Vợ chồng khiếm thị và giấc mơ mở xưởng làm đũa tre cho người khuyết tật Hà Tĩnh

Ngày đăng: 12/12/2019 - 1301 lượt đọc

Không may mắn khi cuộc đời đã cướp đi đôi mắt từ lúc mới sinh ra nhưng những nghị lực phi thường đã giúp anh Nguyễn Quang Lý (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) vượt lên số phận, mở cơ sở gia công đóng gói đũa, tăm tre, tạo việc làm cho hàng chục người khuyết tật trong vùng.

Anh là Nguyễn Quang Lý (sinh năm 1977, thôn Mỹ Am, Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) bị khiếm thị từ nhỏ. Sau nhiều năm lặn lội làm việc nhiều nơi, anh may mắn gặp được người bạn đời của mình và cùng nhau trở về quê hương lập nghiệp.


Anh Nguyễn Quang Lý (người đeo kính) mở xưởng gia công, đóng gói đũa tre giúp đỡ những người khuyết tật khác trong vùng.

Anh kể Lý: “Là người khiếm thị, tôi học nghề mát xa, tẩm quất và đi nhiều nơi để làm việc, kiếm sống. Tình cờ biết đến số điện thoại của Trang (chị Nguyễn Thị Trang, vợ hiện tại của anh Lý - PV) chúng tôi làm quen, trò chuyện.
Cùng là người khuyết tật nên chúng tôi có những thấu hiểu dành cho nhau. Dần dần, tình cảm nảy nở và chúng tôi quyết định cùng nhau xây dựng gia đình.
Nhận thấy làm nghề tẩm quất sẽ phải đi nhiều nơi, vất vả nhưng chỉ đủ nuôi sống bản thân, do vậy vợ chồng bàn nhau đổi nghề, về quê lập nghiệp.
Đến năm 2011, tôi thử nhận một số sản phẩm như đũa gỗ, tăm tre đem đi bán thử. Sau đó, qua hỗ trợ, kết nối, liên lạc được với một cơ sở sản xuất uy tín, tôi đặt hàng và hằng ngày mang sản phẩm đi giới thiệu, bán ở nhiều địa phương trong tỉnh và kết quả đã được nhiều người ủng hộ. Dù công việc vất vả hơn nhưng có thu nhập đủ nuôi sống gia đình, con cái”.


Vợ chồng anh Lý đang tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người khuyết tật trong vùng.

Không dừng lại ở đó, quá trình đi làm, gặp gỡ nhiều mảnh đời bất hạnh khác, anh nghĩ cách tạo thêm việc làm để họ có thêm thu nhập đỡ đần gia đình. Đây cũng là lý do Công ty “TNHH Hạnh phúc từ đôi bàn tay khiếm thị” được thành lập.
Đến nay, đã có khoảng 50 người làm việc, một số người ở xa có thể nhận sản phẩm về nhà làm. Theo anh Lý, những người làm năng suất nhất có thể đạt từ 50 – 60 nghìn đồng/ngày.
Ông Nguyễn Quang Kiềm (thôn Mỹ Am, xã Cẩm Quan) chia sẻ: Tôi bị cụt 1 cánh tay, trước đây chỉ quanh quẩn trong nhà, phụ giúp một vài việc nhỏ chứ không tạo ra sản phẩm có giá trị. Thấy anh Lý mở cơ sở, tôi đồng ý vào làm mà không hề có đòi hỏi về mặt vật chất, lương thưởng. Cái chính là ở đây chúng tôi có cùng hoàn cảnh với nhau, dễ thấu hiểu và chia sẻ nên làm việc rất vui vẻ.
Mặc dù mới làm quen với nghề nên còn những khó khăn, nhưng chúng tôi cùng động viên nhau cố gắng để hoàn thành công việc. Mỗi ngày nếu cố gắng tôi có thể đóng được khoảng 50 gói sản phẩm, bây giờ còn có thể kiếm tiền phụ giúp gia đình nên ai nấy đều rất phấn khởi.


Những người làm năng suất nhất có thể đạt mức thu nhập từ 50 – 60 nghìn đồng/ ngày.

Mặc dù đây mới chỉ là những bước đi chập chững, đầy gian khó nhưng những nỗ lực của vợ chồng anh Lý đã phần nào mang lại niềm vui cho những hoàn cảnh thiếu may mắn khác.
Anh tâm niệm, hạnh phúc không phải là những điều xa vời, cũng không khó để kiếm tìm mà hạnh phúc là khi chúng ta được sống và lao động. Khi đôi mắt không thể cảm nhận được ánh sáng thì ánh sáng sẽ được thắp lên bằng niềm tin, nghị lực; bởi vậy, cơ sở của anh lập ra mang tên: “Hạnh phúc từ đôi bàn tay khiếm thị”.
“Điều chúng tôi mong mỏi hơn cả là có thể cùng nhau mở ra một xưởng sản xuất, tự tạo ra sản phẩm, tuy nhiên hiện tại không có nguồn vốn, không có nhà xưởng, máy móc nên chỉ có thể nhận sản phẩm có sẵn để đóng gói. Khi đủ nguồn lực, chắc chắn chúng tôi sẽ mở xưởng sản xuất những đồ dùng mà người khuyết tật có thể làm như đũa, tăm tre để tự tạo ra thu nhập lớn hơn, không còn là gánh nặng của xã hội” - anh Lý chia sẻ thêm.

Nguồn: baohatinh.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song