Chuyện cảm động về sự hiếu học của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Ngày đăng: 24/09/2018 - 1260 lượt đọc

(Kiến Thức) - Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Ban chấp hành TƯ Đảng, QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, UB TƯ MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ Chủ tịch nước Trần Đại Quang với nghi thức Quốc tang.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang. 

“Cậu học trò giỏi, năng nổ, đầy trách nhiệm”
Tại quê nhà Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), đến ngày 23/9, nhiều người dân vẫn bàng hoàng trước tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Đối với người dân Ninh Bình nói chung và quê hương Quang Thiện nói riêng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là niềm tự hào, bởi ông là người sống tình cảm, gần gũi với nhân dân, luôn có một tinh thần trách nhiệm, tận tâm, trăn trở với công việc. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn, một mất mát to lớn cho người dân Cố đô.
Ngay khi biết tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, người dân chòm xóm đã bỏ việc đồng áng tìm đến căn nhà cấp bốn – nơi gắn liền với tuổi thơ của Chủ tịch nước để chia sẻ, nắm bắt thông tin. Họ cùng nhau dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm khang trang, sạch sẽ. Khi biết tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ được an táng tại quê hương ông ở xóm 13 (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình), người dân địa phương rất xúc động bởi Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ trở về với quê hương, đất mẹ.
Có một người lặng lẽ khi đón nhận thông tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần – đó là thầy giáo Lê Kim Toàn (SN 1938, thôn Hồi Thuần, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn), nguyên là giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Trường THPT Kim Sơn B (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Ông cho biết, đến giờ ông vẫn bàng hoàng về sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang – người học trò mà ông rất mực tự hào.

Thầy giáo Lê Kim Toàn.

Thầy giáo Lê Kim Toàn chỉ cho PV Kiến Thức tấm ảnh mà ông chụp cùng với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nói, khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, con trai thầy Toàn ở miền Nam có điện về báo tin nhưng ông không tin. Khi ông Phạm Thạnh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn B (Kim Sơn, Ninh Bình) lên nhà nói chuyện thì ông mới tin. Khi đó, ông rất bàng hoàng và rất buồn.
“Khi nhận được thông tin ấy, cả đêm tôi không chợp mắt. Lúc nào trong đầu tôi cũng hiện về hình ảnh người học trò học rất giỏi, một cán bộ lớp gương mẫu, năng nổ và đầy trách nhiệm”, thầy Lê Kim Toàn cho biết và ông cũng nói thêm, tình cảm của ông và Chủ tịch nước rất đặc biệt, không chỉ là tình thầy trò mà ông còn được mẹ Chủ tịch nước nhận làm anh nuôi.
Trong ký ức của thầy Toàn là hình ảnh một cậu học trò nghèo có nghị lực phi thường.
“Thời đó, anh ấy (cách thầy Toàn gọi Chủ tịch nước Trần Đại Quang) sinh ra, lớn lên trong một gia đình có 6 người con, dù cuộc sống gian nan nghèo khó nhưng cả 6 người đều ăn học đến nơi đến chốn. Cả 6 anh em tôi đều dạy ở bậc THPT, trong đó, cậu Trần Đại Quang khôi ngô, học giỏi mà hiền lành nhất lớp làm tôi rất ấn tượng. Nhìn sự thông minh, điềm đạm, sâu sắc của Quang tôi biết sau này anh ấy sẽ làm nên nghiệp lớn. Niềm tin của tôi đã thành sự thật”, thầy Lê Kim Toàn kể lại.
Cầm trên tay những kỷ vật gồm những lá thư chúc tết, bức ảnh chụp chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thầy Toàn rất tự hào: “Mỗi lần có dịp gặp lại tôi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn hỏi thăm tình trạng sức khỏe, khi tôi ốm phải lên bệnh viện ở Hà Nội điều trị được Chủ tịch nước giúp đỡ. Những ngày lễ, Tết đặc biệt là ngày Nhà giáo Việt Nam, Chủ tịch nước luôn gửi thiệp chúc mừng và quà cho tôi. Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng giúp xây dựng Trường THPT Kim Sơn B - nơi Chủ tịch nước từng học khang trang”, thầy Lê Kim Toàn chia sẻ. Rồi thầy Toàn lại ngậm ngùi: “Vậy mà nay, thầy- trò đã ở hai thế giới khác nhau”.
Từng bắt đom đóm làm đèn học trong đêm khuya
Chia sẻ về kỷ niệm trong những lần được gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhà báo Vũ Thanh Hương – Phó Ban An ninh thế giới (Báo Công an nhân dân) cho biết, khi còn là phóng viên Ban Thời sự Chính trị nghiệp vụ, tôi có cơ hội vài lần được gặp bác Trần Đại Quang (cách gọi Chủ tịch nước Trần Đại Quang của nhà báo Vũ Thanh Hương) và nhà báo Thanh Hương cho biết, với chị, bác Trần Đại Quang dù ở chức vụ nào cũng luôn thân thiện, yêu mến và tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp.
Nhà báo Vũ Thanh Hương cho biết, chị đã từng có cơ hội ăn bữa cơm thân mật cùng gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm 2011, khi ông còn là Thứ trưởng Bộ Công an. Trong bữa cơm dân dã nhưng nhiều đặc sản của Ninh Bình, nhà báo Vũ Thanh Hương đã được nghe nhiều câu chuyện về tuổi thơ của Chủ tịch Trần Đại Quang từ chính bác Tuyết - người chị gái của Chủ tịch nước.
“Suốt bữa ăn, bác Tuyết liên tục gắp thức ăn cho mình và mọi người. Vừa ăn bác vừa kể chuyện cậu Quang thông minh, siêng học từ nhỏ, cậu bắt đom đóm cho vào vỏ trứng làm đèn học đến đêm khuya...”, nhà báo Vũ Thanh Hương nhớ lại.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang về thăm Trường THPT Kim Sơn B năm 2016, trong dịp khánh thành nhà trường.

Cũng theo nhà báo Vũ Thanh Hương, thời gian bác Trần Đại Quang còn làm Thứ trưởng Bộ Công an, khi đó nhà báo Hương được vài lần dự hội nghị do bác chủ trì.
“Cuối buổi, tôi xin bài phát biểu, chỉ đạo của bác để đưa tin, dẫn lời cho chính xác. Bác vui vẻ đưa và dặn sau khi sử dụng trả lại bác qua thư ký. Các bài phát biểu được bác đọc rất kỹ, sửa chữa và viết bổ sung thêm ở bên lề với nét chữ đẹp, nắn nót”, nhà báo Vũ Thanh Hương chia sẻ.
Vốn là người hiếu học, Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn quan tâm tới công tác giáo dục. Mỗi dịp khai giảng năm học mới, trong nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đều gửi thư chúc mừng và những tình cảm thân thiết đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành giáo dục, các bậc phụ huynh cùng toàn thể các em sinh viên, học sinh cả nước. Chủ tịch nước đều nhắn gửi ân cần, căn dặn các cháu học sinh, sinh viên học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trí tuệ để trưởng thành, đóng góp cho sự phát triển của Tổ quốc.
Mới đây, trong lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) vào ngày 5/9/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang căn dặn, thầy và trò nhà trường đổi mới dạy học theo hướng hiện đại, giúp học sinh phát triển tư duy, sáng tạo. Phát triển hơn nữa văn hoá đọc, chú trọng học ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng, phát triển trí tuệ, hình thành phẩm chất công dân, quan tâm giáo dục nhân cách, kiến thức pháp luật, rèn luyện lối sống cho học sinh. Học sinh cần phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão vươn lên, nỗ lực thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt trở thành con ngoan, trò giỏi mai sau trở thành những công dân tốt, tích cực góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong lá thư cuối cùng gửi các cháu thiếu nhi dịp tết Trung thu ngày 20/9 vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dặn dò các cháu: “Đảng, Nhà nước, các thầy giáo, cô giáo và các bậc phụ huynh luôn quan tâm, chăm lo để các cháu được sống, học tập, rèn luyện trong môi trường an toàn, lành mạnh. Bác mong các cháu tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, chăm ngoan, học giỏi hơn nữa, sau này tiếp bước cha anh xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh”.

Trong suốt quá trình hoạt động, công tác, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý. Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Trần Đại Quang, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Trần Đại Quang với nghi thức Quốc tang.
Theo thông báo của Ban tang lễ về Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Trần Đại Quang, linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7h ngày 26/9, tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu được tổ chức vào 7h30 ngày 27/9 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng từ 15h30 cùng ngày tại quê hương Chủ tịch nước, xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình.
Cùng thời gian này, tại hội trường Thống nhất TP.HCM và tại hội trường UBND huyện Kim Sơn, Ninh Bình cũng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Chủ tịch nước.

Theo: kienthuc

Nguyễn Triệu (St)