Người khuyết tật Hong Kong đã khó khăn càng tuyệt vọng hơn vì Covid-19

Ngày đăng: 24/02/2020 - 920 lượt đọc

Sự bùng phát và lan truyền nhanh chóng của Covid-19 đã khiến cho 578.600 người khuyết tật ở Hong Kong sống trong sợ hãi, tuyệt vọng vì thiếu đi sự hỗ trợ từ xã hội.

Jess Shek Kin-chong, một người bị mù bẩm sinh, cảm thấy cuộc sống gặp nhiều khó khăn hơn kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Phải di chuyển hàng ngày với một tay cầm gậy còn tay kia vươn ra để dò đường, cô lo lắng về việc có thể vô tình tiếp xúc với virus chết người.

Ngoài khẩu trang y tế, Shek luôn đeo một đôi găng tay để tự bảo vệ mình. Thế nhưng món đồ chẳng giúp ích gì nhiều khi cô vẫn phải tháo chúng ra để chạy ngón tay dọc theo chấm xúc giác trên phím số tầng trong thang máy.

Shek thường xuyên sử dụng nước rửa tay khô. Cô cũng khử trùng gậy sau mỗi lần sử dụng. Tuy vậy, sự thiếu hụt các sản phẩm vệ sinh trên toàn thành phố khiến cô bất an.

Jess Shek Kin-chong, một người bị mù bẩm sinh, cảm thấy cuộc sống gặp nhiều khó khăn hơn trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19. Ảnh: SCMP.


Shek cho biết người khuyết tật khó có thể cạnh tranh với số đông đang điên cuồng tìm mua các sản phẩm khử trùng ngoài kia. Thậm chí, cô và những người khiếm thị khác còn không thể tự đặt hàng trực tuyến.

“Tôi đã rất lo lắng khi tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Vì gần như hoàn toàn dựa vào trực giác trong cuộc sống hàng ngày, chúng tôi có nguy cơ cao bị nhiễm virus”, Shek nói.

Sự bùng phát và lan truyền nhanh chóng của virus corona đã khiến cho 578.600 người khuyết tật ở Hong Kong – bao gồm cả những người khiếm thị, khiếm thính – sống trong tuyệt vọng vì thiếu sự hỗ trợ từ xã hội.

Thậm chí, nhiều dịch vụ hỗ trợ cho người khuyết tật thông thường đã bị cắt bỏ trong thời gian này.

Giống như Shek, hầu hết người khuyết tật phải đấu tranh để giành mua được những vật phẩm y tế. Đặc biệt, 70% trong số đó ở độ tuổi từ 60 trở lên.


Cuộc chiến chống Covid-19 qua lăng kính của người khuyết tật


 Derek Ko Chi-kin, 62 tuổi, bị mất cánh tay phải trong một tai nạn khi mới 12 tuổi. Ông không thể tự rửa tay một cách kỹ lưỡng và cảm thấy khó có thể tuân thủ theo các bước mà chuyên gia y tế hướng dẫn để đeo khẩu trang mà không làm bẩn nó.

Nhưng ông Ko vẫn cố gắng hết sức để bảo vệ bản thân.

Ông sử dụng khẩu trang một cách tiết kiệm, đeo 1 chiếc từ 2 đến 3 ngày rồi mới vứt bỏ. Ông chia sẻ các sản phẩm vệ sinh khác như nước khử trùng tay và găng tay, thứ ông không thể sử dụng, với những người cần đến nó.

Ông Ko chia sẻ: “Sống với cơ thể khiếm khuyết không khiến chúng tôi sở hữu những đặc quyền. Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Ông Derek Ko Chi-kin, 62 tuổi, bị mất cánh tay phải trong một tai nạn ở tuổi 12. Ảnh: SCMP.

Những thách thức về cả thể chất lẫn tinh thần khiến người khuyết tật dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Do đó, các tổ chức phi chính phủ và nhân viên xã hội đã kêu gọi hỗ trợ tích cực hơn cho họ.

Mạng lưới Xúc tiến Bình đẳng xã hội Hong Kong là một tổ chức phi lợi nhuận dành riêng cho người khuyết tật. Ông Kim Mok Kim-wing, giám đốc điều hành tổ chức này, cho biết khoảng 300 thành viên khuyết tật của họ phải đối mặt với tình trạng thiếu khẩu trang, nước rửa tay khô để duy trì vệ sinh cá nhân cơ bản.

Ông Kim cũng là một người khiếm thị, nay đã 56 tuổi.

“Khi cả thành phố đang hoảng loạn, bạn nên biết rằng những người khuyết tật lại càng cảm thấy bất lực và sợ hãi hơn ai hết”, ông nói thêm.


Sự thiếu chu đáo


Chỉ xét riêng ở Hong Kong, 174.800 người khiếm thị được cho là dễ bị nhiễm virus corona hơn cả vì họ phải dựa vào xúc giác để phát hiện vật cản trong khi dò đường.

Theo bà Peggy Ko Pik-kei, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận của Hiệp hội người khiếm thị Hong Kong, người khiếm thị không thể tiếp cận các nguồn thông tin một cách đầy đủ. Ở Hong Kong hiện giờ, không phải tất cả mọi thứ đều hỗ trợ chữ nổi dành cho người mù.

“Vì thiếu các sản phẩm vệ sinh y tế, nhiều người cao tuổi tránh ra ngoài. Nhưng vẫn có những người phải đi làm hoặc đến bệnh viện thường xuyên. Tình hình thật đáng lo ngại”, bà Ko nói.

Người khiếm thị được cho là dễ bị nhiễm virus corona hơn cả vì họ phải dựa vào xúc giác để phát hiện vật cản trong khi dò đường. Ảnh: SCMP.


“Người khiếm thính thường dựa vào việc đọc môi và quan sát nét mặt để giao tiếp. Với tình trạng hầu hết đeo khẩu trang y tế như hiện nay, họ phải vật lộn với việc giao tiếp hàng ngày”, cô Wong, giám đốc Hiệp hội người khiếm thính Hong Kong, bày tỏ sự ái ngại.

Wong kêu gọi chính phủ cung cấp thêm thông tin bằng ngôn ngữ ký hiệu và lưu ý sản xuất những video hướng dẫn phòng chống dịch bệnh có kèm phụ đề.

Wai-tung, một nhà hoạt động xã hội thuộc Hiệp hội Các tổ chức Cộng đồng (SoCO), thông tin phần lớn người khuyết tật còn nghèo.

“Không những thế, giá những mặt hàng vệ sinh y tế đó còn tăng lên trong thời dịch”, ông Wai lo ngại.

Anh Mok, một nhân viên xã hội có thâm niên 20 năm, nói rằng người khuyết tật còn lo lắng về nguy cơ mất việc vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát dẫn đến suy thoái kinh tế.

Hiệp hội Các tổ chức cộng đồng (SoCO) cho biết họ đã nhận được một lượng quyên góp bằng tiền mặt cùng với khoảng 16.000 chiếc khẩu trang. Ảnh: SCMP

Hiệp hội Các tổ chức cộng đồng (SoCO) cho biết họ đã nhận được một lượng quyên góp bằng tiền mặt cùng với khoảng 16.000 chiếc khẩu trang. Ảnh: SCMP


Trầm trọng hơn, để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, Bộ phúc lợi xã hội Hong Kong đã đình chỉ nhiều dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ dành cho người khuyết tật.

Khi biết thông tin này, Shirley Tsang, giám đốc Ban dịch vụ phục hồi chức năng của Hiệp hội khiếm thị, cho biết số lượng khẩu trang dự trữ của họ đủ để cung cấp cho người khuyết tật trong thành phố đến đầu tháng 3.

Hiệp hội Các tổ chức cộng đồng (SoCO) cũng nhận được một lượng quyên góp bằng tiền mặt cùng với khoảng 16.000 chiếc khẩu trang.

Nhiều tổ chức khác cũng tìm cách giúp đỡ bằng hiện vật, tiền, và cung cấp người hỗ trợ.

"Tuy nhiên, dịch bệnh càng kéo dài, nguồn lực càng cạn kiệt. Chúng tôi đã tìm kiếm ở các quốc gia và kênh khác nhau, nhưng nơi thì không sản xuất kịp, nơi thì giá quá đắt”, chủ tịch Hội đồng Dịch vụ Xã hội Hong Kong nói.

Nhà lập pháp Đảng Lao động Fernando Cheung Chiu-hung nhấn mạnh rằng người khuyết tật nên được ưu tiên cung cấp sản phẩm hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, bên cạnh nhân viên y tế và những người đang thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.

Nguồn: news.zing.vn
Suu tầm: Ngọc Song