Cần biết điều này khi uống các loại nước cây, cỏ giải nhiệt để khỏi mang họa

Ngày đăng: 12/07/2019 - 661 lượt đọc

Theo các bác sỹ, dù là nước giải nhiệt từ cây cỏ thiên nhiên, nhưng không phải ai uống cũng 'lành', đặc biệt quá trình chế biến cũng phải chú ý cẩn trọng để không gây ngộ độc.

Ảnh minh họa: Internet

Những loại nước thông dụng để giải nhiệt ngày nắng nóng, thường được nhiều người sử dụng như nước trà xanh, nước nụ hoặc lá vối, nước nhân trần, nước la hán, nước chó đẻ răng cưa, nước rau má, nước chè vằng, nước mía, nước cỏ ngọt, nước râu ngô, nước cúc hoa, nước hoa hòe, nước quả dứa dại, nước mạch môn, nước đậu đen sao cháy, nước khổ qua, nước bí đao...
Nhìn chung, các loại nước giải khát này đều không độc hại vì chúng được chế biến từ những cây cỏ mang tính thức ăn - vị thuốc và đã được sử dụng trong đời sống từ rất lâu đời. Theo dược học cổ truyền, tất cả các loại nước giải khát này đều có công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ khát, thường được dùng để phòng ngừa và giải trừ tình trạng “tích nhiệt” trong cơ thể.
Theo nghiên cứu hiện đại, các cây cỏ này đều có tác dụng giải nhiệt, kháng khuẩn, tiêu viêm ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, tùy từng loại còn có các tác dụng riêng biệt như nước hoa cúc làm hạ huyết áp, nước hoa hòe làm bền vững thành mạch máu, nước râu ngô và dứa dại lợi tiểu và làm tan sỏi đường tiết niệu, nước mạch môn, rau má và đậu đen bảo hộ tế bào gan, nước nụ vối kích thích tiêu hóa... Tuy nhiên, dù là thực phẩm đi nữa khi sử dụng các loại nước giải khát, thanh nhiệt này cũng cần phải chú ý một số vấn đề sau đây:

Nước dừa: Có vị ngọt ấm, không độc, có tác dụng giải nhiệt, tăng cường khí lực. Ảnh minh họa: Internet

- Trước hết, liều lượng cần vừa phải, tránh lạm dụng quá mức, đặc biệt đối với trẻ em, người già và những người tỳ vị hư yếu dễ bị lạnh bụng, đi lỏng. Nếu có dùng cam thảo để tạo nên vị ngọt, dễ uống và điều hòa thì tuyệt đối không dùng quá nhiều, thông thường mỗi ấm trà chỉ cho vài ba lát là dược.
- Sau những bữa ăn có nhiều đồ sống lạnh thì nên giảm lượng các loại nước uống này để tránh gây rối loạn tiêu hóa.
- Khi chọn mua các cây cỏ này ở dạng khô thì phải tránh thứ bị ẩm mốc và đã để quá lâu, không còn hoạt chất có lợi. Tốt nhất là nên mua đồ tươi về nấu nước uống hoặc phơi sấy khô, bảo quản cẩn thận để dùng dần.
- Không nên uống các loại nước này quá nhiều vào buổi tối.
 

Nước chanh, nước cam, nước ép bưởi: Chứa nhiều vitamin C, vừa có công hiệu giải khát, giải nhiệt rất tốt, còn tác dụng làm đẹp da, sát khuẩn, trị ho… Ảnh minh họa: Internet

Có thể nói, dùng cây cỏ làm nước giải khát theo kinh nghiệm dân gian là một thói quen tốt và đáng khích lệ vì loại đồ uống này rất có lợi cho sức khỏe, không chứa hóa chất độc hại, không có của rởm, rẻ tiền và lại được cơ thể dễ chấp nhận.
Theo lương y Đinh Công Bảy, ngày hè oi bức nên dùng nước uống có công dụng giải nhiệt từ rau má, atisô, rau đắng, nhân trần, cúc hoa, sương sâm, lá sen, bông súng, nha đam, khổ qua, dừa... Nếu bị say nắng có thể dùng hột é, mủ trôm, mủ gòn, dưa hấu, hương nhu, đậu ván, đậu xanh, sắn dây, mía lau, diếp cá, rau sam, sữa đậu nành, đậu hũ, bột củ dong...
Ngoài ra có thể dùng rau câu, mã đề, đậu đen, rễ cỏ tranh, râu bắp, củ sen, ý dĩ, đậu đỏ, bí đao, rau muống, mộc nhĩ... Cần lưu ý là sử dụng luân phiên, không nên chỉ dùng một thứ trong nhiều ngày. Những người có tình trạng lạnh bụng, thường đi tiêu lỏng nên thận trọng khi dùng những loại cây cỏ có tính mát, tính hàn.
Phổ biến trong dân gian là nước uống mát giải nhiệt, thường gồm những nguyên liệu tươi với 3 khúc mía lau, một ít rễ cỏ tranh, cây ngò già có hạt (cây mùi), lá dứa thơm, râu bắp, mã đề, bọ mắm (thuốc dòi), cây lẻ bạn, đường phèn, một ít muối.
Các loại cây lá trên cần ngâm nước, rửa cho sạch đất, cuốn lại thành bó hoặc có thể cắt khúc. Mía lau đập dập. Tất cả cho vào nồi, cho nước, một chút muối, đường phèn và nấu chung với nhau. Đun lửa lớn đến khi sôi thì đun lửa nhỏ trong 20-30 phút. Sau đó lọc bỏ xác, lấy nước dùng uống trong ngày hoặc 1-2 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh.

Nước bí đao cũng là loại nước giải nhiệt hiệu quả. Ảnh minh họa: Internet

Các bác sĩ dinh dưỡng cũng khuyên nên chọn các loại nước giải khát có nguồn gốc thiên nhiên vì dễ tìm kiếm và tốt cho sức khỏe. Có thể chọn những loại sau:
Nước chanh, nước cam, nước ép bưởi: Chứa nhiều vitamin C, vừa có công hiệu giải khát, giải nhiệt rất tốt, còn tác dụng làm đẹp da, sát khuẩn, trị ho…
Nước mía tươi: Tác dụng giải khát, bổ dưỡng nhờ mía có vị ngọt, tính hàn, giàu dinh dưỡng, tuy nhiên không nên uống quá nhiều.
Dưa hấu hay dưa bở: Gọt bỏ vỏ xay hay ép lấy nước cho một chút đường uống vừa giải nhiệt, giải khát và bổ dưỡng.
Rau má: Xay lấy nước, thêm chút đường cho dễ uống, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tốt cho thị lực.
Xoài ép: Một ly nước xoài tươi khoảng 160 ml cung cấp 75 kcal và hơn 50% nhu cầu trong ngày về vitamin C.
Sữa chua: Rất tốt trong ngày hè vì có lợi cho tiêu hóa và còn có tác dụng làm đẹp da.
Nước dừa: Có vị ngọt ấm, không độc, có tác dụng giải nhiệt, tăng cường khí lực.

Nguồn: vietnamnet.vn
Sưu tầm: Bùi Ngọc Song