Chính sách cho hơn 1,3 triệu giáo viên: Bài toán thừa - thiếu

Ngày đăng: 30/09/2018 - 1030 lượt đọc

Ngày 24/9, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm chính là tình trạng thừa thiếu giáo viên đang diễn ra.

Chính sách cho hơn 1,3 triệu giáo viên: Bài toán thừa - thiếu
Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ xảy ra ở rất nhiều địa phương. Ảnh minh họa.

Chính sách lương nhà giáo đã lạc hậu

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2016 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho thấy, chính sách lương của nhà giáo còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò nhà giáo, chưa là động lực để thu hút nhà giáo giỏi, góp phần chuẩn hóa và phát triển đội ngũ. Điển hình như: thang, bảng lương nhà giáo hiện tại đã lạc hậu, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo như đã được khẳng định trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Bậc lương của nhà giáo có nhiều bất hợp lý khi xét trong tương quan với thang, bậc lương của các chức danh cùng loại trong các đơn vị hành chính sự nghiệp của Nhà nước; số bậc lương trong một ngạch vẫn còn nhiều; chênh lệch giữa các hệ số lương thấp.

Bên cạnh đó, nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tuy rất khác về tiêu chuẩn và tính chất nghề nghiệp nhưng vẫn xếp cùng thang, bảng lương như giáo viên trung học. Việc thực hiện các chế độ phụ cấp của nhà giáo cũng còn bất cập, chưa tạo được động lực để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo một cách bền vững. Quy định số giờ dạy thêm được tính trả lương không vượt quá 200 giờ tiêu chuẩn/người/năm không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là ở các trường nội trú.

Với chính sách lương hiện tại, thu nhập của đại bộ phận nhà giáo vẫn ở mức trung bình. Thu nhập của giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, nhất là giáo viên mới ra trường còn rất thấp. Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục và các chuyên gia, thu nhập chủ yếu từ tiền lương của nhà giáo hiện nay chưa thực sự là thước đo giá trị sức lao động, chưa tạo động lực để đội ngũ nhà giáo làm việc với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình và phát huy sức sáng tạo của bản thân.

Theo số liệu báo các cáo từ các địa phương, khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập dưới 5 triệu/tháng, mức lương của giáo viên phổ thông vùng đồng bằng với 30 năm công tác khoảng 9-10 triệu/tháng. Dù có bằng tốt nghiệp cao đẳng, hay đại học, hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn là 1,86, do vậy số giáo viên mới đi làm thường có mức lương dưới 3 triệu/tháng.

Tuyển dụng, bố trí chưa phù hợp

Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm, yêu cầu giải trình làm rõ chính là việc nguyên nhân xảy ra tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, với tổng số hơn 75 nghìn người so với nhu cầu sử dụng, trong khi đó ở các bậc THCS, THPT lại thừa giáo viên.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, việc thiếu giáo viên đã kéo dài nhiều năm với số lượng lớn ở nhiều địa phương sẽ dẫn đến tình trạng các trường phải hợp đồng với giáo viên để dạy. Chính việc hợp đồng giáo viên này ở các trường đang  dẫn đến nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên.

“Tôi thấy chủ yếu là hợp đồng giáo viên dạy theo tiết học, mà mỗi tiết học như vậy thì giáo viên được hợp đồng chỉ được thụ hưởng mấy mươi nghìn đồng thôi, có em thì 35 ngàn đồng/ tiết dạy tùy theo  cấp học. Rõ ràng là chính sách này rất bất cập so với giáo viên được biên chế. Chính vì việc này dẫn đến tâm lý của các trường muốn dành biên chế lại để hợp đồng giáo viên có ngân sách, để giữ lại kinh phí ngân sách hoạt động của trường lớn hơn để hoạt động cho những vấn đề khác”- bà Hương đặt vấn đề.

Chính sách cho hơn 1,3 triệu giáo viên: Bài toán thừa - thiếu
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình tại phiên họp. (Nguồn: quochoi.vn).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, hiện cả nước có hơn 1,3 triệu giáo viên. Đội ngũ này rất tâm huyết, có ý chí phấn đấu cho sự nghiệp và đã góp phần cho thành quả chung của giáo dục. Tuy nhiên hiện đội ngũ này đang gặp khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến công việc. Trong đó có tình trạng mất cân đối về đội ngũ theo cấp học, môn học, ngành học và theo vùng miền.

“Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ xảy ra ở rất nhiều địa phương. Công tác tuyển dụng, bố trí chưa phù hợp, thậm chí vị trí của người thầy trong xã hội chưa được tôn vinh, nhìn nhận đúng tầm”- ông Bình nhìn nhận, đồng thời cho rằng, hiện nay cùng một lúc có những vấn đề nổi lên như: tình trạng chấm dứt hợp đồng giáo viên, một số nơi thiếu giáo viên, thậm chí sĩ số học sinh trong lớp không đảm bảo, nhất là ở thành phố lớn. Những vấn đề đó đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, làm hạn chế hiệu quả cũng như chủ trương đổi mới.

Giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, theo quy định của pháp luật, từ năm 2015 trở về trước, biên chế sự nghiệp trong đó có giáo viên giao thẩm quyền cho cấp tỉnh. Việc thừa, thiếu giáo viên, hay các địa phương có biên chế nhưng vẫn tuyển giáo viên làm hợp đồng thì trách nhiệm là của địa phương. “Bộ Nội vụ xây dựng thể chế của Luật Viên chức và đặc biệt là Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có quy định, trước khi tỉnh thẩm định, quyết định biên chế thì phải có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ. Cho nên từ năm 2016 đến nay, Bộ Nội vụ mới tiến hành thẩm định, còn trước đây theo quy định của Luật thì giao thẩm quyền này cho địa phương”- ông Thăng phân tích. 

Nguyên nhân thứ hai được ông Thăng nhìn nhận là do định mức giáo viên của chúng ta không biết là có phù hợp với thực tế không, và định mức này thì Bộ GDĐT phải chịu trách nhiệm. 

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, giáo viên có những hoạt động đặc thù về chuyên môn nghiệp vụ, nên khi đặt vấn đề giáo viên là một viên chức thì rất bất cập về thang bảng lương, chính sách chế độ, từ đó dẫn đến việc không thu hút được người giỏi. Việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, cho thôi việc giáo viên hợp đồng thời gian qua là vấn đề của địa phương, nhưng gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo.

“Quan điểm của Bộ GDĐT không đồng tình với cách tuyển như thế này. Bởi vì giáo viên phải có chế độ chính sách có tính ổn định để cho giáo viên yên tâm với công việc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ chứ không phải theo mùa vụ hay là theo tiết học”- Bộ trưởng Nhạ nêu quan điểm. Đề cập đến việc giải quyết vấn đề thừa, thiếu giáo viên, chế độ chính sách đối với giáo viên, Bộ trưởng Nhạ cũng cho rằng, không chỉ thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT mà còn là trách nhiệm của các địa phương.   

Đổi mới chấm thi

Đề cập đến kỳ thi THPT quốc gia, các ĐB đề nghị làm rõ nguyên nhân xảy ra những bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia hiện nay và giải pháp để tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, khách quan và công bằng.

Theo ông Phan Thanh Bình, Nghị quyết 29 đã đặt ra lấy kỳ thi là điểm nhấn để tác động vào quá trình đổi mới. Bộ GDĐT đã có kế hoạch, đề án triển khai từ năm 2015 đến nay theo tinh thần đổi mới, giảm áp lực cho thí sinh và tạo điều kiện tối đa cho người học. Việc xét tuyển vào đại học cũng giảm được nhiều áp lực cho thí sinh. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, kỳ thi cũng có một số hạn chế, đặc biệt là để xảy ra sai phạm của một số địa phương ở Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã tạo dư luận không tốt.

Thừa nhận điểm thi môn lịch sử và ngoại ngữ thấp do chất lượng dạy và học đang có vấn đề, cũng như tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp cao do vẫn dùng 50% điểm học bạ để xét tốt nghiệp, những sai phạm trong chấm thi do quy trình tổ chức của Bộ chưa chặt chẽ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quan điểm của Bộ GDĐT là vẫn tiếp tục giữ ổn định kỳ thi này. Tuy nhiên, phải đổi mới trong tất cả các khâu từ chuẩn bị thi, tổ chức thi, chấm thi để loại bỏ các nguy cơ gian lận có thể xảy ra.

                                                                                                                                                                   Theo H.Vũ (Daidoanket.vn)

                                                                                                                                                                            Nguyễn Triệu (st)