Người khuyết tật thời 4.0: Khẳng định mình từ đam mê

Ngày đăng: 10/12/2021 - 1261 lượt đọc

Máy tính, thiết kế đồ họa... vừa là niềm yêu thích, vừa là cơ hội để người khuyết tật tự vươn lên và khẳng định mình trong cuộc sống.

Lần đầu tiên tôi gặp anh Dương Tuấn Nam (29 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) là khi TP.HCM chưa bùng dịch Covid-19 đợt 4. Lúc ấy, hẹn gặp nhau trong một quán nước cách nơi anh Nam ở trọ tầm 2 km, tôi đi xe máy còn anh Nam đi xe ôm công nghệ đến chỗ hẹn. Nhân vật tôi muốn trò chuyện này là một trong số những người khiếm thị đầu tiên theo đuổi ngành khoa học máy tính tại Việt Nam.

Anh Dương Tuấn Nam hướng dẫn cách sử dụng ứng dụng đọc màn hình để hỗ trợ sinh hoạt, công việc

 

Tiên phong theo đuổi công nghệ

Lúc anh Nam học xong THPT và còn băn khoăn trước ngưỡng cửa đại học, nhiều người xung quanh khuyên anh nên chọn nghề nào đó “nhẹ nhàng” hơn như ngành sư phạm. Nhưng anh Nam quả quyết mình chỉ thích 2 ngành là khoa học máy tính và luật. Cuối cùng, anh quyết định chọn học khoa học máy tính ở Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM.

“Bản năng tôi tò mò, ham thích khám phá cái mới. Tôi hay lên diễn đàn người khiếm thị lập trình nước ngoài để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mới biết ở Việt Nam mình hiếm người khiếm thị làm IT. Theo đuổi ngành này rõ ràng nguy hiểm, nhưng nó cũng là cột mốc mới của cuộc đời tôi. Gia đình tôi trước nay vẫn luôn ủng hộ quyết định của tôi”, anh Nam lý giải.

Trong thời gian học đại học, anh Nam đôi lần kiểm tra lại xem thật sự mình có còn thích thú với nghề này hay không. “Tôi có đi làm massage, phục vụ quán ăn, nhà hàng đêm bán thời gian. Nhưng tôi thấy không phù hợp nên giữ vững lập trường, đam mê”, anh Nam nói.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2017, anh Nam gửi hồ sơ ứng tuyển ở một số công ty và cam kết “sẽ cố gắng hết mức có thể như người không khuyết tật”. Cuối cùng, sau 2 tháng thử việc, anh Nam chính thức vào vị trí kỹ sư phần mềm của một công ty dịch vụ phần mềm lớn tại Việt Nam.

“Mấy năm qua, tôi vẫn hài lòng với môi trường làm việc, một là vì phù hợp với sở thích của mình; hai là ở một công ty lớn, tôi luôn có nhiều trải nghiệm mới mẻ. Đến nay thì tôi chuyển qua lập trình web”, anh Nam cho biết.

Gia đình ở TP.HCM nhưng anh Nam tự lập, ra trọ sống một mình đã mấy năm. Một ngày làm việc của anh Nam đơn giản, sáng sớm, anh bắt xe buýt đi làm từ phòng trọ đến trụ sở cơ quan, chiều tan tầm lại đón xe buýt về. 5 tháng ròng dịch giã, anh làm online tại nhà.

“Khó khăn chung của nghề này chính là phải đáp ứng theo nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp. Mình khiếm thị nên lập trình máy tính cần sự tương trợ của các phần mềm. Nhưng một số phần mềm hỗ trợ không tương thích, không hoạt động được với người khiếm thị. Chưa kể, các công cụ làm việc chủ yếu là của nước ngoài, vì vậy sẽ mất nhiều thời gian để làm quen, sử dụng chúng”, anh Nam kể.

Tôi ngưỡng mộ anh Nam vì anh là người nghị lực, tự chủ và tự trọng với cuộc sống của mình. Anh Nam còn chia sẻ, anh mới xin thành công học bổng du học thạc sĩ ngành khoa học máy tính; nếu không có gì trở ngại thì năm sau anh sẽ đi du học. “Tôi tin bên cạnh yếu tố “điều kiện xã hội” thì phần lớn thành công phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân người khuyết tật”, anh Nam nói.

 

Sợ nhất là không có kiến thức

Thị trường lao động từng chứng kiến sự bùng nổ của ngành thiết kế đồ họa (làm việc trên các công cụ đồ họa máy tính, sử dụng hình ảnh, chữ viết, màu sắc... để truyền tải thông điệp truyền thông). Chục năm trước, chị Phạm Hồng Nhung (30 tuổi, ngụ TP.HCM, khuyết tật vận động, câm) đã bén duyên với nghề này. Chị chia sẻ: “Ba tôi thiết kế mẫu thêu vi tính (phương pháp thêu dựa theo một chương trình được điều khiển bởi hệ thống máy tính chuyên dụng - PV). Có lẽ kế thừa ba, từ nhỏ, tôi đã đi thi nhiều cuộc thi vẽ. Khi lớn lên, định hướng nghề nghiệp của tôi vẫn liên quan đến vẽ, thiết kế”.

Công việc đầu tiên của chị Nhung là graphic designer - thiết kế đồ họa. Sau đó, chị học thêm về Front-end Development (phát triển xây dựng giao diện một website tĩnh, tạo nền tảng trải nghiệm cho người dùng - PV) và chuyển hẳn qua UI/UX (User Interface/User Experience - thiết kế giao diện/trải nghiệm người dùng). Hiện chị Nhung thiết kế giao diện web, ứng dụng cho một công ty sản xuất bánh mì ở Q.Bình Thạnh.

 

Không bỏ cuộc

Bốn năm qua, anh Trần Thành Hiếu (37 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) sống nhờ vào nghề thiết kế đồ họa theo nhu cầu của các hội nhóm trên các diễn đàn, mạng xã hội.

“Tôi bại liệt từ nhỏ, học kèm đến lớp 3 thì nghỉ. Từ đó về sau chỉ ở nhà, đến năm 25 tuổi, tôi xin được chiếc xe lắc tay để đi bán vé số. Bán được 10 năm, tôi dành dụm tiền mua laptop vì thích vi tính quá. Một lần bán vé số, tình cờ gặp được một người chị làm trong chi hội người khuyết tật địa phương. Chị hỏi có biết xài máy tính không vì hiện giờ có học bổng đào tạo nghề cho người khuyết tật tại tỉnh”, anh Hiếu kể.

Anh Hiếu đăng ký và được đi học tại trung tâm. Mỗi tuần học ba buổi, những buổi còn lại tranh thủ đi bán vé số, tối về làm bài tập. Đến nay, anh bỏ bán vé số, chuyển sang tìm đơn hàng thiết kế trên các diễn đàn.

Chị Nhung cho hay, dẫu không thấy mặc cảm hay tự ti về khuyết tật của bản thân, nhưng cuộc sống của chị bị ảnh hưởng nhiều từ xã hội, như chuyện chị bị trường học cấp 3 từ chối nhận học, hay nhiều công ty từ chối nhận vào làm.

“Nhiều công ty từ chối vì tôi không nói được nên không thể thuyết trình sản phẩm. Dù biết có nhiều nguyên do một người khuyết tật không được tuyển dụng, đặc biệt là dạng tật có đáp ứng được nhu cầu của công ty không, nhưng tôi rất sợ vì lý do đó mà mình không có kiến thức như mọi người”, chị Nhung chia sẻ và kể tiếp: “Năm 2012, tôi xin cộng tác thiết kế ở một công ty với mức lương 1 triệu đồng/tháng, sau đó từng bước đi lên, làm việc ở nhiều công ty khác để tích lũy kinh nghiệm như hôm nay”.

Chia sẻ về cơ hội của ngành này với người khuyết tật, chị Nhung nhớ lại thời điểm chị theo học các khóa về thiết kế đồ họa, chỉ có mỗi chị là người khuyết tật, và cũng còn ít người khuyết tật làm công việc này. “Công việc liên quan đến công nghệ thông tin phù hợp với nhiều dạng tật, nhất là khuyết tật vận động. Công việc ngành này đa dạng và có nhiều kênh hỗ trợ, thậm chí còn có một số trung tâm dạy thiết kế đồ họa miễn phí mà người khuyết tật có thể tiếp cận”, chị Nhung chia sẻ thêm.

Anh Trần Thành Hiếu (ngồi giữa) dành dụm tiền bán vé số để mua máy tính, học thiết kế

Theo chị Nhung, rào cản lớn nhất đối với người khuyết tật là định kiến, hiểu lầm của gia đình, xã hội khi cho rằng người khuyết tật không làm được gì ngoại trừ đi bán vé số hay những việc thủ công.

“Ba tôi luôn động viên tôi làm cái mình muốn, mình thích. Nhưng tôi biết không phải ai cũng may mắn như mình. Nếu không có chữ, kiến thức, họ không có lối thoát nào cho tương lai. Chúng ta cần nhìn nhận người khuyết tật chỉ gặp bất tiện liên quan đến tật của mình, chứ không có nỗi đau, không có bất hạnh gì cả”, chị Nhung chia sẻ.

Đến nay chị Nhung hoàn toàn hài lòng vì đã tự lực tìm trường học hành, tìm công việc để làm, sống cuộc sống độc lập.

Nguồn: thanhnien.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận