Tranh giấy xoắn và ước mơ khởi nghiệp

Ngày đăng: 19/08/2019 - 1381 lượt đọc

Tỉ mỉ, kiên nhẫn… cuộn tròn những sợi giấy mầu đa sắc tạo nên bức tranh sống động, những người khuyết tật ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đang hằng ngày vượt khó vươn lên, tự lo cho bản thân và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ tìm thấy niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống.


Anh Trần Ngọc Hòe, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) giới thiệu sản phẩm tranh giấy xoắn quilling. (Ảnh: Ngọc Liên)

Quilling là tranh giấy xoắn, dùng sợi giấy nhiều mầu sắc vê tròn lại rồi khảm lên bề mặt các vật liệu khác nhau tạo nên bức tranh hoàn chỉnh. Nghe thì đơn giản nhưng bộ môn này đòi hỏi sự kiên trì và óc sáng tạo cũng như sự khéo léo của đôi tay. Anh Trần Ngọc Hòe, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư là người đầu tiên đưa bộ môn tranh giấy xoắn này về Ninh Bình. Là người khuyết tật vận động, sớm mắc căn bệnh loãng xương cơ tiến triển cho nên khả năng đi lại của anh bị hạn chế. Không chán nản, bi quan, cách đây ba năm, anh Hòe tham gia khóa đào tạo hai tháng học làm tranh giấy xoắn ở Hà Nội, và đầu năm nay, anh Hòe mạnh dạn đưa các sản phẩm do mình làm ra mắt thị trường. Không những thế, anh còn cưu mang, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, lập nên nhóm Bình An, dạy nghề và làm các sản phẩm tranh giấy xoắn.
Không có điều kiện theo học bất cứ trường lớp nào về mỹ thuật, nhưng anh Hòe đã tạo nên nhiều bức tranh sống động cũng như các sản phẩm đa dạng khác như thiệp, khuyên tai, bưu thiếp. Những bức tranh do nhóm làm đa dạng các chủ đề, về phong cảnh quê hương Ninh Bình, cây cỏ, thiên nhiên, con người… Anh Hòe cho biết: Trung bình một bức tranh đơn giản làm mất hai đến ba ngày. Những bức tranh lớn và nhiều chi tiết thì làm hơn một tuần mới hoàn thành. Do chất liệu là giấy của Nhật Bản cho nên tranh không chỉ đẹp mà còn khá bền, có thể lưu giữ và trưng bày lâu dài.
Anh Hòe hào hứng chia sẻ: Làm tranh giấy xoắn không khó, nhưng cần sự kiên nhẫn. Giấy xoắn phải được cuốn đều tay, tạo hình thật tỉ mỉ, nếu không khéo hoặc nóng vội có thể làm nhăn hoặc hỏng giấy. Càng làm sẽ càng cảm nhận sự thú vị với sản phẩm mình làm ra. Từ những sợi giấy mỏng, đơn giản, với sự tưởng tượng của mỗi cá nhân, có thể tạo nên những sản phẩm sống động. Ðể có sự đa dạng về mẫu mã, không chỉ dựa trên những khuôn mẫu, phôi sẵn có theo phong cách tranh giấy xoắn quilling, anh Hòe tham khảo mẫu mã trên in-tơ-nét và thiết kế nên những mẫu mới. Bằng sự nhạy cảm về mầu sắc, anh phối mầu, ghép, sắp xếp từng miếng giấy xoắn với nhau tạo thành những khối nổi, những đường nét uốn lượn và mảng miếng theo ý đồ, tạo điểm nhấn ở những chi tiết như tà áo, thớ áo, đường cong… làm nên sự mềm mại, sống động cho tổng thể bức tranh. Những đường xoắn sinh động khiến bức tranh có hồn và mang dấu ấn riêng của người làm nên chúng. Chứng kiến các anh chị trong nhóm Bình An chăm chú làm các sản phẩm, mới thấy những tấm thiệp, đôi khuyên tai… kỳ công ngay từ khâu thiết kế mẫu cho đến khâu xoắn giấy, dán giấy.
Mẫu mã đa dạng, có thể làm quà tặng sinh nhật, mừng nhà mới, trang trí nhà cửa với giá thành khá thấp, nhưng sản phẩm của nhóm Bình An đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Nếu như ở các thành phố lớn, những sản phẩm thủ công rất được ưa chuộng, có nhiều câu lạc bộ, hội, nhóm được lập ra hỗ trợ… thì ở Ninh Bình, sản phẩm này chưa thật sự được quan tâm. Khi chúng tôi đến thăm, trong căn phòng nhỏ đầy giấy, keo, khung tranh, giấy cuộn, anh Hòe cùng các thành viên trong nhóm Bình An đang cần mẫn đóng gói tranh, thiệp, khuyên tai để ký gửi tại Trung tâm Người khuyết tật Ninh Bình… để chào bán sản phẩm.
Với thu nhập khoảng ba triệu đồng mỗi tháng, chỉ đủ để các anh chị trang trải chi phí cuộc sống và tiền viện phí, vượt lên những khó khăn hằng ngày, nhóm Bình An vẫn lạc quan với môn nghệ thuật này. Vừa động viên nhau làm, vừa loay hoay tìm hướng đi cho sản phẩm, ngoài giúp đỡ chị Hà Thị Tụy và Vũ Thị Hương là thành viên của nhóm, đều bị bệnh tan máu bẩm sinh, tháng nào cũng phải đi điều trị ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, anh Hòe còn tìm thêm người cùng hoàn cảnh để dạy làm nghề, tạo cơ hội cho họ có việc làm. Nhiều người khuyết tật ở Ðà Nẵng, Quảng Nam… muốn ra đây học nhưng anh không đủ điều kiện chỗ ăn, ở cho họ nên đành từ chối.
Hầu hết những người khuyết tật đều không có khả năng lao động, phải sống dựa vào gia đình, người thân, vì thế tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân là điều đáng quý. Nỗ lực của nhóm Bình An, cũng như sự năng động, mạnh dạn của anh Hòe rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức của chính quyền địa phương trong khâu quảng bá, tiếp thị tìm đầu ra cho sản phẩm để những người khuyết tật có động lực làm việc, vươn lên trong cuộc sống…
 

Nguồn: nhandan.com.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song