Người khuyết tật làm phi hành gia tốt hơn người thường?

Ngày đăng: 10/03/2019 - 798 lượt đọc

Thực tế trong một vài trường hợp, các phi hành gia khuyết tật có thể xử lý tình huống nhạy bén hơn cả người bình thường.

Năm 1961, chàng sinh viên đại học David Myers đi từ Washington, DC đến trường Y học Hàng Không thuộc Hải Quân Mỹ ở Florida để tham gia vào một thí nghiệm mới toanh thời đó.

“Tôi thực sự hiểu rất ít về thứ mà mình đang sắp tham gia”, Myers nói. “Tôi lo lắng khủng khiếp nhưng cũng xen lẫn sự vui mừng vào ngày đầu tiên đó”.

Myers nằm trong số 11 người được tuyển chọn đặc biệt bởi tiến sĩ Ashton Graybiel để tiến hành thử nghiệm tính khả thi việc du hành vũ trụ đối với con người. Vào thời đó, người ta không biết chắc rằng liệu cơ thể chúng ta có thể du hành ra khỏi bầu khí quyển được hay không.

Nguoi khuyet tat lam phi hanh gia tot hon nguoi thuong? hinh anh 1
Một nhóm người khuyết tật từng được thử nghiệm để bay vào không gian. Ảnh: Getty.

Không ai trong số 11 người thử nghiệm đó được đưa ra không gian. Thực tế, họ sẽ không bao giờ được phép trở thành phi hành gia. Những người thử nghiệm được NASA tuyển vào các thí nghiệm vì lý do: bị điếc. Do đó, họ sẽ không bao giờ được phép bay.

Nhóm người này bây giờ được biết đến dưới cái tên Gallaudet Eleven. Myers và đồng nghiệp đã được tuyển từ trường Gallaudet College, một ngôi trường dành cho các sinh viên bị điếc. 10 trong số 11 người bị điếc bẩm sinh, tai trong bị hỏng và cả tiền đình.

Tuy nhiên, họ lại là đối tượng hoàn hảo để hiểu những gì có thể xảy ra cho con người ở môi trường mà tai trong không thể cảm nhận được gì. Công trình của Gallaudet Eleven đã đóng góp đáng kể cho sự hiểu biết về chứng say tàu xe và khả năng thích nghi các chuyến bay vũ trụ của con người.

Người khuyết tật có thế mạnh gì?

Ai cũng biết trở thành phi hành gia là rất khó. Quá trình lựa chọn của NASA khét tiếng khắt khe, đến mức hầu như chỉ những người có bộ gen hoàn hảo mới đáp ứng nổi.

Thế nhưng vẫn có những hy vọng cho người khuyết tật. Chúng ta đều biết để du hành không gian cần những người mạnh khỏe nhất, thông minh nhất, thích nghi tốt nhất. Nhưng sức mạnh cũng như trí tuệ có rất nhiều hình thái. Nếu bạn muốn tìm kiếm ứng viên để đi vào những môi trường không phù hợp cho con người, người khuyết tật có phải lựa chọn hợp lý?

Như những bệnh nhân phải sử dụng túi hậu môn nhân tạo, xét về mặt vệ sinh họ sẽ có lợi hơn nhiều so với các phi hành gia thông thường. Việc đi toilet trong không gian hết sức phiền phức. Khi cất hay hạ cánh, phi hành gia phải mang tã, còn trên trạm không gian phải được học và dùng đúng cách, nếu không có thể vương vãi do không hề có trọng lực.

Đối với những người đã được phẫu thuật gắn hậu môn nhân tạo, họ đã có sẵn một cái túi.

Tiếp theo là việc di chuyển trong không gian. Chúng ta đã từng thấy các phi hành gia trong phim phải cực khổ thế nào để di chuyển bằng cách dùng tay hoặc chân tác động vào mặt phẳng để đẩy cả người theo một hướng nhất định.

Nhưng ít ai để ý rằng người khuyết tật phải đi xe lăn hàng ngày cũng làm điều tương tự, thậm chí còn khó hơn. Những người này đã học được cách di chuyển, sử dụng đồ vật xung quanh mình một cách thành thạo.

Vậy nếu các phi hành gia ít khi sử dụng chân, hóa ra những người có kinh nghiệm di chuyển nhờ đồ vật sẽ dễ làm quen hơn với việc đi lại trong không gian. Một phi hành gia bị liệt chân vẫn sẽ thích nghi tốt hơn trong môi trường mà việc di chuyển cơ thể phụ thuộc vào tay và các mặt phẳng xung quanh.

Nguoi khuyet tat lam phi hanh gia tot hon nguoi thuong? hinh anh 2
David Myerc tiến hành thử nghiệm năm 1961 trong lồng kim loại lắc sang trái phải liên tục. Ông cho biết cuộc thử nghiệm chỉ khiến ông buồn ngủ. Ảnh: Courtesy of Gallaudet University Archives.

Thậm chí các phi hành gia bị mù cũng có thể thích nghi tốt hơn trong vài trường hợp. Thực tế, chúng ta có thể thiết kế tàu vũ trụ đặc chủng cho người mù. Bởi mỗi khi có tai nạn bất ngờ, thứ đầu tiên chúng ta nghĩ tới là các nguồn sáng.

Các phi hành gia thường cố mở mắt tìm cho ra nguồn sáng như đèn pin hoặc các loại vật dụng khác. Trong khi phi hành gia bị mù không cần điều đó. Nếu có cháy, anh ta sẽ với ngay bình cứu hỏa, còn người thường sẽ hốt hoảng và tìm cách lấy đèn pin, tệ hơn nữa khói sẽ làm cay mắt và chìm trong cơn bấn loạn.

Trong vụ hỏa hoạn trên trạm Mir, giả thuyết trên đã chứng minh là nó có lý. Nguyên nhân bùng lên vụ cháy là khói đã làm các phi hành gia không thể xác định được vị trí bình cứu hỏa. Rõ ràng là người thường cần mở mắt để lấy thứ gì đó, trong khi thế giới của người mù thực chất hết sức ngăn nắp và bài bản, vì chỉ có như vậy họ mới nhớ được vật nào nằm đâu, và họ trí nhớ họ cực kỳ tốt.

11 người bị điếc trong thử nghiệm có thể đánh bài, trong khi các nhà khoa học lại say sóng ói mửa. Người điếc miễn nhiễm với say tàu xe, do đó trong các trường hợp tai nạn, trạm không gian xoay vòng vòng thì họ sẽ là những người tỉnh táo nhất.

Ý tưởng đưa người khuyết tật lên không gian có thành hiện thực hay không, hiện NASA cũng chưa có bình luận. Mars One hay SpaceX cũng vậy. Trích dẫn tiêu chuẩn ứng tuyển của sứ mệnh sao Hỏa Mars One như sau: “Về cơ bản, những ai có tình trạng sức khỏe và tâm lý bình thường sẽ được tuyển. Bất kì ai không có thị lực đủ 20/20 hoặc tình trạng thị lực không “bình thường” sẽ không có cơ hội".

NASA còn cho rằng: “Vì sự an toàn của phi hành đoàn, mỗi phi hành gia phải đảm bảo sức khỏe và được giám định bởi các bác sĩ của NASA”.

Thay đổi các tiêu chuẩn đó không phải dễ dàng, đặc biệt bởi các tàu vũ trụ được thiết kế dành riêng cho một đối tượng nào đó, và hiện tại đó là người thường, khỏe mạnh.

Muốn phi hành gia khuyết tật bay được, cần thiết kế lại toàn bộ tàu vũ trụ. Chỉ xét riêng khoản tốn kém đã thấy điều này khó xảy ra. Do đó, nếu bạn không nhập ngũ được, cũng đừng nghĩ tới chuyện làm phi hành gia.

Nguoi khuyet tat lam phi hanh gia tot hon nguoi thuong? hinh anh 3
Để người khuyết tật bay vào không gian, ít nhất các tàu du hành cũng phải được thiết kế lại. Ảnh: Business Journals.

Hy vọng cho người khuyết tật

Vào năm 2017, Johanna Lucht đã trở thành kỹ sư bị điếc đầu tiên làm việc tại NASA (nhưng vẫn chưa bay). Eddie Ndopu, nhà nhân quyền người Nam Phi nói rằng anh muốn trở thành người tàn tật đầu tiên được lên vũ trụ.

Julia Velasquez, một phụ nữ điếc đến từ California, đã trải qua nhiều bước tập huấn của phi hành gia tại NASA, rốt cuộc đã nhận được giấy phép phi công, thậm chí sống trong sao Hỏa mô phỏng ở Hawaii.

Trở lại với Mayers, nhóm của ông đã cống hiến không nhỏ trong quá trình chinh phục vũ trụ của con người. Ước mơ trở thành phi hành gia của ông là điều ai cũng thấy.

Mayers đã không được mãn nguyện, nhưng những người khuyết tật thế hệ sau hoàn toàn có thể tin tưởng vào điều đó. Khi ấy, chúng ta buộc phải xem xét lại tiêu chuẩn để một người có thể trở thành phi hành gia.

                                                                                                                                                                                   Theo Zing.vn

                                                                                                                                                                             Hoàng Xuân Hạnh (st)