Hành trình không mệt mỏi của cô giáo 1 chân ở đất Sen Hồng

Ngày đăng: 05/01/2021 - 629 lượt đọc

Trong hành trình hơn 5 năm thiện nguyện, cô giáo 1 chân Nguyễn Thị Minh Tâm ở mảnh đất Sen Hồng (Đồng Tháp) nhận được nhiều niềm vui, xen lẫn không ít nỗi buồn; tuy nhiên điều cô khát khao nhất đó là cống hiến tất cả những gì có thể để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm tặng quà cho học sinh. - Ảnh: Hòa Hội

Ngày đầu năm mới (1/1/2021) chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, cô Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết, vừa trở về từ miền Trung để trao 78 suất quà trị giá 80 triệu đồng cho giáo viên khó khăn, phụ nữ khuyết tật bị ảnh hưởng bão lụt ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 29/12; đồng thời cô còn là 1 trong 64 gương được tuyên dương Tỏa sáng Nghị lực Việt 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, 35 tuổi, thạc sỹ chuyên ngành toán, đang giảng dạy tại trường THPT Thiên Hộ Dương (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Hiện tại cô đang sống cùng mẹ già trong căn nhà cấp bốn ở khóm 5, phường 6 (TP Cao Lãnh).

Từ một cô gái trẻ, đầy nhiệt huyết nhưng sau biến cố khiến cô mất đi đôi chân lành lặn của mình. Đó là vào năm 2009, khi cô đang trên đường đi vận động học sinh đến trường THPT Tân Thành ở xã Tân Thành A (huyện Tân Hồng) vùng sâu vùng xa của tỉnh Đồng Tháp thì bất ngờ gặp tai nạn. Chiếc ô tô chở vật liệu xây dựng lên được nửa cầu, bị tuột dốc, lao thẳng vào cô, bánh sau xe tải cán lên chân trái. Cô gái tỉnh dậy tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với cơ thể không còn lành lặn. Cú sốc ở độ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết khiến cô gái 23 tuổi suy sụp hoàn toàn. 

Sau khi phục hồi, cô chuyển công tác về trường Thiên Hộ Dương gần nhà giảng dạy cho đến giờ và làm thiện nguyện để giúp đỡ người khác. Năm 2015 cô Tâm thành lập Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm để chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là với những người cùng cảnh ngộ.

Cô Tâm cho biết, từ hồi còn lành lặn đã thích được giúp người khác nhưng khi ấy quyết tâm chưa mạnh mẽ như hiện giờ. Nhưng sau khi gặp biến cố, trải qua quá nhiều khó khăn, thử thách, cảm nhận nhiều về những khó khăn, vất vả của những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. "Mình cảm thấy đồng cảm với họ, mặc dù mình bất tiện nhưng có may mắn hơn nhiều người. Cái suy nghĩ may mắn ấy là tai nạn kinh khủng ngày ấy mà  chỉ mất có 1 chân, vẫn còn 1 chân, còn 2 tay, còn trái tim đong đầy yêu thương. Hơn nữa, còn rất nhiều may mắn nên mong muốn được chia sẻ, yêu thương những hoàn cảnh khó khăn", cô Tâm bộc bạch.

Khi làm hoạt động thiện nguyện, cô hướng đến giúp bất kì hoàn cảnh nào, bất kì mà trong khả năng có thể làm được. Càng làm, càng tiếp xúc với nhiều người, cô càng thương nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời càng nỗ lực để có thể giúp được nhiều hơn, sống tốt thay họ được nhiều hơn. Bởi quan điểm của cô là sống là để chia sẻ, sống là để yêu thương.

Trong hành trình hơn 5 năm thiện nguyện vừa qua, cô Tâm nhận được rất nhiều niềm vui, bên cạnh đó cũng có không ít nỗi buồn. Cô kể,  mỗi khi tới ngày bán hoa hồng, cô là người phải liên hệ và điều khiển các khâu bao gồm đặt hoa, liên hệ với khách và liên hệ người gói hoa, giao hoa. Có mấy lần vì những ngày bán hoa ngay lúc cô có tiết dạy nên khâu liên hệ có chậm, khách hàng không thông cảm lại còn dùng lời khó nghe. Có lần không ai đi giao hoa được, cô phải tự đi. Lúc đó cũng gặp khách hàng khó khăn, vừa giao hoa, vừa đi mà vừa khóc.

"Lúc đó thầm nghĩ sao mà mọi việc khó khăn đến thế? Hay Má mình chứng kiến mình thức khuya, dậy sớm bán hoa gây quỹ, Má hờn Má dỗi, Má la mắng mình. Lại là vừa làm, vừa khóc. Cứ nghĩ đến các hoàn cảnh khó khăn mà mình cố gắng lên. Nhiều lần bán hoa dưới trời mưa, bán khó hết hoa, mình còn nghĩ đến việc bỏ tiền túi đề vào", cô Tâm bộc bạch.

Hay có lần cô Tâm đến giúp hoàn cảnh khó khăn khác, chân đau nên chống nạng đến. Cô ấy cũng tỏ vẻ quý mến, cảm ơn. Nhưng sau khi mình về, cô ấy nói khác đi lại còn dùng từ khó nghe dành cho mình như “con nhỏ một chân đó nó mới lại đây tặng quà cho tôi”.

Bên cạnh đó, niềm vui của cô chính là nhận được nhiều nụ cười của những hoàn cảnh đến giúp. Lần đầu tiên cô tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ cho người khuyết tật ở địa phương. Đó là hoạt động đầu tiên mà người khuyết tật được giao lưu, chia sẻ. "Một chú cũng mất chân như mình đã cười vui, xúc động bảo “Con chính là niềm an ủi của người khuyết tật. Chương trình ý nghĩa lắm. Trước đây chưa có ai mà quan tâm, tổ chức cho người khuyết tật như thế này”, cô Tâm kể.

Quay trở lại chuyến đi trao quà cho người khuyết tật ở miền Trung cách nay 3 hôm. Cô Tâm kể, khi chia sẻ về hoàn cảnh, tình cảm cũng như tấm lòng của mình đến với họ. Nhiều người xúc động, không kìm được nước mắt. Nhiều chị khuyết tật cảm thấy có thêm động lực để vượt khó. Với cô Tâm, mặc dù chuyến đi khá vội vã nhưng cô cảm thấy hạnh phúc  khi tận tay trao những phần hỗ trợ cho họ cũng như truyền tinh thần, năng lượng đến những người khuyết tật cùng hoàn cảnh với mình.

Với cô giáo 1 chân, điều cô khát vọng nhất là cống hiến. Cống hiến tất cả những gì có thể trong khả năng của mình để cuộc sống này ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, mọi người sống tử tế với nhau hơn. 

Nguồn: tienphong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song