15 cách chữa viêm xoang tại nhà hiệu quả, tiết kiệm

Ngày đăng: 22/10/2021 - 745 lượt đọc

Với các nguyên liệu sẵn có và dễ tìm người bị viêm xoang có thể thực hiện chữa viêm xoang tại nhà vừa hiệu quả, tiết kiệm chi phí, giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi và hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển dai dẳng.

Viêm xoang còn được gọi là viêm mũi xoang, là tình trạng nhiễm trùng, viêm niêm mạc hô hấp lớp lót trong các xoang cạnh mũi. Khi bị viêm xoang, lớp niêm mạc phù nề gây tăng tiết dịch nhầy, trong khi phù nề thu hẹp đường kính các lỗ xoang khiến cho dịch không thoát ra ngoài được dẫn đến tắc nghẽn xoang. Tác nhân gây nên tình trạng này là vi trùng, siêu vi trùng hoặc do dị ứng.

Bằng những phương pháp đơn giản, dễ dàng thực hiện với những nguyên liệu sẵn có như hạt gấc, lá trầu không, lá trà, tỏi,… các cách chữa viêm xoang tại nhà được nhiều người bệnh áp dụng giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi và hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển dai dẳng, mãn tính do bệnh viêm xoang gây ra. Phương pháp này cũng tiết kiệm chi phí và quan trọng là mang đến hiệu quả cho người bệnh và không có tác dụng phụ.

Một số mẹo dân gian sau đây có thể giúp người bệnh cải thiện viêm xoang tại nhà, giảm nhẹ cơn đau cùng với một số triệu chứng đi kèm.

1. Trị viêm xoang tại nhà bằng nguyên liệu tự nhiên:

Viêm xoang chữa bằng hạt gấc

Nguyên liệu cần chuẩn bị: Khoảng 20-25 hạt gấc.

Cách làm: Lấy khoảng 20 – 25 hạt gấc nướng chín (cháy sém) sau đó để nguội và đập rập. Đổ 300ml rượu trắng vào ngâm cùng khoảng 2 tuần.

Khi dùng lấy bông y tế thấm dung dịch, đắp dọc sống mũi trong khoảng 30 phút. Thực hiện 2 lần/ngày, nhất là mỗi tối trước khi đi ngủ.

Rửa mũi với nước muối

Nguyên liệu chuẩn bị: Nước muối sinh lý

Cách làm: Đổ nước muối sinh lý vào bình rửa mũi chuyên dụng hoặc xilanh. Nhẹ nhàng xịt nước muối vào từng lỗ mũi để dịch nước muối đi sâu vào bên trong giúp làm sạch khoang mũi, hốc xoang

Khi thực hiện, người bệnh nên nghiêng đầu khoảng 45 độ và há miệng để tránh bị sặc. Thực hiện 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.

Vỏ vải sấy khô

Nguyên liệu cần chuẩn bị: Vỏ quả vải.

Cách làm: Đem sấy khô vỏ quả vải rồi nghiền thành bột, sau đó đem cất trữ trong bình sạch. Lấy một ít bột này hít vào mũi, 2 lần/ngày. Làm liên tục trong vòng 5 ngày sẽ giúp lỗ mũi được thông thoáng.

Lá trà giúp chữa viêm xoang

Nguyên liệu cần chuẩn bị: Lá trà xanh.

Cách làm: Pha 1 cốc trà, sau đó cho thêm một chút muối sạch vào, để nước trà ở nhiệt độ vừa phải, sau đó hít nước trà vào rồi thở đẩy nước ra. Làm liên tục từ 3-4 lần mỗi bên. Thực hiện 2 lần/ngày trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, triệu chứng viêm xoang sẽ được giảm một cách rõ rệt.

Cây kinh giới

Nguyên liệu cần chuẩn bị: Lá kinh giới, mật ong

Cách làm: Rửa sạch lá kinh giới, sau đó thái nhỏ và phơi khô. Mỗi lần dùng 1 thìa cà phê lá khô sắc với nước sôi trong khoảng 15 phút.

Pha nước kinh giới vừa sắc với một chút mật ong cho dễ uống (có thể thêm một chút nước cốt chanh). Mỗi ngày uống từ 2 – 3 cốc nước kinh giới sắc, nên kiên trì uống trong thời gian dài để có hiệu quả tốt.

Lưu ý: Tuyệt đối không dùng đường thay cho mật ong. Đường sẽ làm tình trạng viêm trở nặng, dịch trong xoang tiết ra nhiều hơn.

Hoa ngũ sắc (hoa cứt lợn)

Bài thuốc 1:

Nguyên liệu chuẩn bị: Hoa ngũ sắc (tươi) 100g, lá chanh (tươi) 10g, lá long não (tươi) 50.

Cách thực hiện: Rửa sạch hoa ngũ sắc, lá chanh và lá long não, để ráo nước. Cho các vị thuốc vào sắc với 300ml nước, sắc cạn còn lại 100ml nước.

Xông mũi ngày 3 lần với nước sắc, mỗi lần xông cần đun nóng lại nước. Dùng liên tục từ 7 – 10 ngày để có kết quả tốt.

Bài thuốc 2:

Nguyên liệu chuẩn bị: 100g hoa ngũ sắc tươi.

Cách thực hiện: Rửa sạch hoa ngũ sắc tươi, giã nát, lọc lấy nước, đem nhỏ vào lỗ mũi hai bên ngày 2 lần, mỗi lần 2 – 3 giọt.

Có thể cho nước hoa ngũ sắc giã nát vào bình xịt mũi phun sương, xịt ngày 2 lần. Hoặc có thể thấm nước cốt hoa ngũ sắc vào bông sạch rồi nhét vào lỗ mũi trong vòng 15 phút sau đó rút ra từ từ để cho dịch bên trong xoang mũi chảy ra ngoài, rồi xì mũi một cách nhẹ nhàng. Mỗi ngày thực hiện 2 lần.

Bài thuốc 3:

Nguyên liệu chuẩn bị: Hoa ngũ sắc 30g, Cam thảo đất 16g, Kim ngân hoa 20g, Ké đầu ngựa (Thương nhĩ tử) 12g.

Cách thực hiện: Cho các vị thuốc vào sắc với 3 bát nước, sắc cạn còn 1 bát. Ngày uống 2 lần sau bữa ăn, dùng từ 7 – 10 ngày.

Tỏi và mật ong

Nguyên liệu chuẩn bị: Tỏi, mật ong.

Cách thực hiện: Giã nát tỏi, lấy phần nước cốt trộn đều với mật ong theo tỉ lệ 1 thìa nước cốt tỏi, 2 thìa mật ong.

Rửa sạch mũi, dùng tăm bông chấm hỗn hợp trên bôi vào vùng bị viêm nhiễm. Ngày bôi từ 3- 5 lần cho đến khi hết bệnh

Cây giao (cây xương cá)

Nguyên liệu chuẩn bị: 20 đốt cây giao.

Cách làm: Rửa sạch khoảng 20 đốt cây giao sau đó đem cắt nhỏ cho vào nồi đun sôi.

Sau khi tắt bếp, lấy một tờ bìa dài 50cm cuộn thành hình phễu, đặt đầu nhỏ vào bên mũi cần xông hơi. Xông cho đến khi dịch trong xoang bắt đầu thoát ra. Thực hiện biện pháp này 1-2 lần/ngày

Lưu ý: Trong quá trình đun cây giao nên cẩn thận để tránh nước bắn vào mắt gây nguy hiểm.

Nên tiến hành xông hơi ngay khi nước còn bốc hơi, bởi lúc đó nhựa giao còn đậm đặc, mang lại hiệu quả chữa trị cao hơn lúc nước nguội.

Phụ nữ có thai không nên sử dụng biện pháp này để chữa viêm xoang, tránh những ảnh hưởng không tốt đến sản phụ và thai nhi.

Cây giao có chứa độc tính nên bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bài thuốc này.

Lá trầu không

Nguyên liệu chuẩn bị: Lá trầu không.

Cách làm: Lấy 1 nắm lá trầu không tươi rửa sạch, để ráo nước và đun cùng 300ml nước. Sau khi hỗn hợp sôi thì bắc xuống xông mũi. Thực hiện 2-3 lần/ngày.

Gừng

Nguyên liệu chuẩn bị: Gừng tươi.

Cách làm: Đun sôi 1 lít nước, sau đó thả vào một vài lát gừng. Dùng khăn trùm kín đầu và tiến hành xông mũi khoảng 10 phút. Thực hiện 2-3 lần/tuần.

Đun sôi nước, thả vài lát gừng vào đó. Đợi nước nguội bớt rồi nhúng khăn sạch vào nước gừng, chườm lên vùng mũi xoang. Chườm như vậy khoảng 3-5 phút.

Gừng và ngó sen: Sơ chế và rửa sạch 10g gừng tươi, 30g ngó sen. Giã nát cả hai nguyên liệu và trộn đều với nhau. Đem hỗn hợp đắp lên vùng mũi xoang khoảng 15 phút. Thực hiện ngày 2 lần để cho hiệu quả nhanh chóng. Lưu ý không để hỗn hợp này dính vào mắt.


Cây lược vàng

Nguyên liệu chuẩn bị: Cây lược vàng tươi.

Cách làm: Cây lược vàng tươi đem rửa sạch, để ráo nước và cắt thành từng khúc nhỏ. Đem chưng trong dầu thực vật khoảng 7h cho mềm. Sau đó lọc lấy dung dịch chứa những tinh chất tốt từ cây lược vàng và bảo quản trong lọ thủy tinh.

Lấy một ít dung dịch tinh chất cây lược vàng, thấm vào tăm bông và bôi vào trong niêm mạc mũi. Nên kiên trì áp dụng bài thuốc này ít nhất 1 tháng để thấy tình trạng đau nhức do viêm xoang được cải thiện.

Cây hoàng bá

Nguyên liệu chuẩn bị: Cây hoàng bá khô.

Cách làm: Chuẩn bị 20g hoàng bá, dùng 10g ngâm trong 100ml nước từ ngày hôm trước. Hôm sau lấy nước cốt ngâm hôm trước cho vào ấm, đun sôi cùng 10g hoàng bá khô còn lại.

Dùng dung dịch thu được nhỏ trực tiếp vào mũi, lưu ý nên để dung dịch nguội để tránh gây tổn thương niêm mạc mũi. Nhỏ từ 3 - 4 lần mỗi ngày.

Lá lốt

Nguyên liệu chuẩn bị: Lá lốt tươi.

Cách làm: Rửa sạch 4-5 lá lốt tươi, để ráo nước. Giã lấy nước cốt, hòa cùng 50ml nước muối sinh lý. Dùng tăm bông thấm nước hỗn hợp này vào khoang mũi. Thực hiện đều đặn mỗi ngày 1-4 lần, liên tục trong vòng 5-7 ngày.

2. Trị viêm xoang bằng tinh dầu

Khi bị bệnh viêm xoang áp dụng cách xông hơi với tinh dầu để sát trùng, làm thông đường mũi, giảm đau, chống viêm và làm ẩm niêm mạc mũi hiệu quả.

Có thể chọn các loại tinh dầu sau để điều trị viêm xoang: Tinh dầu tràm trà, bưởi, bạc hà, tinh dầu sả chanh,…

anh

Xông hơi bằng tinh dầu mang lại nhiều hiệu quả cho người bị viêm xoang.

Cách thực hiện xông hơi với tinh dầu trị viêm xoang:

Đổ nước sôi vào 1 bát hoặc chậu nhỏ, thêm vào vài giọt tinh dầu. Lưu ý nên thêm tinh dầu sau khi đã đổ nước nóng để tinh dầu bốc hơi cùng hơi nước nóng.

Dùng khăn trùm đầu và bát nước để tạo không gian kín.

Hít sâu hơi nước chứa tinh dầu chậm rãi, khoảng 20 - 25 phút cho đến khi không còn bốc hơi nước.

Nên xông hơi với tinh dầu 2 - 3 lần để cải thiện tình trạng đau do viêm xoang gây ra.

3. Day ấn huyệt chữa viêm xoang

Dùng tay xoa, bóp, day ấn lên các huyệt đạo chủ quản vùng xoang, từ đó tác động lên hệ thần kinh, giúp điều hòa khí huyết, tăng cường trao đổi chất, giải phóng sự tắc nghẽn, ứ trệ, đẩy lùi tà khí, hàn khí và giảm tình trạng hư hỏa.

Tuy việc xoa bóp bấm huyệt không thể can thiệp vào quá trình tiêu viêm nhưng liệu pháp này sẽ giúp các dịch viêm được đẩy ra ngoài dễ dàng hơn, giúp bệnh nhân giảm đau nhức do viêm xoang gây ra, giảm cảm giác đau buốt, nghẹt mũi, nặng đầu, khó thở..

Xoa bóp, bấm huyệt chữa trị viêm xoang

Bấm huyệt ấn đường

Huyệt ấn đường nằm ở chính giữa hai lông mày, có tác dụng hỗ trợ việc an thần, liên quan đến các bệnh về mũi, mắt như: viêm xoang, viêm mũi dị ứng...

Sử dụng ngón giữa của bàn tay, day bấm huyệt ấn đường trong thời gian khoảng 2 phút. Nên thực hiện xoa bóp bấm huyệt chữa viêm xoang vào buổi sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần nên thực hiện từ 2-3 phút sẽ giúp thông mũi, dịch tiết mũi chảy ra khỏi hốc xoang, giảm ngạt mũi, khó thở.

Bấm huyệt nghinh hương

Huyệt nghinh hương nằm ngay cạnh hai bên cánh mũi, là huyệt đạo giúp làm giảm các bệnh lý như: viêm mũi, chảy máu cam,...

Khi xoa bóp bấm huyệt chữa viêm xoang, sử dụng 2 ngón tay trỏ của 2 bàn tay, ấn vào 2 huyệt này trong vòng 2 phút, mỗi ngày khoảng 2 lần sẽ giúp thông mũi, đỡ đau, giảm sưng tấy.

Bấm huyệt ty thông

Huyệt Ty Thông có vị trí nằm ở phần chóp phía trên của đường nhân trung, giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh: viêm mũi dị ứng, mất khứu giác, polyp mũi...

Thực hiện bấm huyệt ty thông: cho bệnh nhân ngồi thẳng lưng trên ghế, xoa hai bàn tay vào nhau cho nóng lên, gấp ngón tay cái lại rồi ấn vào huyệt ty thông khoảng 2 phút, mỗi ngày ấn khoảng 3 lần cho huyệt này nóng lên, thực hiện thường xuyên để mang lại hiệu quả.

Bấm huyệt hợp cốc

Huyệt hợp cốc là điểm lõm trên bàn tay, giữa ngón trỏ và ngón cái ở phí trên mu bàn tay, có chức năng giảm huyết áp, an thần, hỗ trợ giảm triệu chứng viêm xoang. Sử dụng ngón cái của tay còn lại để bấm huyệt hợp cốc khoảng 2-3 phút.

Xoa bóp sống mũi

Xoa bóp sống mũi chữa viêm xoang giúp làm nóng, lưu thông mũi ở người mắc viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Thực hiện bằng cách xoa nhẹ thân mũi từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, day ấn sụn xương mũi và cánh mũi trong khoảng 2-3 phút đồng thời hít thở đều.

Xoa xoang

Sử dụng 2 đầu ngón tay trỏ và ngón giữa của 2 bàn tay, đặt vào vị trí phía trong lông mày và xoa vòng từ trong lông mày ra ngoài gò má, đến mũi rồi đi lên phía trong lông mày, lặp lại 10 – 20 lần rồi xoa vòng ngược lại từ 10 – 20 lần.

Xoa mắt

Nhắm mắt và đặt 2 đầu ngón giữa của 2 bàn tay lên 2 mắt, thực hiện xoa mí mắt nhẹ nhàng trong vòng hố mắt, xoa mỗi chiều từ 10 – 20 lần.

Bấm huyệt xung quanh nhãn cầu bằng cách dùng ngón cái bấm huyệt phía trong và phía trên hố mắt, dùng ngón trỏ bấm huyệt phía ngoài và phía dưới hố mắt, giúp khí huyết lưu thông trong hố mắt.

4. Lưu ý khi chữa viêm xoang tại nhà

Trước khi sử dụng các cách trị viêm xoang tại nhà, người bệnh nên vệ sinh mũi sạch sẽ. Như vậy, bài thuốc mới đạt được hiệu quả tốt nhất và tránh nhiễm trùng xoang nặng hơn. Một số cây thuốc tự nhiên cũng có độc tính nhẹ nên người bệnh cần cẩn trọng trong quá trình sử dụng.

Hiệu quả của bài thuốc phụ thuộc rất nhiều vào cơ địa, nhanh hay chậm ở mỗi người sẽ khác nhau. Người bệnh phải kiên trì sử dụng từ 3-5 ngày mới bắt đầu thấy được sự cải thiện rõ rệt. Nếu không thấy có bất kỳ biến chuyển nào sau điều trị, người bệnh nên ngừng sử dụng bài thuốc hiện tại và chuyển sang một bài thuốc khác.

Những bài thuốc mẹo dân gian có tác dụng tốt nhất với trường hợp bệnh nhẹ, mới khởi phát. Với những trường hợp viêm xoang tái phát hoặc viêm xoang mãn tính thì chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng. Người bệnh cần trị tận gốc bệnh nhanh chóng để tránh gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.


Nguồn: suckhoedoisong.vn

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận