Tập huấn tăng cường năng lực thực hiện nghiệp vụ xác định mức độ khuyết tật

Ngày đăng: 24/07/2019 - 668 lượt đọc

Ngày 23/7, tại TP.HCM, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức buổi tập huấn tăng cường năng lực thực hiện nghiệp vụ xác định mức độ khuyết tật. Tham dự buổi tập huấn có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cùng đại diện lãnh đạo phòng, ban các Sở LĐ-TB&XH ở các tỉnh khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, mục tiêu của buổi tập huấn lần này là giúp cho người học có được nhận thức đúng về người khuyết tật, dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật, biết thực hành các phương pháp, quy trình, phiếu xác định mức độ khuyết tật. Đặc biệt là đại biểu cấp xã vì các địa phương cùng cán bộ này là những người trực tiếp tư vấn hỗ trợ cho người dân.


 
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc buổi tập huấn tăng cường năng lực thực hiện nghiệp vụ xác định mức độ khuyết tật.


Theo Thứ trưởng, hiện để xác định một mức độ khuyết tật còn bị vướng và gặp khó khăn, tiêu chí để định lượng được chính xác là hết sức quan trọng, vì vậy các đại biểu còn vướng mắc hay thắc mắc gì trong quá trình làm việc cứ đặt câu hỏi cùng thảo luận và nghiên cứu để tìm ra hướng giải quyết.
“Hiện vẫn còn nhiều nơi có sự phân biệt người khuyết tật, không tạo điều kiện hỗ trợ những người khuyết tật trong sinh hoạt, công việc… Người khuyết tật vẫn còn thiệt thòi, chúng ta là những người đang thực hiện công việc này tôi mong các đồng chí mạnh dạn trao đổi để thống nhất được phương pháp, cách làm để công việc được tốt hơn”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chia sẻ.


 Quang cảnh buổi tập huấn
Tại buổi tập huấn, TS Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội trình bày về “Nghiệp vụ xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện”. Theo đó, tiêu chí xác định dạng khuyết tật đã được quy định tại Mẫu số 02 và Mẫu số 03 ban hành kèm Thông tư 01/209/TT-BLĐTBXH ngày 2/1/2019 của Bộ LĐ-TB&XH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện quy định.
Cụ thể, có 5 tiêu chí xác định dạng tật gồm: Dạng khuyết tật vận động; dạng khuyết tật nghe nói; dạng khuyết tật nhìn; dạng khuyết tật thần kinh, tâm thần; dạng khuyết tật trí tuệ và một số dạng khuyết tật khác. Về mức độ khuyết tật có 3 mức độ được xác định là: Người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng và người khuyết tật nhẹ. Cũng theo ông Toản, các quy trình xác định mức độ khuyết tật sẽ có 5 bước: Nộp và tiếp nhận hồ sơ; lấy ý kiến cơ sở giáo dục; thông báo địa điểm thời gian; phỏng vấn quan sát và họp Hội đồng đánh giá; niêm yết công khai và cấp giấy xác nhận khuyết tật.
Về kỹ năng xác định mức độ khuyết tật, theo Ths Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng khoa Bồi dưỡng chuyên ngành, trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức Lao động và Xã hội cho rằng: “Việc xác định mức độ khuyết tật đã được quy định tại khoản 1, Điều 15 của Luật Người khuyết tật được thực hiện bằng phương pháp quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội và các phương pháp đơn giản khác để kết luận mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật”.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu cũng đã tiến hành thảo luận kinh nghiệm giải quyết các tình huống khó tại địa phương và thực hành quan sát phỏng vấn thử nghiệm xác định mức độ khuyết tật.

Nguồn: Báo Mới

Sưu tầm: Bùi Ngọc Song