Chàng trai khuyết tật thổi hồn vào tranh gạo

Ngày đăng: 07/01/2021 - 1054 lượt đọc

Tốt nghiệp đại học nhưng anh Cao Văn Tuân lại bén duyên với nghề làm tranh gạo. 10 năm gắn bó với nghề, "nghệ nhân" Tuân còn dạy cho hàng chục người khuyết tật giống mình mưu sinh bằng nghề này.

Vẽ ước mơ bằng những hạt gạo

Không may mắn như những người bình thường khác, lúc hơn 1 tuổi, cậu bé Cao Văn Tuân (SN 1987, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị ngã từ trên võng xuống khiến một bên chân của anh vĩnh viễn bị tật.

Năm 2010, những bức tranh gạo rang đầu tiên của anh Tuân ra đời.

Dù khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng vượt qua mặc cảm, Cao Văn Tuân luôn chăm chỉ, nỗ lực trong học tập. Năm 2009, anh tốt nghiệp ngành Hán Nôm, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Khoa học Huế.

Mang tấm bằng đi xin việc ở khắp nơi, chàng trai trẻ đều bị từ chối do khiếm khuyết của bản thân.

Bế tắc vì không tìm được việc, cùng thời gian này, anh Tuân được một người bạn tặng 1 bức tranh bằng cát. 

Anh nảy ra ý tưởng sẽ tạo ra bức tranh bằng một nguyên liệu khác không phải là cát để làm sinh động thêm những bức tranh, những nét chữ mình đã viết ra. Anh Tuân cũng hiểu rằng, những nguyên liệu thân thiện với môi trường càng ngày càng được ưa chuộng.

Nghĩ là làm, chàng trai trẻ bắt đầu thử nghiệm với nhiều vật liệu khác nhau để gắn lên những bức tranh, cuối cùng anh Tuân chọn hạt gạo làm nguyên liệu chính cho dòng sản phẩm của mình. Và rồi năm 2010, những bức tranh gạo rang của anh Tuân bắt đầu ra đời.

Theo anh Tuân, để làm nên bức tranh gạo, người thợ phải thật sự tập trung và có tính kiên trì.

Ban đầu anh làm để tặng bạn bè, người thân, sau đó phát hiện tranh của mình được rất nhiều người yêu thích, anh đã làm để bán ra thị trường.

Theo anh Tuân, quy trình để hoàn thiện một bức tranh gạo được, người nghệ nhân phải trải qua rất nhiều bước. Đặc biệt, người thợ phải thật sự tập trung và có tính kiên trì. Nếu không có được hai điều này, bức tranh sẽ bị phá nét và không có hồn. 

Để thổi hồn vào những bức tranh gạo, anh Tuân rất coi trọng khâu chọn nguyên liệu. Gạo dùng để làm tranh phải là những hạt to dài, đủ ngày, không phải loại gạo chín ép. Nếu không được lựa kỹ, khi rang hạt gạo sẽ không lên màu đẹp. Bên cạnh đó, nếu gạo không đảm bảo, chất lượng và độ bền của bức tranh sẽ bị giảm đi rất nhiều, do gạo bị ẩm, mốc.

Sau khi chọn được nguyên liệu, khâu rang gạo được xem là quan trọng nhất. Tranh gạo đặt tính chất tự nhiên lên hàng đầu nên không được sử dụng màu nhuộm, vì vậy để tạo ra màu sắc tự nhiên, người thợ phải rang gạo hoàn toàn thủ công để tạo ra những mẻ gạo với màu sắc đậm, nhạt khác nhau...

Qua bàn tay khéo léo của anh Tuân, những hạt gạo như được "thổi hồn" để trở thành những bức tranh mang đậm chất nghệ thuật với chủ đề thiên nhiên, phong cảnh, con người, tranh thư pháp… Mỗi bức tranh, anh Tuân chỉ làm 2-3 ngày là xong, còn những bức tranh đòi hỏi sự cầu kỳ, kỹ thuật cao thì phải mất từ 2 đến 4 tuần mới xong. 

Truyền cảm hứng cho người khuyết tật 

Vào năm 2014, anh Tuân tham gia Hội người khuyết tật Thanh Hóa. Tại đây, nhiều người khiếm khuyết giống như anh cũng có mong muốn được học hỏi nghề làm tranh gạo. Anh Tuân đã không ngần ngại bỏ thời gian, công sức truyền nghề miễn phí cho người khuyết tật và người dân có nhu cầu học.

Không những dạy trực tiếp cho các học viên, nhiều người ở xa còn nhờ anh chỉ dẫn qua online.

Đến nay, anh đã dạy nghề làm tranh gạo cho hơn 50 người, trong đó còn có một số người không khuyết tật nhưng có hoàn cảnh khó khăn muốn có công việc làm thêm.

Anh Đoàn Đình Sinh, một học viên khuyết tật vừa học vừa làm ở cơ sở tranh gạo của anh Tuân chia sẻ: "Tôi biết đến anh Tuân khi tham gia Hội người khuyết tật. Gặp anh Tuân, tôi không những được học nghề mà còn học được rất nhiều thứ từ anh Tuân như tính kiên nhẫn, lạc quan, vượt lên số phận… Sau 4 tháng được anh Tuân dạy nghề, tôi đã có thể kiếm thêm thu nhập mỗi tháng 2-2,5 triệu đồng từ nghề này". 

"Mỗi học viên để làm được một bức tranh gạo phải học khoảng 3-4 tháng. Lúc đầu, học viên đến học lẻ tẻ, dần dần họ đến đông hơn. Mình mới kết thúc một lớp học với 10 học viên vào tháng 11 vừa qua" - anh Tuân cho biết.

Sau khi đào tạo đội ngũ học viên này thành thạo việc, anh tiếp tục tạo công ăn việc làm cho họ bằng cách nhận hàng đặt rồi gửi cho các học viên làm. 

Theo anh Tuân, hiện nay có 20 học viên liên tục có đơn hàng để làm, thu nhập khoảng 2,5 triệu- 4 triệu đồng/người/tháng tùy theo năng suất làm việc.

 

Từ khi bắt đầu làm tranh, đến nay anh Tuân đã đạt được nhiều thành tích với nhiều Giấy khen, Bằng khen của địa phương và ngành chức năng.

Năm 2016, Tuân được tham dự Hội nghị tuyên dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V và được nhận Bằng khen của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Bằng khen của Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam.

Hiện nay, Anh Tuân là Giám đốc HTX tranh đồ mỹ nghệ Tâm Phát, Phó Chủ nhiệm CLB thanh thiếu niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Nguồn: dantri.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song