Bảo đảm an sinh cho người yếu thế

Ngày đăng: 17/12/2021 - 458 lượt đọc

Thực hiện mục tiêu nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân, thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng bảo đảm an sinh cho nhóm người yếu thế (người nghèo, người khuyết tật, lao động trẻ em...). Sự quan tâm, trợ giúp cho họ được các bên chung tay thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt, cố gắng không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trao hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại phường Giảng Võ (quận Ba Đình). Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều hình thức tạo giá đỡ an sinh

Người yếu thế là đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội bị tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Chính vì vậy, thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt.

Đón nhận kinh phí hỗ trợ 3 triệu đồng vào ngày 8-12 vừa qua từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, cháu N.H.S, (khu C tập thể vật liệu Bưu điện, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm) xúc động: “Cháu sẽ dùng số tiền được hỗ trợ để mua thuốc điều trị bệnh, mua đồ dùng học tập”. Hiện cháu S ở với ông bà nội đã già, bản thân cháu không may mắc bệnh về máu, mỗi tháng phải tiếp máu một lần. Còn bà Đỗ Thị Viễn (thôn Ngoại, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ) chia sẻ: "Do sức khỏe yếu, lại sống neo đơn, nên tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ được sống trong ngôi nhà khang trang. May mắn, tôi đã được Phòng khám Chữ thập đỏ Đông Anh cùng các nhà hảo tâm, họ hàng, bà con lối xóm hỗ trợ xây dựng nhà mới với kinh phí khoảng 100 triệu đồng, vừa khánh thành vào ngày 1-12-2021".

Đối với những trường hợp còn khả năng lao động, thành phố Hà Nội ưu tiên hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm hoặc tạo điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (tổ dân phố Văn Giang, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) dùng nguồn vốn này để đầu tư trồng lúa chất lượng cao, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, trồng cây ăn quả... “Từ hộ nghèo, hiện gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững”, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền bộc bạch.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 14.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 38.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong số này, hơn 99,3% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự quan tâm, chăm sóc bằng nhiều hình thức. Cùng với đó, hơn 173.000 đối tượng bảo trợ xã hội nhận được các nguồn trợ cấp xã hội đúng, đủ kịp thời; 100% thành viên gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng các chính sách ưu đãi để có điểm tựa an sinh...

Đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cùng các nhà hảo tâm trao hỗ trợ cho một trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở xã Yên Viên (huyện Gia Lâm).

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Việc quan tâm đến nhóm người yếu thế đã góp phần quan trọng để Hà Nội thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo. Ước tính năm 2021, toàn thành phố giảm được 2.759 hộ nghèo theo tiêu chí hiện hành, đạt 206% kế hoạch cả năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm xuống còn khoảng 0,081%. Đặc biệt, Hà Nội có 17/30 địa phương không còn hộ nghèo.

Kết quả điều tra, đánh giá hộ nghèo cuối năm 2021 bước đầu cho thấy, khi áp dụng tiêu chí đánh giá hộ nghèo theo chuẩn mới từ năm 2022 (mức 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn và từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị), cao hơn nhiều so với hiện nay, thì ở thời điểm cuối năm 2021, dự kiến Hà Nội vẫn có 12/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo (gồm 9 quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân và 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức).

Dù đạt những kết quả khả quan, song việc bảo đảm an sinh cho nhóm người yếu thế vẫn gặp không ít khó khăn. Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Nghìn, do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, nên việc huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho những hoàn cảnh đặc biệt không dễ thực hiện. Vì thế, thành phố cần tăng nguồn lực cho công tác an sinh xã hội. Còn theo Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Vì) Lăng Văn Hà, các cơ quan chức năng cần bổ sung chính sách đặc thù để hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh, nhất là với nhóm người yếu thế, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, ngoài các chính sách đã, đang triển khai, tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI vừa kết thúc, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết về quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ cho một số trường hợp đặc biệt mức 2 triệu đồng/tháng/người ở khu vực nông thôn; 2,5 triệu đồng/ tháng/người ở khu vực thành thị, để người dân có mức sống trên mức chuẩn nghèo theo tiêu chí mới. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ hằng tháng mức 440.000 đồng/tháng cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân... “Các chính sách trợ giúp được triển khai đồng bộ, linh hoạt chắc chắn sẽ giúp cho các trường hợp yếu thế trên địa bàn thành phố có cuộc sống tốt hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau”, bà Bạch Liên Hương tin tưởng.

Nguồn: hanoimoi.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận