Để người khuyết tật tạo sự thay đổi thông qua giáo dục nghề nghiệp

Ngày đăng: 15/06/2022 - 1591 lượt đọc

Đồng hành, động viên người khuyết tật nghị lực để đóng góp cho xã hội, ông Nguyễn Văn Cử - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người Khuyết tật cùng các đồng nghiệp tạo sự đổi thay.

Nguyễn Văn Cử (người đứng) và các đồng nghiệp tại DRD

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người Khuyết tật (DRD) và các đồng nghiệp của ông Nguyễn Văn Cử đã hiện thực hóa nhiều giải pháp, trong đó có tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề có chất lượng, để người khuyết tật (NKT) hòa nhập và đóng góp cho xã hội bình đẳng như mọi công dân khác.

Nỗ lực tạo sự thay đổi

Anh có thể chia sẻ đôi điều về bản thân và nghị lực vượt qua khó khăn của mình?

Tôi bị teo cơ một bên chân từ nhỏ, khó khăn trong sinh hoạt nhiều, đi không được phải bò. Ngày đó, vùng quê nơi tôi ở chắc chỉ có mỗi tôi là bị khuyết tật như vậy, nên tôi bỗng dưng trở nên nổi tiếng vì đi tới đâu trẻ con chạy theo tới đó. Mới đầu cũng cảm thấy không thoải mái vì mình không bình thường như mọi người.

Năm 2002, tốt nghiệp đại học, tôi đi làm tại doanh nghiệp, sau đó cũng là cơ duyên, tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó, tôi được gặp chị Võ Hoàng Yến (hiện là Giám đốc DRD). Được chị Yến mời đi phát xe lăn cho người khuyết tật. Tận mắt thấy nhiều hoàn cảnh bất hạnh, tôi tự đặt câu hỏi cho mình: Phải động viên, hỗ trợ NKT bớt đi mặc cảm, tự ti và quyết tâm vượt qua số phận vươn lên trong cuộc sống và đóng góp cho xã hội. Tháng 12/2005, tôi về DRD làm việc từ đó tới nay.

Nguyễn Văn Cử nói chuyện trong một chương trình tọa đàm hòa nhập NKT trong giáo dục nghề nghiệp

Tham dự khóa đào tạo của chương trình Aus4Skills về xây dựng kế hoạch chiến lược nguồn nhân lực ngành Logistics tại Australia cuối năm 2018 đã giúp tôi thay đổi rất nhiều trong tư duy, xây dựng chiến lược và huy động được các bên liên quan tham gia vào quá trình hòa nhập NKT trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đặc biệt là giúp họ tự tin, không còn mặc cảm về khuyết tật của mình để hòa nhập tốt với xã hội.

Vậy khóa đào tạo do chính phủ Australia hỗ trợ đã giúp đỡ gì anh trong công việc chung?

Chương trình học tập tại trường Đại học Công nghệ Queensland (QUT) cuối năm 2018, đã giúp tôi tiếp thu một tư duy khác về GDNN dành cho NKT. Tôi cho rằng điều đầu tiên là phải thay đổi nhận thức trong xã hội, các cấp quản lý và doanh nghiệp rằng NKT cũng có thể có những đóng góp cho xã hội khi được tạo điều kiện học tập và lao động.

NKT thường gặp khó khăn về tài chính, thế nên việc đi học nghề là phù hợp hơn cả, sẽ rút ngắn thời gian và dễ kiếm việc làm hơn sinh viên tốt nghiệp đại học. Chỉ cần học hết lớp 9, NKT có thể học nghề ngay nếu có sự hỗ trợ từ chính phủ bằng học phí hay học bổng khó khăn. Khi có việc làm và thu nhập họ sẽ không còn mặc cảm tự ti do phải phụ thuộc vào gia đình.

Hiện thực hóa mong muốn

Vậy anh đã và sẽ áp dụng những kiến thức học tập qua tham gia cùng Aus4Skills (Chương trình Úc cùng Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực) để đưa lĩnh vực GDNN vào chiến lược của DRD như thế nào với tư cách là cựu sinh Australia?

Tôi cho rằng, cần làm hai việc: Đó là nâng cao tay nghề của NKT (theo một khảo sát gần đây, có tới gần 93% NKT chưa được đào tạo nghề nghiệp một cách chính quy). Để khắc phục, DRD cần kết nối với các bên liên quan, các cơ sở GDNN trong hệ thống của Aus4Skills và Tổng cục GDNN để cung cấp dịch vụ đào tạo nghề. Tiếp đó là vận động các xuất học bổng cho NKT.

Chiến lược của DRD phải là vừa liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, vừa vận động Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) cung cấp học bổng hỗ trợ cho NKT để học được nghề có chất lượng. Hiện nay DRD đang làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo nghề điện toán đám mây, vận động được 500 suất học bổng cho học viên thiết kế đồ họa, thiết kế webiste, digital marketing, và huy động máy tính cho NKT.

Song song với đào tạo nghề, DRD cũng chú trọng trang bị các kỹ năng mềm cho NKT thông qua phối hợp với chuyên gia nhân sự của các doanh nghiệp để họ đồng hành với tư cách nhà tình nguyện đào tạo các nhóm kỹ năng cơ bản cho học viên khuyết tật, giúp họ có kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng mềm để tăng cơ hội việc làm.

DRD cũng có trung tâm kết nối và giới thiệu việc làm cho NKT, cùng sự hỗ trợ đắc lực của các cựu sinh Úc. DRD khảo sát cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp để xem có phù với NKT hay không, và giới thiệu lao động khuyết tật cho doanh nghiệp. DRD làm hai việc song song: Tư vấn cho các cơ sở GDNN từ khâu tuyển sinh cho tới chương trình đào tạo cho NKT; Tư vấn cho doanh nghiệp về cách tuyển dụng và bố trí sắp xếp công việc cho NKT, đưa nội dung đa dạng và hòa nhập vào chiến lược chung của DN.

Hiện DRD đã tư vấn được đến những địa phương nào và kết nối được bao nhiêu học viên với doanh nghiệp?

Hiện tại, DRD đã tư vấn và hỗ trợ hơn 2.000 NKT trên toàn quốc, không phân biệt địa bàn. Tuy nhiên, công ăn việc làm chính cho NKT được tạo ra tập trung ở Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương là các địa bàn kinh tế phát triển và có nhiều khu công nghiệp. Đặc biệt, có nhiều lao động là NKT chuyển từ miền Bắc vào Nam tìm việc làm.

Ở các doanh nghiệp NKT làm việc có nhiều hỗ trợ như nơi lưu trú tại doanh nghiệp hoặc tìm nhà trọ giá rẻ gần với doanh nghiệp để NKT có thể thuận tiện đi lại. Mức lương đảm bảo tối thiểu tầm 5 triệu đồng/tháng, khi tay nghề cao lên thì NKT có thể hưởng mức lượng 7-8tr/tháng.

Cần thay đổi nhận thức

Quá trình thu hút sự tham gia của DN thường gặp khó khăn gì không, thưa anh?

Với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thì việc hỗ trợ NKT là trách nhiệm xã hội DN là điều hiển nhiên. Chúng tôi không có khó khăn gì trong việc tiếp cận các DN này. Đối với các DN vừa và nhỏ Việt Nam thì việc tiếp cận và nâng cao nhận thức về hỗ trợ NKT có khó khăn hơn, tuy nhiên đó chỉ là vấn đề nhận thức chứ việc tuyển dụng NKT không làm ảnh hưởng nhiều đến tài chính DN vì đây không phải là làm từ thiện mà NKT cũng là người làm công ăn lương thôi.

Bên cạnh các cơ sở GDNN đã nhận thức tốt và sẵn sàng đón nhận sinh viên khuyết tật, có cơ sở hạ tầng, điều chỉnh chương trình học cho phù hợp với nhóm SV này, thì việc thông tin đến NKT và gia đình họ dường như còn ‘bị tắc’. Các gia đình vẫn nặng đại học hơn GDNN. Để khắc phục, DRD đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của NKT và gia đình họ về GDNN và cơ hội nghề nghiệp cho NKT.

Chúng tôi thông qua các tổ chức NKT ở các địa phương tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về cơ hội học tập và nguồn hỗ trợ, cũng như các cơ hội việc làm. DRD cũng phối hợp với Aus4Skills để nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên các trường nghề về giảng dạy cho NKT, tạo nên một sự phối hợp toàn diện.

DRD cũng tận dụng các kênh truyền thông như đài phát thanh, báo chí để đưa thông tin tới NKT và ngày càng nhiều NKT tiếp cận được với GDNN và cơ hội việc làm. Đặc biệt, DRD có mạng lưới hơn 270 doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng NKT, đây là tín hiệu đáng mừng với NKT. - Nguyễn Văn Cử

Xin cảm ơn anh!

Nguồn: baomoi.com

Sưu tầm: Ngọc Song


Bình luận

Viết bình luận