Dự án chung có tên gọi: "Làm việc cùng nhau vì một tương lai hòa nhập-Thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật thông qua hợp tác hiệu quả" được khởi động trước thềm Ngày Thế giới về công bằng xã hội (20/2/2022).
Thông qua dự án, các chuyên gia của 3 tổ chức Liên hợp quốc sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố và các tổ chức người khuyết tật.
Dự án nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Bộ Ngoại giao Na Uy thông qua Quỹ Ủy thác đa Tài trợ Hợp tác thúc đẩy Quyền của người khuyết tật giữa các tổ chức của Liên hợp quốc (UNPRPD).”
Ảnh Internet
Thông qua dự án, các bên liên quan sẽ có cơ hội đối thoại, hợp tác nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả Công ước về quyền của người khuyết tật cũng như tạo điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa nguyên tắc "không để ai ở lại phía sau."
Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Vũ Thị Kim Hoa, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa những điều khoản của Công ước về quyền của người khuyết tật vào các chính sách cụ thể, hệ thống và dịch vụ dành cho người khuyết tật.
Với dự án này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là đối tác chính trong các hoạt động nâng cao năng lực và làm việc cùng nhau để tạo những điều kiện ban đầu cơ bản cần thiết đáp ứng nhu cầu và tạo cơ hội cho người khuyết tật trong quá trình xây dựng chính sách và chương trình ở tất cả các ngành.
Trong quá trình xây dựng dự án, tổ chức UNDP đã thực hiện đánh giá thực trạng của Việt Nam và những thách thức chủ yếu hạn chế sự tham gia của các tổ chức người khuyết tật trong quá trình xây dựng kế hoạch, thực hiện, theo dõi và giám sát các chương trình quốc gia.
Trong 2 năm tới, các tổ chức UNDP, UNFPA và UNICEF sẽ hơp tác để đạt được các mục tiêu tăng cường năng lực của các tổ chức của người khuyết tật và các nhà hoạch định chính sách về việc xây dựng và thực hiện chính sách tuân thủ Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; thu hẹp khoảng trống trong việc xây dựng các thể chế hoặc các điều kiện tiên quyết để thực hiện Công ước Quốc tế về quyền người khuyết tật trong các chương trình phát triển và nhân đạo được thu hẹp dần; thúc đẩy Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 theo hướng tạo điều kiện hòa nhập xã hội cho người khuyết tật nhằm tăng cường tuân thủ Công ước Quốc tế về Quyền Người khuyết tật.
Theo bà Caitlin Wiesen, người khuyết tật không chỉ tham gia vào các chính sách tập trung vào họ, mà quyền và tiếng nói của họ cũng cần được lồng ghép vào các chương trình của Việt Nam về thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội.
Bà Naomi Kitahara- Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ, bố của mình cũng là người khuyết tật, mất đi khả năng nghe nói từ nhỏ. Tuy hạn chế về việc đi học tại trường chính quy, song ông tự học và có rất nhiều kiến thức và bảo ban, hướng dẫn bà đi đến con đường như ngày hôm nay. Do đó, bà tin tưởng vào sức mạnh của người khuyết tật, họ là giải pháp cho thay đổi xã hội, là giải pháp cho các chính sách, là giải pháp để giúp Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, và là giải pháp để bảo vệ và thúc đẩy quyền của người khuyết tật.
Theo 3 cơ quan của Liên hợp quốc, dự án được thực hiện trong một môi trường pháp lý thuận lợi, trong đó, Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ đảm bảo người khuyết tật có thể tham gia đầy đủ vào tất cả các hoạt động xã hội và được hưởng các quyền cơ bản một cách bình đẳng. Chính phủ đã ban hành Luật Người khuyết tật từ năm 2010 và sẽ sửa đổi trong những năm tới.
Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2015 và nhiều kế hoạch và chính sách đã được ban hành để hướng dẫn triển khai công ước này cũng như thực thi luật.
Nguồn: hoanhap.vn
Sưu tầm: Ngọc Song
Bình luận
Viết bình luận