Ngày 22-12-1944: Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời như thế nào?

Ngày đăng: 22/12/2021 - 898 lượt đọc

Ngày 22-12-1944 là ngày Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay được thành lập theo theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 22-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast  tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 22-12

Sự kiện trong nước

- Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh tư liệu 

Khi mới thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã sớm phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn của dân tộc. Ngay từ lần đầu ra quân, đội quân chính quy đầu tiên của Việt Nam đã lập nên những chiến công vang dội, giải phóng những khu vực rộng lớn làm căn cứ cho các hoạt động đấu tranh giành độc lập, mở đầu truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ lực của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ một đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia Tổng khởi nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển thành quân đội với các sư đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 07 tháng 05 năm 1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, đồng thời tạo nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trưa ngày 30-4-1975, các xe tăng của quân đội miền Bắc Việt Nam và lực lượng vũ trang của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu   

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới, Quân đội tiếp tục làm tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất; đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Đồng thời Quân đội luôn chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, hoạch định đường lối chiến lược bảo vệ Tổ quốc; đánh giá, dự báo đúng tình hình, xử lý tốt các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.

Trải qua hơn 76 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sức mạnh chiến đấu, phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và tiến lên hiện đại, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: hochiminh.vn   

- Ngày 22-12-1946 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị toàn dân kháng chiến. Bản chỉ thị vạch rõ: Đánh phản động và thực dân Pháp xâm lược giành độc lập, thống nhất; đoàn kết chặt chẽ toàn dân, thực hiện toàn dân kháng chiến, đoàn kết với Miên, Lào và thân thiện với các dân tộc yêu chuộng tự do hoà bình, liên hiệp với nhân dân Pháp chống phản động thực dân Pháp.

- Ngày 22-12-1964 ngành đường sắt nước ta hoàn thành việc đóng mới đầu máy xe lửa kiểu Tự Lực, mang tên Nguyễn Văn Trỗi.

Chiếc đầu máy xe lửa kiểu Tự Lực được lắp ráp năm 1964 tại Nhà máy xe lửa Nguyễn Văn Trỗi ở Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: vietnam+ 

Đây là chiếc đầu máy xe lửa đầu tiên do cán bộ, công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) và Tổng cục Đường sắt thiết kế, chế tạo với sự giúp đỡ của nhiều xí nghiệp và cơ quan các ngành khác.

 Sự kiện quốc tế

- Ngày 22-12-1988, tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, Nam Phi, Cuba và Angola ký hiệp định đem lại nền độc lập cho Namibia, vốn là thuộc địa trước đây của Đức trong thế chiến I.

Theo dấu chân Người

- Ngày 22-12-1924, từ Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc viết thư tới Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản thông báo việc đã tập hợp một số đồng chí từ Đông Dương sang và yêu cầu chỉ thị cho các đồng chí người Nga đang công tác ở Quảng Châu hỗ trợ.

- Ngày 22-12-1945, báo “Cứu Quốc” đăng đoạn thư “Gửi các chiến sĩ miền Nam”, viết: “Chính phủ Dân chủ Cộng hoà rất khen ngợi chiến sĩ ở các mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh, đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn” và ký tên “Hồ Chí Minh”.

- Ngày 22-12-1949, gửi thư cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, Bác xác định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ. Quân đội ta luôn luôn giữ gìn và phát triển truyền thống anh dũng của Quân Giải phóng Việt Nam và đạo đức cách mạng gồm trong 10 điều kỷ luật”.

- Ngày 22-12-1959, tại lễ chiêu đãi nhân ngày thành lập Quân đội, Bác biểu dương “Quân đội chúng ta anh hùng trong kháng chiến mà cũng anh hùng trong hoà bình”.

- Ngày 22-12-1968, lần cuối cùng Bác đến Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội thắp hương tưởng niệm nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam lần thứ 24.

 (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

 “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Đây là lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập (22-12-1964) và đó cũng chính là truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, là chuẩn mực của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, luôn vững vàng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, hy sinh phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với vai trò là công cụ sắc bén, lực lượng chính trị đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân trở thành phẩm chất hàng đầu của người cách mạng và mỗi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Phẩm chất đó là cơ sở vững chắc của sức mạnh đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động; là động lực mạnh mẽ thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn nêu cao ý chí quyết tâm, huy động mọi sức lực và trí tuệ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trung với Đảng, trung với nước của quân đội ta trước hết thể hiện ở sự tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, là trung thành với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Hiếu với dân là phải gắn bó với nhân dân, gần gũi nhân dân, dựa vào dân, nắm vững dân tình, dân tâm, dân trí, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, để dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ, bao bọc chở che.

Trong suốt hơn 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cùng với toàn dân tộc trải qua các cuộc trường chinh kháng chiến, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn kiên cường, bất khuất dù phải đối mặt với đế quốc, thực dân hung bạo.

Với niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, với tinh thần tự tôn dân tộc, quân đội đã luôn giữ vững lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tinh thần bất khuất, kiên trung, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân đã được lớp lớp cán bộ, chiến sĩ kế thừa và phát huy làm cho bản chất và truyền thống cách mạng của quân đội ta càng thêm sâu sắc, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng tỏa sáng. Đó là cội nguồn tạo nên sức mạnh thần kỳ; là sức mạnh giúp quân đội ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và tiến lên hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dấu ấn Bác Hồ trên báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2018, ngày 22-12-1966 đăng hình ảnh Hồ Chủ tịch dự buổi chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm lần thứ 22 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và hình ảnh Hồ Chủ tịch nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ một đơn vị Pháo cao xạ.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2724, ngày 22-12-1968 đăng hình ảnh Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm lần thứ 24 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-1968) và lần thứ 22 ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 / 19-12-1968).

Nguồn: qdnd.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận