Câu chuyện về chàng doanh nhân khiếm thị Phạm Văn Phương, người làng La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn được nhiều người nhắc đến như một chuyện cổ tích thời hiện đại.
Một doanh nhân đặc biệt
Mang tiếng là giám đốc của một công ty lớn nhưng căn phòng làm việc của Tổng Giám đốc Phạm Văn Phương chẳng có gì đáng giá ngoài hai chiếc điện thoại bàn liên tục réo.
Bị khiếm thị nên không được học hành đến nơi đến chốn nhưng không ngăn được ý chí làm giàu của doanh nhân Phạm Văn Phương - (Ảnh Nguyễn Tuyến).
Bị khiếm thị và chỉ còn 30% thị lực, không thể nhìn thấy chữ trên sổ sách cũng như chữ trên màn hình máy vi tính nên mọi công việc và những số liệu kinh doanh, giám đốc Phương vẫn phải nhớ hết trong đầu.
Vừa tiếp khách, thi thoảng lại có nhân viên gõ cửa hỏi ý kiến quyết định của anh về những bản hợp đồng mua bán trị giá cả tỷ đồng. Nghe giám đốc Phương chỉ thị cho cấp dưới thực hiện những hợp đồng tiền tỷ, cứ nhẹ như cái việc người ta đi chợ mua con cá, mớ rau, khiến tôi phải bàng hoàng.
Phạm Văn Phương kể: do bị khiếm thị từ nhỏ nên đường học hành của anh rất vất vả. Học chưa hết cấp một, anh đã phải nghỉ để làm lụng kiếm sống. Vì vậy, trong khi bạn bè cùng trang lứa vẫn đang mài đũng quần trên lớp học, Phương đã phải lăn lộn kiến sống với cơ sở dệt len của gia đình.
Công việc làm chủ cơ sở dệt len không mấy thành công, nên năm 1997, mới 21 tuổi, sau khi vừa cưới vợ, Phương liều lĩnh đến nỗi đi vay tiền với lãi suất lên đến 30%/năm để lấy vốn thành lập Công ty TNHH Song Phương trên phố Tây Sơn. Công ty của Phương chuyên kinh doanh linh kiện máy tính và bán buôn điện thoại di động cho các đại lý tại Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận.
Anh bảo: Thời “hoàng kim” của công ty TNHH Song Phương, công ty có hơn 50 nhân viên kinh doanh và ma két tinh cùng khoảng 20 nhân viên kỹ thuật.
Thế nhưng, sau 2 năm kinh doanh phát đạt, Phạm Văn Phương vẫn phải quyết định giải thế công ty TNHH Song Phương. Bởi, hoạt động kinh doanh khi ấy gặp nhiều khó khăn. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh không đủ bù để trả tiền vay nặng lãi hàng tháng. Vì vậy, sau hai năm kinh doanh, anh cũng chẳng để ra được đồng nào. Trái lại, anh cảm thấy may mắn vì sau khi công ty giải thể, anh vẫn còn đủ tiền để trả các chủ nợ.
Sau khi giải thể công ty, kinh tế gia đình Phạm Văn Phương gần như rơi vào cảnh khánh kiệt. Hạnh phúc gia đình khi ấy cũng không được như mong muốn, bắt đầu có những rạn nứt và lục đục dẫn tới sự đổ vỡ sau đó không lâu.
Không là gánh nặng xã hội
Không chấp nhận bó tay ở nhà, Phạm Văn Phương xin vào làm đại diện cho một doanh nghiệp Hàn Quốc có trụ sở ở Vĩnh Phúc, chuyên sản xuất hợp chất cácbonnat canxi. Đó là một doanh nghiệp mới xâm nhập thị trường Việt Nam nên hoạt động kinh doanh của họ gặp rất nhiều khó khăn.
Dây chuyền sản xuất bao bì PP tại công ty của Phạm Văn Phương - (Ảnh Nguyễn Tuyến).
Thế nhưng, tuyển đại diện kinh doanh tại Việt Nam, nhà tuyển dụng đã bị sốc vô cùng khi gặp một ứng cử viên khiếm thị, bằng cấp thì không có những thứ sơ đẳng nhất. Song, lại khăng khăng khẳng định sẽ giúp doanh nghiệp này nhanh chóng mở rộng thị phần và làm ăn phát triển tại thị trường Việt Nam.
Với sự tự tin đặc biệt của mình, Phạm Văn Phương đã vượt qua hàng chục đối thủ với đủ loại bằng cấp xanh đỏ và được tuyển dụng làm đại diện kinh doanh tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài kia.
Ở vị trí đại diện kinh doanh, anh gặp rất nhiều khó khăn, bởi sự khiếm khuyết của đôi mắt. Hàng ngày, anh đi chào hàng và gặp đối tác ở khắp nơi, nhưng lại không thể tự đi, mà phải thuê xe ôm hoặc xe taxi với chi phí rất lớn. Vì vậy, đến cuối tháng lĩnh lương, số tiền anh đem về cho gia đình chẳng đáng là bao.
Hàng trăm người bình thường đã được tạo công ăn việc làm từ một doanh nhân khiếm thị - (ảnh Nguyễn Tuyến).
Làm đại diện kinh doanh cho doanh nghiệp Hàn Quốc được 2 năm anh, đã thực hiện được đúng cam kết như lúc xin việc là giúp doanh nghiệp mở rộng và phát triển tại thị trường Việt Nam. Nhưng khi đã có rất nhiều khách hàng và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất hạt nhựa cacbonat canxi, Phạm Văn Phương lại muốn tách ra mở công ty riêng.
Vì vậy, đến năm 2001, anh thuyết phục được mấy người bạn chung vốn, quyết định thành lập một công ty TNHH, cũng sản xuất hợp chất cacbonat canxi, tại Khu công nghiệp An Khánh, Hà Nội.
Hoạt động kinh doanh của công ty này đang tiến triển rất nhanh, nhưng bất đồng trong hoạt động điều hành và kinh doanh với mấy cổ đông sáng lập. Vì vậy, năm 2006, Phương lại tách riêng thành lập công ty chuyên sản xuất bao bì PP cho các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Sau gần 4 năm hoạt động, doanh thu của công ty luôn tăng theo cấp số nhân. Năm 2009, công ty do Phạm Văn Phương làm giám đốc có trên 300 công nhân làm việc và doanh thu đạt trên 200 tỷ đồng.
Mới đây, Phạm Văn Phương còn thành lập thêm 2 công ty nữa chuyên kinh doanh hạt nhựa và hợp chất cacbonat canxi, là nguyên liệu để sản xuất bao bì PP. Cả hai công ty đều mới thành lập nhưng số công nhân hiện cũng đã lên tới hàng trăm người.
Phạm Văn Phương cho biết, trong tương lai mười năm tới, anh sẽ thành lập một tập đoàn, mô hình công ty mẹ-con, hoạt động sản xuất và kinh doanh có thể hỗ trợ cho nhau phát triển.
Rồi bất chợt, Phương trầm ngâm. Anh bảo: La Phù là một làng nghề năng động, nơi có nhiều thanh niên thành đạt nhờ kinh doanh. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh tại La Phù là mô hình làng nghề, kinh doanh theo quy mô gia đình. Đó là một hạn chế. Vì vậy, ngay từ đầu, anh đã muốn vượt qua cái giới hạn đó, ra tận Hà Nội mở công ty.
Sau này, dù thành lập nhiều công ty nhưng anh đều lấy trụ sở là các khu công nghiệp ngoài địa phương làng nghề.
Anh bảo, những người khiếm thị như anh thường rất mặc cảm, và họ là những đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội.
Song, cũng là người khiếm thị nhưng anh chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm vì những khiếm khuyết của mình. Trái lại, lúc nào cũng phải tự vươn lên. Và kết quả, từ một người cần nhận được sự trợ cấp xã hội, thì hiện anh đã trở thành “người bảo trợ”, người tạo công ăn việc làm, nuôi sống hàng trăm người bình thường khác trong xã hội.
Nguồn: vietnamnet.vn
Sưu tầm: Ngọc Bình