Cây kim, sợi chỉ và những thợ may đặc biệt

Ngày đăng: 12/10/2020 - 813 lượt đọc

Cây kim, sợi chỉ và những lớp vải nhiều màu sắc có thể tạo việc làm cho những người điếc. Sản phẩm của những thợ may đặc biệt ấy đã gây ấn tượng mạnh với thị trường Việt và bạn bè quốc tế suốt 7 năm qua.

Anh Phạm Việt Hoài trao đổi với một nhân viên tại Kym Việt - Ảnh: HÀ THANH

"Tôi là người khuyết tật, rất mong hỗ trợ các bạn khuyết tật có công việc, cuộc sống tốt hơn, góp phần cho xã hội đỡ rất nhiều gánh nặng" - giấc mơ của anh Phạm Việt Hoài (47 tuổi, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kym Việt) đã trở thành hiện thực.

Từ những khiếm khuyết...

Bước vào không gian mang tên "KymViet Space" trên con phố Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), điểm dừng chân cho du khách nghỉ ngơi, thưởng trà, cà phê được bài trí bằng những sản phẩm thủ công ngộ nghĩnh, đầy màu sắc. Tiếng máy may không ngừng ở xưởng kế bên, nơi làm việc của những thợ may với đôi tay thay lời nói, ánh mắt thay lời chào.

Đào Thị Huế (27 tuổi) ngưng tay khi thấy khách đến thăm. Gương mặt thanh tú, cô gái Hà thành tự tin khoe bằng ngôn ngữ ký hiệu: "Làm ở đây không nghe tiếng nói, chúng tôi trao đổi nhau bằng mắt. Từ mắt chuyển tải đến những đôi tay làm ra sản phẩm. Tôi cũng tự thấy sản phẩm đẹp lắm, nhiều khách hàng đến mua ủng hộ".

Huế biết đến Kym Việt qua một người bạn giới thiệu. Không thể nghe và nói là trở ngại lớn để bắt đầu công việc. Mới đầu nhìn thấy những sản phẩm thủ công có hình các con vật, Huế không có hứng thú. 

Nhưng dần dần, được bạn bè động viên, được đồng nghiệp chỉ dạy, cô thích nghi rất nhanh với công việc cũng như văn hóa công ty. 

Sau 5 năm làm việc tại đây, cô gái trẻ tự xoay xở với cuộc sống, không phải nhờ cha mẹ hỗ trợ. Cũng như Huế, hơn 20 bạn khuyết tật, chủ yếu là người điếc, có thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng từ công việc này.

Ngày trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thùy Trang (45 tuổi) chỉ quanh quẩn ở nhà, không việc làm, hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. 

Cuộc sống vất vả quá, gặp người điếc nào chị cũng hỏi: "Mọi người ơi, làm ở đâu đấy, có công việc gì cho tôi làm không?". Rồi chị được giới thiệu đến đây, tập làm quen với cây kim, sợi chỉ.

"Đó là một thách thức. Có người dạy cắt, chúng tôi nhìn họ làm bằng kéo, bằng tay, tập trung tất cả con tim, khối óc lên đôi bàn tay... Rồi tôi cũng cắt đẹp, khâu đẹp, làm ra sản phẩm rất đẹp" - chị Trang hào hứng kể. 

Sau 5 năm có việc làm ổn định, nay chị Trang đủ tiền nuôi con ăn học, cuộc sống thay đổi từ ngày gắn bó với nghề.

"Khi làm việc với cộng đồng người điếc, tôi nhận thấy các bạn rất thông minh, khéo léo. Những khiếm khuyết làm cho các bạn có tính kiên nhẫn, cần cù, tính tự giác rất cao. Có quy trình ổn định, được đào tạo, họ tiếp thu được thì công việc rất tốt, trôi chảy" - anh Hoài tâm sự.

Đến dự tính lâu dài

Khởi đầu, Kym Việt cũng gặp khó khăn từ vốn, mặt bằng đến nhân sự. Nhưng khó nhất là làm sao đưa sản phẩm ra thị trường khi không có nhiều chi phí quảng cáo, tiếp thị. Điều khiển chiếc xe lăn tiến đến các bạn thợ may, anh Hoài tỉ mẩn kiểm tra từng thớ vải, từng đường kim mũi chỉ. 

Nhớ lại những ngày đầu, anh kể phần lớn người điếc đi học nghề may xong thường không xin việc được vì trở ngại trong giao tiếp. 

Năm 2013, anh cùng cộng sự cũng là người khuyết tật quyết tâm mở ra Kym Việt với mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật.

Rồi "ông chủ" ngồi xe lăn và các bạn người điếc cùng nhau đi giới thiệu sản phẩm và bán hàng. Đến nay, chỉ cần thấy mác Kym Việt, khách hàng nhận biết ngay sản phẩm do các bạn khuyết tật làm ra. 

Bộ gà tài lộc, trâu mục đồng, chú heo con ngộ nghĩnh, bộ dê an khang, bộ voi Bản Đôn với màu sắc bắt mắt, thiết kế đa dạng, đặc biệt gây ấn tượng rất Việt Nam với khách hàng. 

"Chúng tôi luôn muốn người Việt Nam và bạn bè quốc tế nhìn thấy sản phẩm của chúng tôi không chỉ đẹp, người làm ra nó là những người yếu thế, mà qua đó họ còn hiểu được văn hóa Việt Nam" - anh Hoài mong ước.

Hướng đi sắp tới, Kym Việt sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm. Đồng thời, phát triển "KymViet Space" trở thành điểm đến cho du khách quốc tế dừng chân, nghỉ ngơi, mua sắm, giao lưu với những người thợ đặc biệt ở đây. 

"Chúng tôi mong muốn cộng đồng thấu hiểu người khuyết tật. Biết đâu nhờ đó người khuyết tật có cơ hội làm việc được cho họ" - anh Hoài bộc bạch.

Cứ đi, rồi sẽ đến đích

Tai nạn từ năm 7 tuổi khiến anh Hoài phải ngồi một chỗ. "Khi đã mang khiếm khuyết trên người sẽ có rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Sự kỳ thị, có đấy, nhưng tôi biết cách để vượt qua, biết cách làm cho nó nhẹ nhàng hơn.

Rất may, tôi có kinh nghiệm về kinh doanh, có sự hỗ trợ bên ngoài. Tuy tôi là người khuyết tật vận động, làm mọi thứ lâu hơn một chút nhưng tôi sẽ làm được. Tôi nghĩ có đi sẽ đến đích" - anh Hoài tâm niệm.

"Việc tôi làm được là kích năng lượng của các bạn, cho họ thấy họ có quyền hạn xử lý công việc, phát huy tài năng từng người.

Chúng tôi tin tưởng họ và giúp họ tự tin cùng làm công việc chung suôn sẻ, thuận lợi. Ai cũng làm hết mình để khẳng định là mình làm được" - anh Hoài chia sẻ về cách để những người thợ đặc biệt gắn bó với nghề nghiệp, tự lập mưu sinh.

Nguồn: tuoitre.vn

Sưu tầm: Ngọc Song