Cô gái lưng còng 'làm đôi mắt' cho chồng

Ngày đăng: 26/03/2021 - 994 lượt đọc

Đã bốn năm nay, chị Phước và anh Bình đi đâu cũng có nhau bởi người vợ là "đôi mắt" cho anh chồng khiếm thị, còn chồng là "điểm tựa" cho cô vợ lưng còng.

4h30 sáng một ngày giữa tháng 11, Trịnh Thị Phước trở dậy, giục chồng thay đồ rồi lên xe vào trung tâm thành phố, cách nhà gần 50 km. Hôm nay họ cùng với 49 cặp đôi khác sẽ được xúng xính trong bộ đồ cô dâu, chú rể, đi chụp ảnh để làm album trong một đám cưới tập thể dành cho người khuyết tật sắp được tổ chức tại Hà Nội. "Lần này chúng tôi được tổ chức những người có cùng hoàn cảnh như mình, vui lắm", Phước nói. Người phụ nữ 30 tuổi cho hay, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên đây là cơ hội hiếm hoi vợ chồng tạo cho nhau những khoảnh khắc lãng mạn như thuở mới yêu.

Hai vợ chồng Phước- Bình hằng ngày chở nhau trên chiếc xe máy tự chế dành cho người khuyết tật rong ruổi hàng chục km để hát rong kiếm tiền. Ảnh: Hải Hiền.

 

Thực ra, cặp vợ chồng này đã nên duyên với nhau từ bốn năm trước. Hồi đó, Phước là cô gái tật nguyền với dáng đi xiêu vẹo, lưng còng lệch sang một bên do hậu quả của một lần tai biến, áp xe cột sống sau trận sốt năm 9 tuổi. Lần đầu tiên gặp anh Lê Văn Bình, một người khiếm thị bẩm sinh, cô gái đã thấy có cảm tình bởi chàng trai có giọng hát rất ngọt ngào, lại nói chuyện hóm hỉnh.

"Trước khi gặp anh Bình, biết hoàn cảnh của mình nên tôi chẳng dám nghĩ ngợi gì đến chuyện có một hạnh phúc riêng. Một số người từng khuyên cố kiếm đứa con nương tựa tuổi già. Khi buồn cũng tặc lưỡi hay làm thế thật nhưng nhát, chưa dám", cô gái bộc bạch.

Sau lần gặp gỡ, hai người thường xuyên hỏi thăm nhau và tình cảm cứ thế âm thầm lớn dần lên mà cả hai chẳng hề hay biết. Những cuộc gọi từ 10-15 phút ban đầu, sau kéo dài 4-5 tiếng mà vẫn cảm thấy thiếu. Cả hai đều không dám ngỏ lời bởi sợ hoàn cảnh của mình sẽ làm người kia khổ thêm. Cho đến một lần, anh Bình bị ốm nằm bẹp giường mất mấy ngày. Ở trọ, không ai chăm sóc nên anh gọi cho Phước khi đó đang ở Bắc Giang. Thương chàng trai mù, Phước bắt xe khách lên Hà Nội, nấu cho anh bát cháo giải cảm rồi lại lên xe về. Sau ngày hôm đó, chàng trai chính thức ngỏ lời yêu. Để có thời gian gần nhau, mỗi tuần Phước lại vượt 60 km đến với Bình. Họ thường dắt nhau đi dạo quanh khu anh ở, cô gái liêu xiêu đi trước, chàng trai mùa đặt tay lên vai người yêu đi theo sau, ríu rít trò chuyện.

Nhưng tình yêu của họ bị hai bên gia đình kịch liệt phản đối. "Một đứa đi lại khó khăn, đứa còn lại không nhìn thấy gì, nếu cả hai đến với nhau rồi ai có thể làm chỗ dựa cho người kia, ai có thể chăm sóc cho người còn lại?", bà Bùi Thị Sắt, mẹ anh Bình khuyên con.

Lường trước được phản ứng của mọi người, Phước không buồn giận hay oán trách mà chủ động nói lời chia tay. Đúng thời điểm này cô phát hiện mình có thai và quyết định làm mẹ đơn thân. Biết chuyện, Bình nhờ người chở lên nhà Phước, nắm chặt tay người yêu: "Từ giờ chúng ta là một gia đình. Anh sẽ làm tất cả mọi thứ để chăm lo cho hai mẹ con". Nói rồi anh dắt tay Phước về nói chuyện với mẹ.

Tháng 6/2016, chỉ sau một tuần chuẩn bị, đám cưới nhỏ nhanh chóng được tổ chức. Cô dâu, chú rể chỉ chụp một tấm ảnh duy nhất rồi phóng thành hai ảnh to, mỗi bên gia đình treo một cái. Buổi lễ diễn ra đơn giản nhưng nhiều người đến dự vì tò mò "Muốn xem mặt cô dâu của thằng Bình thế nào mà cưới vội thế", họ nói với nhau.

Cưới vợ về, hộ nghèo nhất xóm của chàng trai, càng thêm túng thiếu. Căn nhà mái ngói 10 m2 được ngăn đôi bằng một tấm cót để làm phòng tân hôn. "Phòng mới" của hai vợ chồng khi đó chỉ kê vừa một chiếc giường, chừa đủ một lối đi bé tẹo. Thời điểm cưới vào mùa mưa bão, phía trên giường phải giăng bạt để hứng nước mưa dột. Căn nhà nhỏ xíu, trống trơn chẳng có một vật dụng giá trị, tình yêu là thứ duy nhất họ dùng để lấp đầy cuộc sống khó khăn khi đó.

Để có tiền trang trải cuộc sống, Phước quay lại Bắc Giang để mở một cửa hàng sửa chữa quần áo nằm ngay mặt đường quốc lộ. Còn Bình hàng ngày vẫn vượt hàng chục km đi làm tại một trung tâm tẩm quất matxa của hội người mù. Gom góp tiền, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước dành cho hộ nghèo, năm 2017, hai vợ chồng xây được một ngôi nhà mái bằng thay thế cho nhà tranh vách đất. Làm nhà xong, Phước về nhà chồng, sửa chữa quần áo tại nhà. Hai đứa con khỏe mạnh, lành lặn lần lượt chào đời.

Cặp vợ chồng này đi đâu cũng có nhau. Vợ đi trước, chồng đặt tay lên vai vợ theo sau, ríu rít trò chuyện không rời. Ảnh: Hải Hiền.

Nhưng con cái lớn dần, thu nhập từ sửa chữa quần áo và làm matxa của hai vợ chồng không đủ chi tiêu. Hơn một năm trở lại đây, để có thêm thu nhập, mỗi sáng cứ khoảng 4h, người vợ lại đèo chồng trên chiếc xe ba bánh tự chế rong ruổi khắp các khu chợ của các huyện ngoại thành Hà Nội, bán đũa, tăm tre. Phước đi trước làm đôi mắt chỉ đường cho chồng, còn Bình theo sau hát để mời khách mua.

Ngày hai lần, vợ dắt chồng đi hát rong rồi lại đưa về trung tâm matxa tẩm quất cho khách, mọi việc kết thúc lúc 23h. Đêm nào, người phụ nữ chỉ 35 kg cũng chạy chiếc xe 3 bánh lên trung tâm huyện cách nhà 6 km đón chồng. Dù trời lạnh thấu xương hay mưa bão rát mặt, chưa khi nào chị đón anh muộn một phút. "Vợ chồng tôi đi đâu cũng có nhau, vì giờ tôi là ánh mắt của anh, anh là điểm tựa của tôi", Phước nói.

Thời gian đầu hát rong mưu sinh, có lần hai vợ chồng đi hơn 2 tiếng mới đến được khu chợ thì trời đổ mưa, đồng nghĩa với việc không bán được hàng. Người vợ lén nhìn sang chồng thì thấy anh cũng đang quay đi, đưa tay gạt ngang mắt. Phước nói mỗi ngày cô đèo chồng vượt hàng chục cây số đến các điểm chợ trong rồi ngoài tỉnh, mới hơn một năm rong ruổi, giờ đã có tiếng "tay lái lụa", chẳng khác gì đàn ông. Nhưng cũng có những hôm trời mưa, gặp ổ gà, đường trơn trượt tay lái người phụ nữ khuyết tật run run rồi mất thăng bằng, trượt bánh ngã nhào xuống đường, lấm lem hết quần áo. Rồi có lần còn bị đội trật tự thu giữ đồ nghề phải ngồi không cả ngày. Sau thấy thương hoàn cảnh, họ lại thả ra. "Lần đó mừng quá, dù cả ngày chẳng bán được đồng nào nhưng cũng vui như trúng số", Phước kể lại.

Dù vất vả nhưng người phụ nữ này khẳng định cuộc sống vợ chồng hiện tại vẫn có thể tự lo cho nhau. Hai vợ chồng cũng cố gắng làm mọi việc trong nhà để đỡ đần mẹ chồng, không để bà phải thêm lo lắng. Gần 6 năm bên nhau, Phước - Bình cũng chưa một lần to tiếng.

Trong căn nhà mới nằm cuối con ngõ nhỏ, Phước cùng chồng lật giở những bức ảnh cưới mới nhất. Người phụ nữ 30 tuổi đùa rằng gương mặt cô dâu không còn nhiều nỗi buồn và sự lo lắng như 6 năm trước. "Giờ là sự viên mãn của người phụ nữ chồng con đuề huề", cô nói rồi nắm chặt tay chồng.

Nguồn: vnexpress.net.

Sưu tầm: Ngọc Song