Quảng Ninh: Lựa chọn giáo dục hòa nhập để giáo dục trẻ khuyết tật

Ngày đăng: 18/09/2020 - 1215 lượt đọc

Trong những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm hỗ trợ người khuyết tật để giúp họ ổn định cuộc sống. Đối với trẻ em khuyết tật, tỉnh luôn xác định và lựa chọn giáo dục hòa nhập là phương thức chủ yếu để giáo dục.

Thực hiện Quyết định số l019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 2370/KH-UBND ngày 17/5/2013 về việc thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012 - 2020. Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Luật Người khuyết tật, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người khuyết tật; nâng cao nhận thức của các cấp các ngành và cộng đồng dân cư về bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật nhằm tạo môi trường thuận lợi cho NKT hòa nhập cộng đồng trên tất cả các lĩnh vực về học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm, khám chữa bệnh, chỉnh hình phục hồi chức năng, văn nghệ thể thao và tiếp cận các công trình công cộng.

Tỉnh Quảng Ninh xác định và lựa chọn giáo dục hòa nhập là phương thức chủ yếu để giáo dục trẻ khuyết tật. Vì vậy, tỉnh đã ban hành Quyết định số 2392/QĐ-UBND ngày 14/8/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tự kỷ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; Quyết định số 2985/QĐ-UBND ngày 7/10/2015 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo giáo dục hòa nhập dành cho người khuyết tật tỉnh Quảng Ninh. Trong những năm qua, công tác huy động trẻ khuyết tật đến trường đã được triển khai thực hiện hiệu quả, số trường, lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập tốt, tỉ lệ huy động trẻ khuyết tật trong độ tuổi có khả năng học tập ra lớp học hòa nhập ngày càng tăng.

Với mục đích tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật được tiếp cận giáo dục chất lượng, bình đẳng và thân thiện; UBND tỉnh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch kinh phí và triển khai bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục hòa nhập cho các cấp học. Đầu tư cải tạo, sửa chữa bổ sung thiết bị phục vụ công tác giáo dục hòa nhập cho các Phòng hỗ trợ tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái với tổng kinh phí 1.877 triệu đồng; tổ chức thẩm định và cấp phép hoạt động giáo dục cho 3 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

Về quy mô trường, lớp, tính đến thời điểm năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 333 trường có học sinh khuyết tật, tự kỷ tham gia học hòa nhập. Trong đó, mầm non: 41 trường; tiểu học: 183 trường; trung học cơ sở: 98 trường; trung học phổ thông: 12 trường. Có 911 lớp có học sinh khuyết tật, tự kỷ tham gia học hòa nhập (mầm non: 62 lớp; tiểu học: 777 lớp; trumg học cơ sở: 130 lớp; trung học phổ thông: 22 lớp)

Phòng hỗ trợ đặc biệt được triển khai thực hiện thí điểm tại 6 địa phương đã đi vào vận hành, hỗ trợ, can thiệp cho học sinh khuyết tật, tự kỷ. Có 3 trung tâm và 6 nhóm lớp hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật (ngoài công lập).

Công tác huy động trẻ khuyết tật, tự kỷ tham gia giáo dục được quan tâm thực hiện và cụ thể hóa bằng các chế độ, chính sách: Ưu tiên trong tuyển sinh; bố tríl ớp học, xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Thực hiện nghiêm túc quy định của các cấp trong việc hỗ trợ kinh phí học tập, sinh hoạt nhằm huy động tối đa trẻ ra lớp.

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục dưới mọi hình thức đạt 97,79% (vượt 7,79% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra của tỉnh. Tỷ lệ giáo viên trong các cơ sở giáo dục khuyết tật và giáo dục hòa nhập được bồi dưỡng, nâng cao trình độ về giáo dục khuyết tật: Đạt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ học sinh khuyết tật, tự kỷ hoàn thành nhiệm vụ học tập và rèn luyện theo kế hoạch giáo dục cá nhân được duy trì và nâng lên so với cùng kì: Cấp học mầm non 99,8%; tiểu học: 84,6%; THCS, THPT: 100%. Một số học sinh được nhà trường khen thưởng có thành tích vượt trội trong học tập và rèn luyện ở một số môn học. Đến nay, 100% giáo viên trong các cơ sở giáo dục khuyết tật và giáo dục hòa nhập được bồi dưỡng, nâng cao trình độ về giáo dục khuyết tật. 100% các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ chính sách cho học sinh khuyết tật, tự kỷ và giáo viên trực tiếp giảng dạy hòa nhập đầy đủ, kịp thời.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật đang học hòa nhập ở các trường phổ thông (cấp THCS, THPT) còn hạn chế. Việc trẻ khuyết tật ra lớp mới chỉ dừng lại ở việc có cơ hội được đến trường hòa nhập, rất ít học sinh khuyết tật có thể học được ở cấp học THPT và học nghề

Nguồn: netnews.vn

Sưu tầm: Ngọc Song