Cách mạng 4.0 mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Ngày đăng: 17/05/2019 - 1036 lượt đọc

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã đem đến những thay đổi to lớn, tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật được học tập, đào tạo liên tục để nâng cao kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp và tự tạo ra việc làm cho mình. Đây cũng chính là những cơ hội mới để người khuyết tật (NKT) có thể xóa bỏ mọi rào cản và hòa nhập với cộng đồng.

Công nghệ góp phần xóa bỏ rào cản đối với người khuyết tật
Thanh là người khiếm thị, vừa học xong đại học chuyên ngành Công tác xã hội tại ĐH Quốc Gia Hà Nội. Nghe tin thành phố Hà Nội tổ chức Sàn giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động cho NKT, Thanh đến từ rất sớm với hy vọng, có thể tìm được một công việc phù hợp.
“Trước khi đến đây, em chỉ nghĩ rằng, với hoàn cảnh của mình, nếu may mắn ra thì em cũng chỉ có thể làm được công việc trực điện thoại mà thôi. Tuy nhiên, sau khi đến đây, em thực sự cảm thấy bất ngờ vì nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, rất nhiều việc mà người khuyết tật có thể làm, kể cả làm việc tại nhà”, Thanh chia sẻ và cho biết, tại phiên giao dịch việc làm, rất nhiều NKT đã tìm được công việc phù hợp với mình. Một người bạn của Thanh bị khuyết tật dạng vận động do bị tai nạn từ nhỏ tìm được công việc chuyên về công nghệ thông tin.
Thực tế cho thấy, những công nghệ mới hiện nay đã hoàn toàn có thể thay thế con người trong việc “quyết định” hành động. Điều đó có nghĩa NKT đang đứng trước những cơ hội được hỗ trợ hòa nhập và phát triển rất mạnh mẽ trên đà phát triển của công nghệ 4.0. Các công nghệ mới cũng có thể hỗ trợ tốt hơn cho NKT trong việc giao tiếp, phối hợp không còn phải chịu tác động của những định kiến truyền thống, để tiến tới xóa bỏ rào cản đối với NKT thuộc các dạng khác nhau trong quá trình hòa nhập đầy đủ, bình đẳng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Anh Nguyễn Hồng Hà- Phó Chủ tịch Hội NKT thành phố Hà Nội khẳng định, cơ hội khởi nghiệp cho NKT trong thời đại công nghệ 4.0 rất nhiều. Hội NKT Thành phố cũng đã thành lập Ban Thanh niên để giúp thanh niên tìm việc làm. Thời gian qua Hội NKT thành phố Hà Nội đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho NKT sử dụng thoại thông minh (smartphone) có thể kết nối với Internet gọi qua tổng đài của Telepro để kết nối đến với khách hàng tiềm năng nhằm khảo sát nhu cầu hoặc tư vấn sản phẩm theo kịch bản có sẵn hiện trên màn hình điện thoại.Yêu cầu đối với công việc này là chỉ cần người lao động không có vấn đề về giọng nói, trí tuệ và có thể làm được ngay tại nhà. Điều đó thể hiện rằng, đây không chỉ là hướng giải pháp kiếm tìm việc làm cho NKT nặng mà NKT đã thực sự chạm tay vào một lĩnh vực còn hết sức mới mẻ nhưng là mũi nhọn phát triển hiện nay trên toàn thế giới- ngành công nghệ 4.0.

Ngành công nghệ thông tin rất phù hợp với những người khuyết tật

Cần nhiều hơn những phiên giao dịch việc làm dành cho NKT
Gần đây, do nhìn nhận tích cực về khả năng làm việc của NKT nên nhiều doanh nghiệp đã tiếp nhận lao động là NKT... Ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty TNHH Ninh Khánh (Ninh Bình) nơi đang có 30 lao động là NKT đang làm việc cho rằng, thực tế người lao động khuyết tật làm việc tại công ty những năm qua cho thấy năng lực của họ không thua kém người bình thường. Làm việc rất chăm chỉ, tỉ mẩn, cẩn thận, hững sản phẩm thủ công mỹ nghệ do NKT làm ra rất hoàn hảo. “NKT ít có cơ hội việc làm, nên khi được doanh nghiệp tin tưởng và tạo cơ hội, họ sẽ cố gắng hết mình để làm việc”, ông Son cho biết.
Để giúp NKT tìm được việc làm, thời gian qua, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cũng thường xuyên mở những phiên giao dịch việc làm cho NKT, qua đó có thể kết nối giữa NKT có nguyện vọng tìm việc với các doanh nghiệp có chính sách tuyển dụng NKT. Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết: “Việc sử dụng lao động khuyết tật trong doanh nghiệp cũng như thay đổi nhận thức của doanh nghiệp là cả vấn đề, bởi vì khi sử dụng lao động khuyết tật thì phải kèm theo đó là các hoạt động về cải thiện môi trường, điều kiện làm việc và các chế độ, quyền lợi đối với lực lượng lao động khuyết tật”.
Theo ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên về học nghề và việc làm cho NKT. Trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, NKT là đối tượng ưu tiên, được miễn học phí, hỗ trợ thêm chi phí ăn ở, đi lại và được giới thiệu việc làm sau học nghề.
“Để không lãng phí nguồn nhân lực này, bên cạnh việc tổ chức đào tạo nghề cho NKT một cách phù hợp và đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng lao động, các địa phương, doanh nghiệp cần phải chia sẻ thông tin về việc làm cho NKT. Về phần mình, các trung tâm giới thiệu việc làm cần thường xuyên tổ chức hội chợ việc làm, triển lãm giới thiệu sản phẩm của NKT để các đơn vị, công ty, doanh nghiệp hiểu rõ được năng lực làm việc của NKT... từ đó tạo điều kiện giúp NKT sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống”, ông Cừ nhấn mạnh.

Nguồn: Baodansinh.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song