Độc đáo tranh từ vỏ ốc... bể của cô nàng khuyết tật

Ngày đăng: 13/11/2020 - 1247 lượt đọc

Những vỏ ốc bể là nguyên liệu chị Ngọc Hiếu chọn để tạo nên những bức tranh độc đáo từ đôi tay khiếm khuyết của mình. Chị biết những gì không lành lặn như cơ thể chị có thể tạo nên điều kỳ diệu.

Chị Ngọc Hiếu tìm được niềm vui và sự tự tin từ những vỏ ốc bể

LÊ NGỌC THẢO

Chị Trần Thị Ngọc Hiếu (36 tuổi), chủ thương hiệu Tranh đá quý của Hiếu bị liệt cả hai chân và một bàn tay từ năm ba tuổi. Nhưng với niềm đam mê và khả năng làm tranh nghệ thuật của mình, chị Hiếu đã biến những con ốc vô tri vô giác thành tác phẩm độc đáo.

Góp chút sức bảo vệ môi trường

Chị Ngọc Hiếu cho biết trước đây chị từ Đồng Nai trốn gia đình lên TP.HCM học làm tranh từ đá quý. Đến cuối năm 2014, sau lần hợp tác làm tranh từ vỏ ốc với một thương gia người Anh khá thành công, chị quyết định đi theo con đường này.

6 năm gắn bó với những vỏ ốc đa dạng, nhiều màu sắc, chị Hiếu cho ra đời hơn 1.000 tác phẩm tranh ốc và các sản phẩm làm từ vỏ ốc các loại như bình hoa, hộp đựng bút, hộp nữ trang, hoa cưới, cài tóc, vòng tay, khung ảnh… Chị còn dùng ốc để trang trí đồng hồ, heo đất.

Những con ốc vô tri vô giác qua bàn tay của chị Hiếu trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Chị Ngọc Hiếu cho biết, mỗi sản phẩm chị làm ra đều “độc nhất vô nhị”, không cái nào giống cái nào. Với cả những con ốc còn nguyên hình dáng hay bị bể, chị đều biết cách xếp chúng vào nơi thích hợp để tạo nên ý nghĩa trong tác phẩm của mình.

“Hầu hết các ý tưởng của mình đều xuất hiện sau khi nhìn vào những vỏ ốc mình có được. Nếu có ý tưởng sẵn rồi thì mình làm 2, 3 tiếng là xong một bức tranh, còn bí quá thì 1, 2 ngày”, chị nói thêm.

Chị Hiếu cho biết Việt Nam rất đa dạng về các loài ốc, nào là ốc chai, ốc đá, sò điệp, con vẹm… ở khắp các bờ biển như Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Yên. Chị thu mua từ nhiều nguồn đồng thời còn được bạn bè, người thân tặng sau mỗi chuyến đi chơi.

"Với mình, những nguyên liệu này không hề độc hại, tưởng chừng như vô tri và vứt đi nên được “sống” lại một lần nữa để trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Sức mình có hạn nên chỉ có thể làm trong khả năng, mình mong khi mọi người nhìn vào có thể nghĩ đến việc bảo vệ môi trường cũng như trân trọng những sản vật thiên nhiên ban tặng”, chị Hiếu tâm sự.

Nhiều năm theo dõi hành trình của một người khuyết tật học làm tranh đá và bây giờ là tranh ốc, chị Lê Tuyết (31 tuổi) cho biết chị Ngọc Hiếu là một người luôn lạc quan, vui vẻ và hết mình vì công việc.

“Từ trước đến nay, chị Hiếu chưa bao giờ xem khuyết điểm trên cơ thể mình là bất hạnh mà chấp nhận, sống vui vẻ và xem đó là động lực để làm nên những điều ý nghĩa. Hơn nữa, chị luôn nghĩ về môi trường, thôi thúc mọi người quan tâm nó nhiều hơn cũng trân trọng những vật thể quý hiếm của biển cả thông qua những tác phẩm ốc độc đáo của mình”, chị Tuyết nói thêm.

Những vỏ ốc “tự tin”

Dù gắn bó với tranh ốc nhiều năm nhưng đến nay chị Hiếu mới có “duyên” mở cửa hàng chính thức cho sản phẩm của mình tại Q.1. Từ khi biết vợ có ý định, anh Phạm Vương Vũ (37 tuổi), người chồng cũng khiếm khuyết về đôi chân như chị, đã quyết định nghỉ chạy xe công nghệ để về toàn tâm toàn lực giúp sức cho vợ.

Nói về “đứa con” tinh thần này của hai vợ chồng, anh Vũ hào hứng: “Hiếu tâm huyết với cửa hàng lắm, giành làm mọi thứ không cho mình động vào. Từ trang trí, làm sản phẩm đến ý tưởng đều muốn tự làm. Mình chỉ phụ những việc cần dùng sức như giã đá, giã ốc, vận chuyển hàng hay chăm sóc cho con gái Thục Đoan để vợ tập trung cho sản phẩm. Vợ làm gì mình cũng đều ủng hộ hết sức”.

Chị Hiếu cho biết chị không e ngại thời điểm này khi không có khách nước ngoài đến mua vì phần lớn khách hàng của chị là người Việt Nam. Chị luôn mong rằng, khách hàng đến mua vì chất lượng, tính nghệ thuật và ứng dụng của sản phẩm chứ không phải chỉ để ủng hộ cho người khuyết tật.

Chị Trần Thị Ngọc Thảo (38 tuổi, Đồng Nai) - chị ruột của chị Hiếu cho biết chị Hiếu là người có quyết tâm cao, đã làm là làm đến nơi đến chốn, lúc nào cũng nhiệt huyết dù cơ thể khiếm khuyết và gặp nhiều trở ngại.

Hiếu bị khuyết tật nhưng bù lại ông trời cho Hiếu khả năng nghệ thuật và sự tử tế. Từ nhỏ Hiếu đã biết vẽ, lớn lên thì học làm tranh đá rồi giờ là tranh ốc. Sản phẩm của Hiếu luôn ẩn chứa sự tinh tế, tỉ mỉ và có hồn”, chị Thảo tâm sự.

Ngoài buôn bán, chị Hiếu mong cửa hàng của mình là nơi để những bạn khiếm khuyết như chị đến học việc, gắn kết và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống qua những vỏ ốc không vẹn toàn. Chị nghĩ rằng dù là vỏ ốc bể hay còn nguyên thì cũng có những vị trí thích hợp để tạo nên giá trị đặc biệt cho những tác phẩm của chị.

Chị Hiếu quan niệm: “Con người cũng thế, không có ai là bỏ đi và vô dụng cả, chỉ cần ở đúng nơi, đúng chỗ là có thể phát huy hết khả năng vốn có. Ngày trước mình cũng cảm thấy tự ti và thu mình trong “vỏ ốc” của bản thân nhưng hiện tại mình đã hoàn toàn thoát khỏi và biến nó thành những “bông hoa ốc” đại diện cho sự tự tin, lạc quan và cả những khiếm khuyết của mình. Mình làm được và hy vọng mọi người cũng thế".

Nguồn: thanhnien.vn

Sưu tầm: Ngọc Song