Là cơ sở đào tạo nguồn của Hội người mù Việt Nam, chính thức khánh thành và đi vào hoạt động từ năm 1997 với nhiệm vụ là đào tạo và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh, thành hội người mù trong cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của các cấp Hội. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn vì đây là cơ sở đào tạo đầu tiên của Hội Người mù Việt Nam, mô hình đào tạo cũng không giống với các trường học hay những Trung tâm dành cho người khiếm thị khác nên không có mô hình tương tự ở trong nước để học hỏi, giáo trình, tài liệu hầu như chưa có để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập, kinh nghiệm tổ chức khóa học của Trung tâm, kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên còn hạn chế. Song, Trung tâm luôn thực hiện phương châm vừa làm vừa học tập, rút kinh nghiệm, tất cả vì mục tiêu đem lại kiến thức, kĩ năng, giúp người mù Việt Nam vươn lên hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, trên cơ sở sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các ban chuyên môn và căn cứ vào tình hình thực tế ở các địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với nhu cầu đào tạo, cũng như sự phát triển của Hội và người mù nói chung. Trung tâm đã không ngừng tạo điều kiện nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, đến nay, 100 % anh chị em đều đã tốt nghiệp đại học và có văn bằng, chứng chỉ sư phạm giáo dục phổ thông, sư phạm nghề; hơn 30% giáo viên có trình độ thạc sĩ. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với các Trường đại học, các Viện nghiên cứu để tổ chức nhiều khóa học, chương trình tập huấn khác nhau. Qua hơn 20 năm hoạt động, Trung tâm không ngừng mở rộng nội dung và các loại hình đào tạo. Cho đến nay, đã tổ chức được 78 khóa học cho gần 6000 lượt học viên với 23 loại hình lớp như: Đào tạo Nghiệp vụ công tác Hội, giáo viên dạy chữ Braille, phục hồi chức năng, công nghệ thông tin, xoa bóp bấm huyệt, văn nghệ, thể dục, thể thao, cộng tác viên báo chí... Trung tâm còn tham gia biên soạn, chỉnh lí, in ấn, sản xuất các giáo trình, tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy, học tập của người mù và tổ chức các hội nghị, hội thảo về những vấn đề liên quan đến người mù nói riêng, người khuyết tật nói chung. Trung tâm cũng đã làm tốt công tác hỗ trợ đào tạo cho các Tỉnh, Thành hội như: Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc… Đặc biệt, trong những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu phát triển của Hội và hòa nhịp với xu hướng phát triển chung của cộng đồng, Trung tâm đã không ngừng đưa thêm những nội dung mới vào chương trình đào tạo như: xoa bóp chân, xoa bóp Nhật Bản, xoa bóp Thụy Điển, cập nhật kiến thức Tin học, Tiếng Anh, các kĩ năng sống, kĩ năng làm việc như: kĩ năng giao tiếp, trình bày, thuyết phục, kĩ năng tổ chức hội nghị, hội thảo, kĩ năng quản lí và phát triển dịch vụ… Ở đây, học viên được thực hành, xử lí những tình huống cụ thể gắn liền với thực tế công việc. Mặt khác, Trung tâm vẫn không ngừng cố gắng để tổ chức các lớp học ở phía Nam, khu vực miền Trung, Tây Nguyên nhằm giảm bớt khó khăn cho các Tỉnh, Thành hội ở xa. Có thể nói, với vai trò là đơn vị sự nghiệp duy nhất của Hội Người mù Việt Nam, sau hơn 20 năm hoạt động, Trung tâm đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù đã có những đóng góp không nhỏ vào hoạt động giáo dục đào tạo cho người khuyết tật Việt Nam nói chung và sự nghiệp đào tạo cho người khiếm thị của Hội người mù Việt Nam nói riêng. Song trong quá trình hoạt động đã ít nhiều bộc lộ một số tồn tại hạn chế ở các khâu như tổ chức, quản lý, xây dựng chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy,... Đứng trước thực trạng về vấn đề đào tạo cho người mù ở Việt Nam hiện nay và yêu cầu của sự phát triển Hội, phát triển đất nước. Trung tâm cần từng bước thay đổi quy mô và nội dung hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo giúp người khiếm thị trong cả nước được học tập, nâng cao kiến thức, trình độ, kĩ năng nghề nghiệp, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của xã hội. Để việc thay đổi hiệu quả, bền vững, Trung tâm đã xây dựng Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, trong bối cảnh có nhiều sự thay đổi về cơ chế quản lí của Nhà nước đối với các cấp hội như nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động ngày càng hạn chế, cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị ngày càng xuống cấp, hỏng hóc nhiều theo thời gian. Đứng trước những thách thức không hề nhỏ, tập thể Lãnh đạo, giáo viên, công nhân viên của Trung tâm vẫn luôn đoàn kết, vượt mọi khó khăn, tìm kiếm cơ hội để nâng cao chất lượng các mặt hoạt động của Trung tâm như: không ngừng cải thiện trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên thông qua nhiều hình thức đào tạo khác nhau trong nước và quốc tế; nâng cấp cơ sở hạ tầng kĩ thuật, trang thiết bị giảng dạy và học tập;
Nâng cấp, xây dựng nội dung chương trình, giáo trình đào tạo đáp ứng được yêu cầu đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng cao cho cộng đồng, không chỉ với những chương trình đào tạo ngắn hạn trước mắt mà cả những chương trình đào tạo dài hạn trong thời gian tới;
Xây dựng, cung cấp các dịch vụ tư vấn, kết nối và hỗ trợ việc làm sau đào tạo.
Từng bước phấn đấu đến năm 2025 đưa Trung tâm trở thành một mô hình đào tạo có chất lượng đào tạo ngang tầm khu vực. Là địa chỉ tin cậy giúp người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng có cơ hội học tập, rèn luyện, phát huy hết tiềm năng của bản thân để vươn lên vui sống tự lập và bình đẳng, hòa nhập trước cộng đồng.
Phạm Xuân Trường