Chắp cánh cho người khuyết tật

Ngày đăng: 25/12/2020 - 846 lượt đọc

Cơ sở may công nghiệp người khuyết tật (trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP Đà Nẵng) nằm trong ngõ nhỏ trên đường Hoàng Văn Thái, quận Liên Chiểu là nơi giúp người khuyết tật (NKT) có việc làm, có thu nhập từ đó tạo động lực vươn lên trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Hoàng Long (ngoài cùng bên trái) cùng các công nhân khuyết tật tại xưởng may.

Những khởi đầu

Trong 20 năm làm việc tại Hội Bảo trợ, ông Nguyễn Hoàng Long nhận thấy cần có một cách làm, một mô hình thiết thực hỗ trợ  NKT được ổn định về lâu dài. Sau nhiều lần bàn bạc, ông Long và chị Trịnh Thị Ngân (quản lý cơ sở may) đã lựa chọn thành lập một cơ sở may công nghiệp cho NKT. Lãnh đạo phường Hòa Khánh Nam đã cho mượn một trường mầm non cũ làm địa điểm. Với nguồn kinh phí vận động hơn 300 triệu đồng từ các đơn vị, nhà hảo tâm, sau khi cải tạo lại, cơ sở may đã có đủ phòng ốc khang trang, máy móc hiện đại, bảo đảm cho 25 công nhân là NKT có thể thiết kế, sản xuất các sản phẩm may mặc. Cơ sở cũng có phòng nghỉ ngơi, phòng bếp, phòng ăn cho mọi người nghỉ trưa và những lao động ở xa tiện ở lại.

Có địa điểm, có máy móc, chị Trịnh Thị Ngân lại đến từng nhà để xin cho các em đi làm. Đây là những trẻ khuyết tật tham gia sinh hoạt tại Hội, được học nghề may tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện dành cho NKT. Tuy vậy, để các em tự lập, đi làm vẫn còn là nỗi lo của các phụ huynh, bởi các em mắc nhiều dạng khuyết tật như: khiếm thính, câm điếc, động kinh, đi lại khó khăn…“Phụ huynh thường lo lắng việc con mình sẽ không thể hoàn thành được công việc và gây ảnh hưởng đến mọi người. Nhưng tôi cam đoan các em đều có thể hiểu được ý nghĩa việc làm của mình, và việc này cũng giúp cho các em khôi phục phần nào bệnh tật cho nên đã nhận được sự đồng ý” - chị Ngân chia sẻ.

Tháng 2-2020, cơ sở đi vào hoạt động với 20 em vừa học nghề vừa làm việc có tuổi đời từ 17, 18 đến hơn 20 tuổi. Tại đây, các em được chia làm hai bộ phận may sản phẩm đơn giản như miếng lau ô-tô, lau tàu xe và sản phẩm cao cấp gồm áo khoác nữ, chống nắng các loại, áo phông, áo pô-lô nam… Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của mọi người khi các sản phẩm đều có được thị trường, được đón nhận rộng rãi.

Mỗi người ở đây có thu nhập theo sản phẩm và theo bộ phận, có thể một đến hai triệu đồng, hoặc bốn, năm triệu đồng/tháng. Tuy số tiền nhỏ bé, nhưng đây là thu nhập do tự mỗi người làm nên, được làm việc, có sản phẩm và được đón nhận không chỉ là niềm vui mà còn là động lực rất lớn cho mọi người. Nơi này cũng đã trở thành ngôi nhà chung để những người cùng cảnh ngộ chia sẻ buồn vui, động viên nhau vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. 

Chiếc “cần câu” bền vững

Cầm bút dạ, hí hoáy viết “Khánh: 22 kg” lên bảng trắng được gắn ở bức tường trong gian phòng may sản phẩm đơn giản, Phan Công Khánh (17 tuổi) cười tươi chỉ cho mọi người đến thăm  sản phẩm mà em đã làm được trong buổi sáng. Với mỗi ki-lô-gam sản phẩm làm xong em sẽ được trả 3.500 đồng. Khánh không may bị câm, em vào đây từ tháng 4 vừa học việc vừa làm việc. Em viết cho chúng tôi mấy chữ nguệch ngoạc lên bảng trắng khi được hỏi về công việc ở đây thế nào? Chỉ một chữ “vui” thật to, cậu còn vui vẻ giới thiệu những người bạn làm cùng trong phòng. Khánh viết, tháng đầu tiên đi làm em nhận được 600 nghìn đồng nên đã mang về biếu hết cho mẹ.

Ở cả hai bộ phận may, chỉ có tiếng máy may liên tục vang lên cả gian phòng, các em ở đây chủ yếu trao đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu. Những bàn tay thuần thục cho ra những sản phẩm đạt chất lượng yêu cầu. Vợ chồng anh Trương Đình Tuấn và chị Bùi Thị Thùy Linh (40 tuổi) làm việc tại bộ phận may cao cấp. Anh Tuấn chân tay yếu, đi lại khó khăn. Chị Thùy Linh không thể nói, hai vợ chồng trước nay sống dựa vào thu nhập bấp bênh từ công việc nhận đồ về may tại nhà. Được chị Ngân động viên hai vợ chồng vào cơ sở để làm việc, anh chị không khỏi xúc động: “Làm việc ở đây không chỉ có thu nhập ổn định hơn, mà cả hai vợ chồng và các em đến làm đều cảm nhận được giá trị của bản thân, được tôn trọng và cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống rất nhiều”.

Giữa năm, cơ sở may đã khai trương gian hàng tại phường An Khê (quận Thanh Khê) nhằm xúc tiến giao dịch, giới thiệu, quảng bá hoạt động và bán sản phẩm của NKT. Một số em cũng được chia ca để tham gia đứng bán, có thêm thu nhập. “Chúng tôi đang cố gắng hơn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, ngoài một số đơn vị nhận nhập hàng, chúng tôi sẽ liên hệ để đặt các quầy hàng của cơ sở tại một số chợ, siêu thị cho các em đứng bán. Cả tôi và cô Ngân đều cố gắng để cơ sở này có thể đón nhận nhiều trẻ khuyết tật hơn nữa có nhu cầu làm việc được vào đây” - Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và trẻ em mồ côi TP Đà Nẵng Nguyễn Hoàng Long tâm huyết. 

Cơ sở may đã giúp cho những người làm việc tại đây có cuộc sống tốt hơn, tự tin vào năng lực, vào chính bản thân mỗi người; và tạo động lực cho mọi người khẳng định mình trong chính gia đình và xã hội.

Nguồn: nhandan.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Bình