Tạo cơ hội giúp người khiếm thị tiếp cận văn hóa đọc

Ngày đăng: 29/10/2019 - 1119 lượt đọc

Với gần một triệu người khiếm thị trong cả nước, ngành thư viện đã chủ động xây dựng các phòng đọc, trang bị tài liệu, thiết bị chuyên biệt nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người khiếm thị tham gia học tập, lao động, cố gắng bình đẳng và hòa nhập cộng đồng.

Phát triển thư viện người khiếm thị giúp họ có điều kiện tiếp cận tri thức.

Nhiều năm qua, để phục vụ người khiếm thị ở Việt Nam, các thư viện công cộng trên cả nước đã xây dựng, tổ chức nhiều phòng đọc với các loại hình tài liệu như sách chữ nổi Braille, sách nói, sách nói kỹ thuật số, sách minh họa nổi, tài liệu đồ họa nổi, máy tính cùng các phần mềm chuyên dụng... Các phương tiện, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin phong phú, đa dạng giúp người khiếm thị tiếp cận việc tìm và đọc sách dễ dàng hơn. Không chỉ đọc sách chữ nổi, tạo ra sách nói, các dịch vụ hướng tới người khiếm thị đã tạo ra nhiều hoạt động hướng dẫn, giúp đỡ người khiếm thị có cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức, tạo ra sản phẩm, giúp người khiếm thị tiếp cận và tham gia cuộc sống hằng ngày.
Tạo điều kiện cho những người khiếm thị tiếp cận tri thức, Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã triển khai xây dựng thư viện dành cho người khuyết tật, trong đó có đối tượng người khiếm thị. Ngoài việc hướng dẫn và phục vụ đọc sách chữ nổi, nghe sách nói, thư viện tổ chức các lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề chia sẻ cảm nhận về sách, mời chuyên gia hướng dẫn làm sách nói, sách minh họa nổi, hướng dẫn sử dụng máy tính cho người khiếm thị, làm những bộ chữ cái chữ nổi để hướng dẫn cơ bản cho người khiếm thị thành thạo kỹ năng đọc sách chữ nổi, tổ chức các cuộc thi như thử tài đánh máy, sáng tác truyện tranh, thi gia đình đọc sách và các hoạt động khéo tay hay làm, hướng dẫn thực hành từ sách như làm hoa, sản phẩm móc khóa từ hạt cườm, sản phẩm bằng que gỗ...
Thư viện tỉnh Đồng Tháp còn thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên đề, chia sẻ cảm nhận về sách cho người khuyết tật với sự tham gia của người khuyết tật, cán bộ thư viện và những tình nguyện viên... Từ đó, thư viện đã huy động nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ làm sách nói, sách minh họa nổi, đưa đón miễn phí người khiếm thị đến thư viện...
Trong khi đó, Thư viện TP Hà Nội nhiều năm nay đã mở rộng dịch vụ phục vụ người khiếm thị với hàng trăm đầu sách nói về văn học, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, văn hóa ứng xử. Thư viện khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh mở rộng hoạt động sản xuất tài liệu thay thế phù hợp cho người khiếm thị. Hàng chục nghìn người khiếm thị thông qua hệ thống thiết bị hỗ trợ được tiếp cận các dịch vụ thông tin dễ dàng, qua đó chủ động học tập, rèn luyện kỹ năng, tìm kiếm việc làm và hội nhập xã hội.
Với ý nghĩa cộng đồng, mang tính nhân văn sâu sắc, các thư viện dành cho người khuyết tật đã thu hút sự tham gia của một số tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cá nhân, đơn vị chung tay xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc hình thành môi trường thân thiện và tiện ích, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và tri thức, hỗ trợ việc đọc và học tập cho người khiếm thị. Đây là mô hình hoạt động thiết thực, là nơi để người khiếm thị học hỏi, giao lưu, chia sẻ và kết nối, giúp người khiếm thị có niềm tin vào cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Trong lễ ký chương trình phối hợp công tác giữa Hội Người mù Việt Nam và Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Vụ trưởng Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ: Chương trình hướng tới một số mục tiêu cụ thể, xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc, đẩy mạnh tổ chức các dịch vụ phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị; cải thiện môi trường đọc, tăng cường vốn tài liệu và các dịch vụ giúp phát triển tư duy, nâng cao khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách tâm hồn và hình thành lối sống lành mạnh, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời ở nhiều phương diện khác nhau.

Nguồn: nhandan.com.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song