Học sinh THCS có thể học thẳng lên cao đẳng: Tiết kiệm, hiệu quả

Ngày đăng: 26/11/2018 - 874 lượt đọc

Thay vì học xong THCS phải qua trung cấp rồi lên cao đẳng, học sinh (HS) có thể bỏ qua giai đoạn trung cấp và học thẳng lên cao đẳng. Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi diễn ra cuối tuần qua. Dư luận cho rằng phân luồng từ học sinh, định hướng từ sớm sẽ thu hút được học sinh học nghề lại tiết kiệm thời gian, chi phí cho người học.

 

Ưu tiên phân luồng

Nói về lý do vì sao phải phân luồng thật sớm, có thể bỏ qua giai đoạn trung cấp để HS có thể học thẳng cao đẳng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, có rất nhiều lý do khiến ông có ý tưởng thu hút HS học nghề bằng cách có thể học nhảy cóc lên cao đẳng và có thể học liên thông lên đại học nến thực sự các em có nhu cầu.

Thứ nhất, theo chỉ thị của Bộ Chính trị năm 2011 cũng như quyết định năm 2018 của Chính phủ thì mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phải có 30% học sinh THCS học nghề và đến 2025 đạt 40%. Tuy nhiên, hiện nay con số thực tế mới khoảng 8%. Hiện công tác phân luồng đa số phụ thuộc vào nỗ lực của các trường nghề, họ lăn lộn đến tận thôn xóm, bản làng tư vấn tuyển sinh, tuy nhiên để thu hút học sinh rẽ theo ngả này để sớm có định hướng nghề nghiệp không hề dễ. Từ thực tế đó, ông Lê Quân kiến nghị, cần ưu tiên phân luồng học sinh. Vì hiện nay, các địa phương rất ưu tiên trường chuyên, lớp chọn, nhưng chưa quan tâm đến những em không đỗ vào THPT.

Thứ hai, xu hướng của thế giới hiện nay là để người dân gia nhập thị trường lao động sớm. Như vậy, nếu học hết lớp 9 vào học nghề, 18-19 tuổi có thể gia nhập thị trường lao động với mức lương 8-9 triệu đồng, sau đó có thể học liên thông vào đại học. Mô hình này đã thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay các quốc gia phát triển như Pháp, Anh. Nếu phân luồng tốt thì cũng như đang giải quyết vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu, chúng ta có nguồn lao động chất lượng, tăng cường tuổi lao động sớm, đặc biệt là con em người dân tộc thiểu số.

Trong khi đó con đường đến với các trường nghề ngoài phải cạnh tranh khốc liệt với các cấp học khác đang nở rộ vốn đã khó cạnh tranh bởi tâm lý chuộng bằng cấp của xã hội lại gặp thêm hai điểm nghẽn chính. Đó là hết lớp 9 HS được vào học trung cấp nhưng luật quy định các em vừa học nghề vừa phải học văn hoá. Điều này dẫn đến chương trình nặng, tổ chức đào tạo không hợp lý vì học nghề một nơi, học văn hóa ở nơi khác, khiến việc dạy nghề khó chất lượng. Hơn nữa, theo quy định phải học hết trung cấp mới liên thông lên cao đẳng, như vậy học viên phải mất thêm một năm để hoàn thành văn hóa mới được học tiếp.

Từ thực thế đó, ông Quân đề nghị Luật Giáo dục sửa đổi cần ghi rõ ưu tiên phân luồng học sinh, hướng các em học nghề, bổ sung trách nhiệm phân luồng là của ai và giải pháp thực hiện. “Đề nghị dự luật quy định học sinh THCS không chỉ học lên trung cấp mà có thể lên cao đẳng. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã thí điểm cho học sinh học hết 9 năm lên học cao đẳng, thiết kế tổng thể cả văn hoá và nghề nghiệp. Khi đó, khoảng 18-19 tuổi các em gia nhập thị trường lao động”- Thứ trưởng Quân nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước) đề xuất bổ sung, để nội dung, phương pháp chương trình giáo dục hướng nghiệp thực hiện hiệu quả và đảm bảo sự chặt chẽ của các quy định pháp luật, cần bổ sung vào khoản 2 Điều 102 nội dung nhà nước quản lý giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh để đảm bảo chặt chẽ trong quy định về giáo dục hướng nghiệp. Vì trong 12 nội dung quản lý giáo dục không có nội dung giáo dục hướng nghiệp, nhà nước phải giữ vai trò quản lý toàn diện về nội dung, phương pháp giảng dạy, chương trình cụ thể của giáo dục hướng nghiệp, nhà nước không thể buông lỏng về vấn đề giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS.

Tiết kiệm chi phí tiền của cho xã hội

Theo TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang thí điểm để đào tạo HS lớp 9 lên thẳng cao đẳng. Đây là mô hình Nhật Bản đã làm từ lâu và hiện các chuyên gia Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện. Với mô hình này, HS sẽ học cao đẳng sau khi tốt nghiệp THCS, khi tốt nghiệp được cấp bằng cao đẳng, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành mà không cần phải vất vả học và chờ liên thông như trước nữa. Nếu áp dụng hình thức đào tạo này sẽ tiết kiệm tiền của, thời gian và trẻ hóa lực lượng lao động trong tương lai.

Tiến sĩ Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TPHCM phân tích: Sau khi tốt nghiệp THCS, HS mất 3 năm để hoàn thành chương trình THPT và 4 năm nữa để lấy bằng ĐH. Tổng cộng mất 7 năm và học sinh phải đóng học phí toàn bộ cho 7 năm này. Tuy nhiên, nếu tốt nghiệp THCS, học sinh chỉ mất 3 năm để có bằng cao đẳng và hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông. Nếu liên thông ĐH, thí sinh mất thêm khoảng 1 năm nữa. Như vậy, nếu học liên tục chỉ mất 4 năm để học sinh tốt nghiệp THCS có thể có được tấm bằng ĐH, trong khi học nghề học phí có thể sẽ rẻ hơn, rút ngắn thời gian hơn nên sẽ hút được người học nghề. Đó là học sinh đi theo con đường học vấn, còn nếu học xong cao đẳng các em đã hoàn toàn có thể tham gia vào thị trường lao động, trong khi các bạn cùng trang lứa mới bắt đầu vào đại học.

Ủng hộ quyết định phân luồng sớm cho HS để các cháu có thể gia nhập thị trường lao động sớm, chị Nguyễn Thị Lệ - một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ, con chị thi vào lớp 10 được 48 điểm, thực tế vẫn có thể vào được các trường THPT công lập tốp dưới. Tuy nhiên, sức học của cháu vốn không tốt nên nếu ép cháu học phổ thông, vô tình gia đình sẽ tạo cho cháu áp lực rất lớn, rất dễ dẫn đến tình trạng chán nản. Chính vì vậy, gia đình chị đã định hướng cho cháu theo học trung cấp mà không đặt mục tiêu vào đại học, vì suy cho cùng có bằng cấp cũng chỉ để tìm được việc làm ổn định. Tuy nhiên, nếu được nhảy cóc học thẳng cao đẳng nhiều phụ huynh có thể chốt phương án học nghề sớm cho con cái họ.

Phân luồng sau THCS là chủ trương rất thuận lợi để HS sớm có nghề nghiệp ổn định, tiết kiệm chi phí trong khi vẫn có thể học lên cao hơn nếu có nhu cầu. Mỗi người có một lựa chọn khác nhau để tiếp tục con đường học vấn và tạo lập nghề nghiệp nuôi sống bản thân và gia đình sau này.

                                                                                                                                                                                         Theo Dân Trí

                                                                                                                                                                                      Nguyễn Triệu (st)