Học sinh nhóm yếu thế đang ngày càng tăng trong trường học

Ngày đăng: 08/10/2021 - 786 lượt đọc

Học sinh thuộc 'nhóm yếu thế" đang ngày càng gia tăng trong các trường học ở Việt Nam. Mặc dù, đã có sự quan tâm nhóm học sinh này trong các cơ sở giáo dục nhưng kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại buổi Tọa đàm "Giải pháp xây dựng mô hình trường học an toàn thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế" do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 6/10.

Theo số liệu thống kê  của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, tính đến năm 2020, nước ta có khoảng 1,75 triệu trẻ em khuyết tật. Đối tượng học sinh thiệt thòi thuộc nhóm yếu thế gồm trẻ em là con em gia đình nghèo; trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em bị các dạng tật.

Đáng chú ý số học sinh thuộc "nhóm yếu thế" đang ngày càng gia tăng trong các trường học ở Việt Nam. Mặc dù, đã có sự quan tâm đến những học sinh thuộc "nhóm yếu thế" trong các cơ sở giáo dục, tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh chủ trì buổi tọa đàm trực tiếp và trực tuyến "Giải pháp xây dựng mô hình trường học an toàn thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế". 

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng điều kiện học tập của nhóm học sinh yếu thế. Đồng thời chia sẻ các phương pháp để xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện và hòa nhập cho nhóm học yếu thế, đưa ra những khuyến nghị đối với việc xây dựng các mô hình trường học này ở Việt Nam.

Hiện ở Hà Nội và một số tỉnh thành có các trường chuyên biệt và trường có học sinh nhiễm HIV học tập hòa nhập.

Chẳng hạn để xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế, Trường Xã Đàn (Hà Nội) chú trọng thiết kế kế hoạch hoạt động sao cho học sinh nhà trường nói chung và học sinh khuyết tật nói riêng được đảm bảo an toàn, đảm bảo sự thân thiện.

Nhà trường giao cho tổ chức Đoàn Đội thiết kế các cuộc thi, các trò chơi phù hợp với hoạt động tập thể. Ở đó học sinh bình thường và học sinh khuyết tật cùng chơi, cùng thi vui vẻ.

Với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau", tại Đồng Tháp đã xây dựng nhiều mô hình, nhiều phong trào nổi bật hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh.

Trong đó, nhiều học sinh yếu thế do nhiều nguyên nhân khác nhau được chăm lo, được hỗ trợ và được tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để các cháu đến trường vượt qua khó khăn, học tập tốt hơn.

Đặc biệt tỉnh này triển khai công tác xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập bằng nhiều chương trình phòng ngừa và can thiệp học sinh yếu thế…

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ GD-ĐT là xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế. Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ, ban, ngành liên quan để ban hành các văn bản, quy định, chính sách pháp luật để chăm lo, hỗ trợ cho nhóm học sinh yếu thế.

"Việc xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện và hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế nhằm đảm bảo các em được học tập, hoạt động trong môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh, bình đẳng, góp phần phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Qua đó, các em học sinh được giáo dục, nâng cao nhận thức, khắc phục được những khó khăn của bản thân và rèn luyện kỹ năng ứng xử, giải quyết các vấn đề liên quan như: phòng chống xâm hại, kỳ thị; chăm sóc, bảo vệ, rèn luyện sức khỏe bản thân; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, nhân ái, thân thiện, bình đẳng", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương và các tổ chức quốc tế để triển khai các giải pháp thúc đẩy xây dựng trường học an toàn, thân thiện hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế.

Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác hỗ trợ nhóm học sinh yếu thế; Phát triển hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học; Triển khai công tác phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, phòng chống lao động trẻ em; Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh, nhằm tạo dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, lành mạnh, không bạo lực; hướng đến mục tiêu mọi trẻ em được đi học và hòa nhập trong ngôi trường hạnh phúc…

Nguồn: dantri.com.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận