love của các bạn trẻ bị khuyết tật trí tuệ...


Chị Lê Thị Minh Hằng và học trò. (Ảnh: Quỳnh Anh)

Hội tụ những cánh diều
Là một giáo viên trẻ được đào tạo về giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ, Ngọc Anh hiểu rõ những khó khăn và vất vả mà các em cũng như gia đình phải đối mặt trong cuộc sống. Đồng cảm với hoàn cảnh của các em, chị và một số đồng nghiệp đã chung tay xây dựng một mô hình hỗ trợ, hướng nghiệp và kết nối việc làm cho người khuyết tật trí tuệ mang tên “Lớp học Cánh diều”.
Mục đích là xây dựng mạng lưới kết nối và giới thiệu việc làm cho các bạn trẻ bị khuyết tật trí tuệ. Để thực hiện được điều này, chị đã vạch ra hai con đường, cũng là hai hoạt động chính cho lớp học.
Việc đầu tiên, lớp học cần cung cấp các tư vấn can thiệp, mở các lớp kỹ năng hoạt động cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Đây là tiền đề để các em nâng cao năng lực và giá trị của bản thân, mở rộng mạng lưới, tiếp cận nhu cầu của nhóm đối tượng.
Việc thứ hai, lớp học sẽ tạo công việc thử nghiệm cho các em, để có sự quan sát, đánh giá những công việc phù hợp, cũng như các điểm đặc biệt khi làm việc với các bạn khuyết tật trí tuệ.
Hiện tại, Lớp học Cánh diều tự tay làm và cung cấp học liệu dạy trực quan cho các học viên. Với tình yêu và mong muốn đóng góp hiểu biết cho xã hội, các sản phẩm đều được chăm chút, hoàn thiện bởi bàn tay của trẻ khuyết tật trí tuệ.
“Cánh diều thể hiện cho ước mơ của các em bay cao, bay xa. Không chỉ hướng nghiệp và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật trí tuệ, chúng tôi mong muốn sẽ là cầu nối đáng tin cậy giữa học viên với nhà tuyển dụng. Trong tương lai gần, lớp học có định hướng để trở thành địa chỉ uy tín, mỗi tháng có thể giới thiệu việc làm cho 10-20 em", Ngọc Anh chia sẻ.
Việc lọt vào Chung kết SDG Challenge 2019 do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tại Việt Nam đã mang lại cho Ngọc Anh và đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp quý giá.

Cảm nhận tình yêu thực sự
Có một thực tế là hầu hết các trung tâm chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật tại Hà Nội hiện chỉ tập trung vào mảng can thiệp sớm và hỗ trợ học đường. Đặc biệt, Hà Nội chưa có bất kỳ trung tâm, trường học nào tập trung đào tạo hướng nghiệp nghề cho các bạn trẻ khuyết tật trí tuệ trong độ tuổi từ 14 đến 24 - giai đoạn cần tác động nhất trong quá trình trưởng thành và phát triển nhân cách, tâm sinh lý.
Bởi vậy, chị Lê Thị Minh Hằng luôn trăn trở và suy nghĩ về tương lai của các em. Các em sẽ sống phụ thuộc vào bố mẹ đến bao giờ, làm gì khi trưởng thành, có tự bảo vệ được mình khi bị xâm hại, lợi dụng hay không?
Ý nghĩa đó đã thôi thúc chị cho ra đời Trung tâm Giáo dục và Hướng nghiệp True Love nhằm hỗ trợ phát triển tâm sinh lý, tìm ra điểm mạnh của từng em, tạo công ăn việc làm ổn định giúp các em có thể tự nuôi bản thân từ chính bàn tay và trí tuệ của mình.
Dù mới thành lập nhưng Trung tâm hiện đã được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của nhiều phụ huynh, chuyên gia trong nước và Hàn Quốc trong việc xây dựng giáo trình đào tạo nghề.
Hiện nay, True Love đã tuyển sinh được 25 học viên từ 14 đến 24 tuổi. Hai lĩnh vực nghề chính của True Love hướng đến là dạy phục vụ ăn uống như pha chế, làm bánh, bưng bê và dạy đóng gói sản phẩm, trang trí quà. Với mục đích là trung tâm xã hội phi lợi nhuận, chị Hằng mong muốn True Love được sự ủng hộ của cộng đồng, chuyên gia, doanh nghiệp để có thể hỗ trợ và đào tạo nghề cho nhiều trẻ tự kỷ khác trên toàn đất nước.
Mới đây, tại chương trình tôn vinh sáng kiến bền vững Én Xanh tại Hà Nội, chị Hằng và các học trò của mình đã giới thiệu những món quà handmade xinh xắn. Chị Hằng vui mừng khi thấy các em sống vui vẻ, tự tin hơn, tìm thấy ý nghĩa trong công việc và gói trọn tình yêu trong những sản phẩm của mình.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, người khuyết tật trí tuệ chiếm 20–25% tổng số người khuyết tật. Tổ chức Autism Speaks cũng chỉ ra rằng hàng năm sẽ có khoảng 50.000 người tự kỷ trưởng thành. Những người tự kỷ trưởng thành, khuyết tật trí tuệ tại Việt Nam thường khó tìm công việc phù hợp, hay sẵn sàng đề có cuộc sống độc lập, tự chủ.

Nguồn: baomoi.com
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song